1. Vị trí con đường
Đường Nhật Lệ nằm trên địa bàn phường Thuận Lộc và Đông Ba, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Xuân Sáu Tám, qua ngã tư các đường Ngô Đức Kế, Lê Thánh Tôn, Đinh Tiên Hoàng, Đoàn Thị Điểm đến đường Thạch Hãn (giáp ngã tư đường Phùng Hưng), dài 1034m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Nguyên là con đường đất, được hình thành từ thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Quốc Sử quán. Từ năm 1955 trở về trước là đường Mã Khái (tàu ngựa của triều đình). Sau năm 1956, đoạn từ Phùng Hưng đến Lê Thánh Tôn là đường Tăng Bạt Hổ. Năm 1965 đổi lại là đường Lê Văn Duyệt cho đến năm 1976. Đoạn từ Lê Thánh Tôn đến Xuân Sáu Tám thường gọi là đường Hồ Mưng. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định gộp hai đoạn lại làm một và đặt tên mới là đường Nhật Lệ.
3. Địa danh lịch sử gắn liền với con đường
Nhật Lệ vừa là tên sông, vừa là tên phá (biển cạn). Sông Nhật Lệ có hai nguồn: nguồn phía Tây theo núi An Đại, Trường Môn chảy xuống chín thác; nguồn phía Nam theo núi Quan Độ chảy hướng Đông qua Trung Quán, rồi cả hai nguồn hợp lưu chảy ra phía Bắc đến làng Cổ Hiền, Trần Xá. Từ đó hợp lưu này nhập với sông Bình Giang chuyển theo hướng Đông Bắc chảy đến Vĩnh Tuy, cùng khe Hữu Gia và Hàm Nhược nhập lại rồi chảy về phía Đông đến Cự Hà trước khi đổ ra cửa Nhật Lệ. Phá Nhật Lệ thuộc làng Phú Ninh tục danh Tăng Đầm hay còn gọi là Đàm Đăng. Chu vi ước chừng khoảng năm dặm, nước rất trong và sạch không có nơi nào sạch bằng. Phía Đông có gò cát cao, ngày xưa có miếu Long Vương cầu mưa rất linh ứng. ở phía Tây Bắc đầm rất sâu có loài giao long (thuồng luồng) quấy phá. Hễ năm nào hạn hán, dân tổ chức đua thuyền lập tức trời đổ mưa. Ngày nay trên dòng sông Nhật Lệ nhân dân hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh thường tổ chức hội đua thuyền bơi trải, ở đây đã sản sinh ra làn điệu hò khoan Lệ Thủy rất hay. Nhật Lệ là một địa danh của tỉnh Quảng Bình có mặt trên đất Cố đô Huế. Khuôn hội Phật giáo Tịnh Bình, Đoàn Nghệ thuật Ca kịch Huế (địa điểm đóng tại lầu ông Hoàng Tùng Đệ cũ) nằm trên đường này.