1. Vị trí con đường
Đường Nguyễn Chí Thanh nằm trên địa bàn phường Gia Hội, về phía Đông Kinh thành Huế, khởi đầu từ cầu Đông Ba, chạy qua ngã ba các đường Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát đến đường Nguyễn Gia Thiều (gần bến đò chợ Dinh hạ), dài 1750m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành vào thế kỷ 19, cùng thời với đường Chi Lăng, đến năm 1908 được sát nhập vào thành phố. Từ năm 1955 trở về trước là đường Minh Mạng. Sau năm 1956 đặt lại là đường Võ Tánh. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đổi, đặt lại tên mới là đường Nguyễn Chí Thanh. Dân gian thường gọi là đường Hoàng Mười.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
|
Nguyễn Chí Thanh (Giáp Dần 1914 - Đinh Mùi 1967) là nhà hoạt động cách mạng, nhà báo, Đại tướng quân đội nhân Việt Nam, tên thật là Nguyễn Vịnh, quê làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Năm 17 tuổi, ông đã cùng một số thanh niên đấu tranh chống thực dân Pháp, tham gia tích cực hoạt động cách mạng. Năm 1937, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó lần lượt được cử làm Bí thư chi bộ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Năm 1943 ông bị địch bắt, bị giam cầm qua các nhà tù Thừa Phủ, Buôn Ma Thuột, Lao Bảo. ở trong tù, ông vận động anh em đấu tranh, nhanh chóng thành lập Đảng bộ nhà tù, biến nhà tù đế quốc thành trường học rèn luyện của người Cộng sản. Đầu năm 1945, ông ra tù tiếp tục hoạt động cách mạng ở miền Nam Trung Bộ. Tháng 8/1945, Hội nghị Đảng toàn quốc họp tại Tân Trào, ông được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư, rồi được cử làm Bí thư Phân khu Bình Trị Thiên, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, trực tiếp phụ trách công tác xây dựng giúp đỡ cách mạng Lào. Tại Hội nghị này, Bác Hồ nhận xét về ông: "Bác biết chú là người có chí lớn, trong lao tù vẫn hoạt động có hiệu quả, tin tưởng cách mạng thành công. Nay thời cơ ấy đã đến, chí sắp thành. Bác đặt tên cho chú là Nguyễn Chí Thành". Do trong Tỉnh ủy Thừa Thiên có một người tên Thành, ông xin phép Bác được đổi là Nguyễn Chí Thanh. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ hai năm 1951 của Đảng, ông được bầu vào Bộ Chính trị, được cử làm Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, năm 1958 được phong quân hàm Đại tướng ông là ủy viên Hội đồng Quốc phòng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Khi đế quốc Mỹ đem quân ồ ạt vào miền Nam, Bộ Chính trị đã cử ông vào Nam làm Bí thư Trung ương Cục và trực tiếp chỉ đạo cách mạng Miền Nam. Đêm mồng 6/7/1967, tại Hà Nội, ông cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang hoạch định kế hoạch đập tan cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai của Mỹ thì đột ngột từ trần sau một cơn đau tim nặng, hưởng dương 53 tuổi. Do công lao to lớn của mình, ông được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân, Huy chương cao quí khác, được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang. Ông là vị tướng du kích mưu lược thiên tài, một vị tướng thương lính hết lòng, là người chỉ huy đầy bản lĩnh, là nhà quân sự tài ba của quân đội ta, đồng thời là nhà hoạt động chính trị, văn hóa, kinh tế mẫu mực của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông đã viết hàng trăm bài báo về nhiều lĩnh vực, ông là tác giả của 19 đầu sách, trong đó có các cuốn: Chống chủ nghĩa cá nhân, Cải tiến tác phong công tác của chúng ta, Đảng ta lãnh đạo tài tình, Chiến tranh nhân dân, Hoan nghênh hợp tác xã Đại Phong, Phòng trừ mối cho nhà cửa và kho tàng, Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta. Hiện mộ ông táng tại nghĩa trang Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Phủ bà Chúa Nhất, Phủ Vĩnh Tường Quận Vương, Ngọc Sơn Công Chúa từ (thờ công chúa Nguyễn Phúc Hỉ Hỉ - nay là nơi gia đình nhà nghiên cứu Phan Thuận An đang ở và bảo quản), Lầu ông Hoàng Mười, Phủ từ Cẩm Giang Quận Vương (con trai thứ 59 của vua Minh Mạng), Hoài Quốc Công, Phú Mỹ Quận Công (con trai thứ 8 của vua Minh Mạng), Tuy An Quận Công (con trai thứ 41 của vua Minh Mạng), Trường THPT Gia Hội, Chùa Tăng Quan (hệ phái Nam Tông), Chùa Phước Điền, Linh Hựu quán (thờ Đạo giáo) nằm trên đường này.