Add Content...

Phát triển thị trường lao động, hỗ trợ tìm kiếm việc làm
  
(CTTĐT) - Phát triển thị trường lao động và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là một nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế nhanh và bền vững. Trong những năm qua, các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp thực hiện chương trình việc làm với nhiều giải pháp nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về nguồn nhân lực, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Tư vấn, giới thiệu hỗ trợ định hướng việc làm
Tư vấn, giới thiệu hỗ trợ định hướng việc làm

Thừa Thiên Huế có lượng lao động dồi dào, đến thời điểm hiện nay là hơn 615.000 người. Mỗi năm có gần 10.000 lao động là sinh viên, học sinh ra trường, bộ đội xuất ngũ, một bộ phận lao động mất việc do sắp xếp lại doanh nghiệp bổ sung vào lực lượng lao động của tỉnh. Trong năm 2023 và 05 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 24.501 người, trong đó đưa 3.514 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã tuyển sinh 20.248 người. Phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo nghề nghiệp đạt trên 85%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,5%. Hàng năm giải quyết việc làm mới bình quân trên 16.000 lao động.

Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 27 phiên giao dịch việc làm tại trung tâm và phối hợp tổ chức lưu động tại các trường cao đẳng, đại học, các địa phương. Hoạt động của sàn giao dịch việc làm này đã thu thập, giới thiệu khoảng 50.000 vị trí việc làm, kết nối hàng trăm doanh nghiệp với hàng chục nghìn lượt người lao động quan tâm. Tuy nhiên, con số lao động được giới thiệu việc làm thành công lại chưa tới 1.000 người mỗi năm.

Để giải quyết khó khăn trên, Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả các sàn giao dịch việc làm, qua đó phát triển thị trường lao động, cung cấp thông tin phục vụ công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Việc ra mắt Sàn giao dịch việc làm điện tử vừa được Sở LĐTB&XH công bố tại Ngày hội việc làm của tỉnh lần thứ Nhất năm 2024 đánh dấu một bước chuyển biến mới trong công tác kết nối cung - cầu lao động.

Ngành LĐTB&XH cũng đang tích cực, cầu thị và cùng phối hợp với các đơn vị, địa phương để truyền thông kịp thời, lan tỏa rộng rãi và thường xuyên về các chính sách, cơ chế hỗ trợ lao động về việc làm, học nghề của Nhà nước; các chính sách, quy trình thủ tục tham gia đi làm việc ngoài nước…

Tư vấn, giới thiệu hỗ trợ định hướng việc làm

Mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UBND thị xã Hương Trà tổ chức Ngày hội Việc làm bền vững nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu việc làm nhằm nâng cao nhận thức về việc làm bền vững cho người lao động; cung cấp thông tin về thị trường lao động trong nước và ngoài nước, từ đó giúp người lao động có nhu cầu tìm việc làm tiếp cận, tìm hiểu và tham gia thị trường lao động.Tăng cường gắn kết giữa thị trường lao động và nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo thị trường lao động trên địa bàn tỉnh phát triển linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà tuyển dụng lựa chọn được nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của đơn vị. Giúp các cấp chính quyền địa phương, đơn vị tiếp nhận thông tin từ người lao động và đơn vị sử dụng lao động làm cơ sở để xây dựng chiến lược đào tạo nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhanh và bền vững. Hỗ trợ doanh nghiệp, các trường cao đẳng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quảng bá, tăng cường kết nối, hợp tác, giới thiệu đến thị trường hình ảnh tiềm năng phát triển của đơn vị.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, việc làm luôn là những chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Các chính sách này luôn hướng đến mục tiêu việc làm bền vững và tạo cơ hội bình đẳng cho người lao động. Trong đó, vấn đề giải quyết việc làm có tác dụng giúp nhà tuyển dụng sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Thông qua đó cũng sẽ đáp ứng thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Sự gắn kết giữa thị trường lao động và hệ thống giáo dục nghề nghiệp luôn được quan tâm triển khai hiệu quả. Trong thời gian qua, tỉnh đang tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước đưa nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, đề nghị các cơ quan, ban, ngành cần đẩy mạnh công tác thông tin, dự báo thị trường lao động nhằm định hướng công tác đào tạo, giới thiệu việc làm trong tỉnh, trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giúp người lao động có cơ hội tìm được việc làm và giúp doanh nghiệp tuyển đủ số lao động còn thiếu.Tăng cường chỉ đạo, triển khai công tác dự báo, cân đối nhu cầu đào tạo nhân lực và hỗ trợ việc làm cho lao động sau đào tạo giữa các ngành, địa phương, cơ sở đào tạo và các tổ chức kinh tế. Qua đó, sẽ chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để đón đầu khi các dự án lớn đưa vào hoạt động trong thời gian đến. Các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt tập trung các ngành đào tạo đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu phát triển của tỉnh và hội nhập quốc tế.Tăng cường công tác thông tin nhằm giới thiệu các ngành nghề đào tạo, các vị trí việc làm và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đến với các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng và người lao động. Quảng bá thương hiệu và sản phẩm một cách hiệu quả, đồng thời có thể tiếp cận và trực tiếp tuyển dụng nguồn lao động kỹ thuật dồi dào và chất lượng cao của các trường Cao đẳng trên địa bàn.

Tại ngày hội Việc làm bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024

w.w.w.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]