Nói đến xứ Huế là nhắc đến một vùng đất với những nét văn hóa đã in đậm trong biết bao người. Đến đây ta mới cảm nhận được nhiều đặc sản đã trở thành thương hiệu có giá trị văn hóa riêng của xứ thần kinh trải qua năm tháng vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, một trong số đó là rượu làng Chuồn.
Tên làng Chuồn là cách nói tiếng Nôm của làng An Truyền, một ngôi làng cổ có lịch sử hơn 600 năm. Làng cách thành phố Huế khoảng 10 km theo hướng đông bắc, gần phá Tam Giang nổi tiếng với nghề truyền thống nấu rượu. Người dân Huế khi đi xa đều mong muốn trở về để được thưởng thức món rượu gạo mang hương vị đặc trưng của quê nhà. Rượu làng Chuồn gắn bó với cuộc sống hàng ngày của người dân quê và cũng không thể thiếu được vào các dịp Tết đến, xuân về.
Ông Đặng Văn Thạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Rượu làng Chuồn chia sẻ: “Sau những lần về làng Chuồn chơi, được thưởng thức loại rượu thơm ngon nổi tiếng nên ông quyết định sản xuất loại rượu này. Là một người con của mảnh đất Cố đô, sau bao năm bôn ba nơi đất khách, với ước muốn cống hiến công sức cho quê hương, ông Đặng Văn Thạnh từ thành phố Hồ Chí Minh trở về Huế bỏ nhiều công sức tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thuật lên men và chưng cất Rượu làng Chuồn xưa. Từ những ấp ủ, trăn trở, muốn quảng bá rộng khắp trên mọi vùng miền niềm tự hào hương vị quê hương, năm 2013, ông Đặng Văn Thạnh đã thành lập công ty Cổ phần rượu làng Chuồn có trụ sở đặt tại thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hai năm sau, được sự hướng dẫn tận tình của các nhà nghiên cứu Huế, ông Đặng Văn Thạnh tiếp tục thành lập Công ty TNHH phát triển sản phẩm văn hóa Cung đình triều Nguyễn. Với mong muốn đưa các sản phẩm trà, rượu cung đình đến gần hơn với người dân địa phương và du khách gần xa, Công ty đã hợp tác với Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại không gian văn hóa Lục Bộ, 79 Nguyễn Chí Diểu, phường Thuận Thành, thành phố Huế”.
Những sản phẩm đặc biệt của Công ty TNHH phát triển sản phẩm văn hóa Cung đình triều Nguyễn phải kể đến Liên hoa ngự tửu (rượu sen) và Tịnh tâm liên hoa ngự trà (trà sen). Đây là những sản phẩm được chế biến cầu kỳ, công phu. Rượu được chưng cất từ gạo lứt đỏ Làng Chuồn ướp hương sen tự nhiên. Loại gạo này xưa kia được triều đình nhà Nguyễn chọn giống và giao cho dân làng Chuồn trồng tỉa, thu hoạch rồi đem chưng cất rượu để tiến Vua. Mỗi mẻ chưng cất được 7 - 8 lít rượu, tuy nhiên chỉ chọn lấy nửa lít thơm ngon nhất để làm nguyên liệu chế biến Liên hoa ngự tửu. Lượng rượu đầu vòi tách riêng này được ủ trong các lu sành từ 12 tháng trở lên để dịu êm nồng độ, sau đó tinh lọc lại một lần nữa để loại bỏ các độc tố còn sót lại. Rượu sau tinh lọc được ngâm với hạt sen đã sao chế, ướp cách thủy nhụy hoa và cánh hoa sen để rượu hấp thụ hương sen một cách tự nhiên nhất.
Quy trình cho ra Tịnh tâm liên hoa ngự trà cũng cầu kỳ, công phu không kém. Loại trà thượng hạng xưa do Thượng Trà Viện triều Nguyễn sao ướp, bằng cách sử dụng các loại chè mộc thơm ngon nhất từ khắp các vùng miền được đưa về theo chỉ dụ của Vua, ướp hương hoa sen mọc ở hồ Tịnh Tâm và các hồ hào trong kinh thành Huế. Do thổ nhưỡng tầng đáy khác biệt nên sen ở đây có mùi thơm rất đặc trưng, tạo nên dòng trà đệ nhất chỉ dùng riêng trong hoàng tộc triều Nguyễn. Trà được ủ lần đầu trên hoa sen đang mọc trên hồ, sau đó tiếp tục dùng gạo sen để ướp và sấy lặp lại đến 7 lần mới ra được Liên Hoa trà xa hoa, hảo hạng dâng Vua.
Tham gia Festival nghề truyền thống Huế 2019, Công ty sẽ giới thiệu đến du khách những sản phẩm như: Trà phủ; Tịnh tâm liên hoa Ngự trà; Thượng viện Ngự trà; Liên hoa Ngự tửu; Hoàng triều Ngự tửu… Bao bì sản phẩm được thiết kế sang trọng, đẹp mắt với 02 chất liệu gỗ và giấy.
Tuy mới được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2015 nhưng các sản phẩm trà, rượu cung đình ngày càng đến gần hơn với người dân xứ Huế và du khách gần xa. Đây là một trong những sản phẩm được du khách tin dùng lựa chọn làm quà tặng cho người thân, bạn bè. Có được những thành quả trên chính là sự nỗ lực không ngừng tìm tòi, học hỏi, đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức, tiền bạc và trên hết đó là sự tâm huyết yêu nghề, yêu quê hương, muốn giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cung đình triều Nguyễn, văn hóa Huế ngày càng đến gần hơn với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.