Cách bày biện, trang trí món ăn, thức uống
  
Món ăn nấu nướng xong dọn ra dĩa, ra tô phải sắp dọn có tính mỹ thuật
Món ăn nấu nướng xong dọn ra dĩa, ra tô phải sắp dọn có tính mỹ thuật

Trong bài viết Nhớ Huế, Nguyễn Tuân đã đưa ra nhận xét: “Trên mâm ăn lại càng phải nhiều màu. Có cái vẻ như là người sông Hương non Ngự thì ăn bằng mắt nhiều hơn ăn bằng miệng. Những cái đĩa nho nhỏ, những cái chén xinh bé, trên đó sắc màu của miếng chín hài hòa như giữa một trạm tĩnh vật ngon lành”.

Cảm nhận “ăn bằng mắt” đã nói lên phần nào tính trang trí, bày biện trong ẩm thực Huế. Từ khi mới sơ chế, những củ quả đưa vào nấu ăn đã được cắt gọt, tỉa tót đẹp; những lát cắt trên miếng cá, miếng thịt phải “thẳng thớm”, không được làm tùy tiện; những miếng cuốn phải gọn gàng tươm tất… Có những món ăn như nem công, chả phượng trong cung xưa, nay không còn những thực phẩm quý hiếm để làm, người phụ nữ Huế lại chế biến món ram, món chả, tạo hình như công, như phượng, khách nhìn đẹp không dám ăn. Chả lụa, xôi gấc dùng trong đám cưới tạo thành trái tim. Cháo ngũ sắc, bánh ngũ sắc, bánh lá gai, chè khoai tía, được pha màu công phu, tinh tế. Bánh trái cây cắm vào lá để trong chiếc chậu nhỏ, đẹp như một tiểu cảnh trang trí, một số du khách không nghĩ đây là món ăn…

Món ăn nấu nướng xong dọn ra dĩa, ra tô phải sắp dọn có tính mỹ thuật: Cây hành trong tô hầm phải nằm trên lớp mặt; các món xào phải điểm xuyết mấy cọng ngò xanh; thịt heo phay phải xắt thật mỏng, sắp đồng tâm, phần da nằm ngoài, giữa thị là dưa giá, dưa chua; cá dọn ra dĩa có hàng, có lối; miếng thịt ram, thịt hầm phải chặt lại vuông vức, vừa miệng; mực chiên nhồi thịt dọn ra phải cắt lát mỏng, để nguyên như hình dáng con mực; gà quay, vịt quay chặt xong, sắp lại phải thành hình gà, hình vịt; bánh cuốn thịt quay phải để thịt quay giữa dĩa, bánh sắp đều chung quanh dĩa; bánh cuốn Huế phải cắt lát vừa miệng, trên lớp bánh trắng là miếng thịt ba chỉ, trên thịt là màu đỏ tươi của miếng tôm chua. Xôi đơm ra dĩa để cúng phải tròn trịa…

Dĩa rau sống ở Huế mang tính trang trí rất rõ, rau phải được lặt từng đoạn nhỏ vừa miệng ăn, sắp vun ở giữa, lát vả hình trăng non, lát chuối chát hình tròn, lát khế hình sao, màu sắc khác nhau, sắp quanh dĩa rau, như một sự sắp đặt có dụng ý. Những món ăn kèm như trái cà chua, củ cà rốt, củ hành tây, quả dưa chuột trong những bữa ăn trong trọng (kỵ giỗ, tiệc…) còn được cắt tỉa thành con thiên nga, hoa hồng, hoa sen, hoa lan…

Món gỏi thập cẩm khai vị ở Huế trông như một bảng màu đa dạng: Chén nước mắm chua ngọt nhỏ nằm giữa dĩa, chung quanh là chín mảng màu của thơm xắt lát, cà rốt bào, nấm mèo cắt sợi, rau thơm, bắp chuối sứ cắt nhỏ, tôm chẻ, bún tàu, chả xắt sợi, thịt xắt sợi, được sếp thành chín cụm liền kề, đầy nhịp điệu của màu sắc.

Bánh gói lá chuối, lá dừa phải thành hình, thành dạng: giấy gói bánh phải là giấy ngũ sắc, giấy gương, giấy yến. Mứt gừng phải ủi thẳng, không cong queo, uốn vẹo. Bánh bông hường nhìn giống hoa hồng; bánh cây nhiều màu sắc, có hoa, có lá, có cây; bánh sâm là củ sâm cách điệu; bánh trái cây giống nhiều loại trái cây, cả về hình dạng, màu sắc, phải cắm trên cành cây thật…

Uống rượu phải chiết ra bầu rượu hoặc chai rượu đàng hoàng, không dùng chén uống trà để uống rượu. Bộ đồ trà để thưởng thức thú uống trà phải có tách dĩa đầy đủ…

Tính thẩm mỹ trong ẩm thực Huế đôi lúc đã biến mâm cơm, bàn tiệc thành một tác phẩm để thưởng ngoạn, trước khi làm người ăn được no bụng.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]