Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Festival Nghề truyền thống Huế 2017 đã hoàn tất. 20 giờ 30 phút tối nay (28/4) tại sân khấu Bia Quốc Học, Festival Nghề truyền thống Huế 2017 sẽ chính thức khai hội.
Nghệ nhân, thợ thủ công tăng hơn 30%
Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2017 thông tin, ban đầu dự tính có khoảng hơn 250 thợ thủ công, nghệ nhân đến Huế. Tuy nhiên, đến nay, số nghệ nhân, thợ thủ công từ các làng nghề trong tỉnh và cả nước đăng ký tham gia đã lên 320 người, tăng hơn 30% so với festival 2015.
Điều thôi thúc họ đến Huế, theo lời ban tổ chức là nhờ festival trước, họ bán rất được hàng. Các sản phẩm đem theo hầu như hết sạch. Có làng nghề mới hai ngày đầu diễn ra festival đã bán hết hàng hóa.
Nghệ nhân Nhân dân Lê Văn Kinh giới thiệu các tài liệu quý về nghề thêu
Có nghệ nhân đến từ Hà Giang, không ngại đường xa mang sản phẩm vào Huế. Trước khai mạc, họ tranh thủ đến sớm để chuẩn bị trưng bày, quảng diễn kỹ thuật chế tác các sản phẩm từ dệt lanh ong sáp. Một số làng nghề khác ở Hòa Bình như dệt sợi bông và tơ tằm của dân tộc Thái, tơ tằm Nam Cao, thổ cẩm dân tộc Bana…cũng đã sẵn sàng cho ngày khai hội.
Từ trước đó, để có nơi trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm nghề thủ công truyền thống Huế, ban tổ chức đã cho dựng hàng chục nhà rường ở phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, công viên Lý Tự Trọng và một số khu vực ở phía bờ Nam sông Hương để thợ thủ công, nghệ nhân phô diễn nghề.
Một số doanh nghiệp được kêu gọi hỗ trợ cho festival cũng bắt tay cùng ban tổ chức chuẩn bị cho lễ hội. Trong đó, doanh nghiệp Huetourist đã dựng hai nhà rường khá đẹp ở phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu để hỗ trợ cho các bạn trẻ khởi nghiệp giới thiệu các sản phẩm, mô hình kinh doanh của mình. Doanh nghiệp XQ Cổ Độ đã trang trí vườn hoa cẩm tú cầu và nhiều loài hoa đẹp khác ở mặt tiền phía trước đường Phạm Hồng Thái, đồng thời trải thảm toàn bộ tuyến đường này ra đến sông Hương để làm nổi không gian của XQ Cổ Độ.
Giới thiệu trang phục, nghệ thuật trang điểm Hàn Quốc
Giám đốc Huetuorist Trần Quang Hào cho hay, sau festival, ông sẽ dành các nhà rường này cho TP. Huế sử dụng vì các mục đích phát triển du lịch, dịch vụ và lễ hội. Với XQ Cổ Độ, sẽ hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức có mặt hàng tiêu biểu đến trưng bày, giới thiệu sản phẩm của mình ngay tiền sảnh của doanh nghiệp. Hiện, đã có một số cá nhân đăng ký trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở đây.
Để lại ấn tượng tốt
Ngoài không gian trưng bày, quảng diễn nghề, sân khấu chính cũng đã hoàn thành. Các hoạt động chính khác cũng được chuẩn bị chu đáo. Chương trình “Lễ hội áo dài” đã quy tụ đầy đủ các bộ sưu tập, nhà tạo mẫu, người mẫu, sâu khấu cho đêm hội. Âm thanh ánh sáng, nghệ sĩ, diễn viên, các làng nghề nước ngoài, không gian trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, ẩm thực… cũng đã được chuẩn bị chu đáo để festival thật sự là ngày hội của người dân, nghệ nhân, thợ thủ công…
Điều ban tổ chức quan tâm không chỉ là làm phong phú nội dung để festival luôn hấp dẫn, mà còn phải để lại ấn tượng tốt không chỉ với du khách mà cả thợ thủ công, nghệ nhân, khách mời, nhất là với những nghệ nhân, các thành phố, làng nghề từ nước ngoài. Do đó, các khâu bố trí nơi ăn ở, quảng diễn nghề và những hỗ trợ khác phải luôn được tính toán kỹ để làm sao đem đến sự thuận tiện, hài lòng.
Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2017 cho hay, dù đã được một số doanh nghiệp hỗ trợ về phòng nghỉ khách sạn, nhà nghỉ, song ban tổ chức phải khảo sát, kiểm tra chất lượng dịch vụ để khách mời, nghệ nhân, thợ thủ công… có được nơi ăn ở tốt nhất.
Ban tổ chức cũng đã tuyển được một lực lượng khá hùng hậu các tình nguyện viên để giúp đỡ, hướng dẫn, phiên dịch cho người dân, du khách, nghệ nhân là người nước ngoài lần đầu đến Huế thuận lợi hơn trong giao tiếp, tìm hiểu văn hóa, ẩm thực, con người xứ Huế.
Về lâu dài, TP. Huế còn tính tới việc sử dụng các sản phẩm trong festival để làm sản phẩm quà tặng sau cuộc thi sẽ được công bố và trao giải tại festival. Điều này cũng đã được TS. Hồ Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đề cập khi ông đang nghiên cứu đề tài về phát triển bền vững các làng nghề truyền thống.
Theo ông Thắng, cần phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước thì các làng nghề mới sống được. Từ đó, mới nghĩ đến chuyện cải tiến mẫu mã, làm sống dậy giá trị của làng nghề, hiểu nôm na là sản phẩm làng nghề phải nuôi sống được người dân. Thuận lợi là trên địa bàn tỉnh có khá nhiều nghề và làng nghề nổi tiếng, nếu có sự đầu tư, hỗ trợ ban đầu, người dân sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc cải tiến mẫu mã, tìm kiếm đầu ra.