Để chủ động công tác ứng phó kịp thời trước cảnh báo mưa lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong những ngày tới, sáng ngày 04/11, UBND huyện Phú Lộc đã tổ chức cuộc họp khẩn triển khai công tác chuẩn bị ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn.
Cuộc họp được trực tuyến đến các địa phương với sự tham gia đông đủ của các thôn và hiệu trưởng các trường học cùng trạm trưởng các trạm y tế xã. Đồng chí Phan Công Mẫn, Chủ tịch UBND huyện cùng các Phó Chủ tịch chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo nhanh của cơ quan thường trực, để ứng phó kịp thời với tình hình mưa lớn có thể gây ra ngập lụt và sạt lở đất trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành Công điện 5350 ngày 03/11/2024 yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương sẵn sàng chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn huyện theo phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền đến tận người dân về các nội dung công điện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh và văn bản của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất…
Cơ quan thường trực báo cáo tình hình tại cuộc họp
Bên cạnh đó, từ huyện đến cơ sở đã lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư và hậu cần đảm bảo phương châm 4 tại chỗ như: phương tiện xe cứu hộ, thuyền máy, xe múc, xe ben, máy cưa, áo phao… cùng với dự trữ hơn 40 tấn gạo, 200 thùng mì ăn liền, 3.000 lít xăng cùng nhiều vật dụng thiết yếu khác; công tác y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc, phòng cấp cứu, y bác sĩ để điều trị kịp thời các trường hợp xảy ra; công tác giáo dục căn cứ tình thực tế địa phương để chủ động cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn; đã có kế hoạch sơ tán di dời gần 1.500 hộ dân với khoảng 4.895 nhân khẩu đối với các vùng thấp trũng và nguy cơ sạt lở...
Chủ tịch UBND huyện Phan Công Mẫn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Sau khi nghe ý kiến trao đổi từ các địa phương và các thành viên dự họp, Chủ tịch UBND huyện Phan Công Mẫn và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm phương châm 4 tại chỗ, tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, rà soát lại danh sách các hộ dân thuộc diện di dời nắm rõ số lượng người già, trẻ em và phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ để có phương án phù hợp trong việc di dời đảm bảo an toàn; lập rào chắn, biển cảnh báo tại các điểm xung yếu, nguy cơ sạt lở và nước chảy xiết; kiểm tra hệ thống các xuồng rác thải để triển khai ngay công tác vận chuyển xử lý trước khi mưa lũ diễn ra; y tế chuẩn bị thuốc để tiêu độc khử trùng sau lũ phòng ngừa dịch bệnh lây lan; giáo dục theo dõi tình hình cụ thể ở các địa phương để chủ động cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn, triển khai trực sẵn sàng 24/24 theo yêu cầu…