Quảng Điền: Chủ động các phương án ứng phó diễn biến khắc nghiệt của thời tiết
  
Cập nhật:04/11/2024 11:04:54 SA
Quảng Điền là huyện vùng trũng của tỉnh Thừa Thiên Huế, hàng năm trên địa bàn huyện phải gánh chịu những tổn thất khá nặng nề về tính mạng cũng như tài sản của người dân. Nhằm từng bước thích ứng biến đổi của khí hậu, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện Quảng Điền khẩn trương triển khai các phương án ứng phó diễn biến khắc nghiệt của thời tiết.
Lãnh đạo huyện kiểm tra hệ thống máy điện đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ
Lãnh đạo huyện kiểm tra hệ thống máy điện đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn Trung ương do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, hình thái thời tiết cực đoan gây ra, trên địa bàn tỉnh nói chung huyện Quảng Điền nói riêng có mưa, mưa vừa, rải rác mưa to, có nơi mưa rất to, có khả năng gây ra lũ, lũ lụt, lũ quét, sạt lở, trượt lở đất đá ở vùng đồi núi và ven các sông suối; sạt lở bờ sông, các bến bãi ven sông ở tất cả xã trên địa bàn huyện. Trước tình hình thiên tai diễn biến khá phức tạp, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, cấp uỷ và chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đã khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống với phương châm “4 tại chỗ” và  “3 sẵn sàng” đảm bảo sự chủ động trong ứng phó với mọi tình huống. Chủ tịch UBND yêu cầu các ngành địa phương chủ động di chuyển người dân ở các khu vực thấp trũng đến nơi trú ẩn an toàn khi có thời tiết xấu xảy ra. Chuẩn bị đầy đủ điều kiện phương tiện và có phương án chủ động kịp thời sơ tán dân ở các làng, khu dân cư thấp trũng, ven sông, ven phá, dân cư dưới chân đê xung yếu, cư dân thủy diện. Rà soát các kế hoạch, phương án sơ tán dân, phương án ứng phó ngập lụt; đối với các địa bàn ven biển, đầm phá tổ chức quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi (bao gồm ghe tàu trên đầm phá), không để người dân trú tránh trên tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản khi có gió mạnh.

Kiên quyết tổ chức sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất ven sông (chú ý ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ mang thai, người già yếu…); triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại cấp xã theo phương châm 4 tại chỗ. Tăng cường lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở; hướng dẫn phương tiện tham gia giao thông tại các ngầm tràn khi xảy ra lũ lụt.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân có phương án dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu chủ động ứng phó với mưa lũ, chia cắt có thể diễn ra dài ngày.

Tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin diễn biến mưa lũ để chủ động triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai ảnh hưởng đến địa bàn quản lý.


Người nuôi cá lồng xã Quảng Thọ đẩy mạnh chăm sóc cá

Theo đó tại địa bàn xã Quảng An, với phương châm; Đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai các phương án, phòng chống sạt lở, ngập úng, kế hoạch di dân khi có thiên tai xảy ra; Đồng thời động viên, nhắc nhở người dân tăng cường ý thức phòng chống mưa bão. Bên cạnh đó chính quyền địa phương đã dự trữ 01 tấn gạo, 5.000 gói mì ăn liền, 100 lít dầu diesel, xăng. Ông Đặng Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã đã chuẩn bị chu đáo và thực hiện tốt phương châm “04   tại chỗ”, từ xã đến thôn phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong quá trình chỉ đạo, điều hành lực lượng, phương tiện phòng, chống thiên tai, lụt, bão; phải tích cực, sáng tạo và bình tĩnh trong xử lý các tình huống. Phát huy cao độ tính tự lực và khả năng tự có của mỗi gia đình, mỗi cơ quan; sự tương trợ của cộng đồng trong mỗi thôn, xóm trong phòng, chống thiên tai; trong đó, phải xác định mọi người tự ứng cứu lẫn nhau là chủ yếu và rất quan trọng. Mỗi thôn, xóm, hộ gia đình phải dự phòng các nhu yếu phẩm cần thiết để tự cứu mình là chính. Lãnh đạo xã sẽ chỉ đạo, giải quyết những công việc lớn, ngoài khả năng của các đơn vị và các thôn.

Cũng tương tự như vậy, tại xã Quảng Phú, UBND xã đã rà soát lập danh sách các hộ dân sống ven sông, vùng thấp trũng để tiến hành di dời khi có lệnh của cấp trên. Bên canh đó xã cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân nêu cao ý thức phòng chống lũ lụt, đặc biệt chú trọng công tác bảo quản người và tài sản trong mùa mưa lũ.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xác định việc phòng chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng hàng đầu. Năm 2024 huyện sẽ tập trung thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp họ nắm chắc các biện pháp phòng tránh, ứng phó với thiên tai. Thực hiện nghiêm chế độ trực ban theo quy định; thông tin kịp thời về thời tiết cho cơ sở. Bên cạnh đó Huyện cũng đã chuẩn bị sẵn phương tiện, vật tư thiết yếu và con người để tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra. Tăng cường hướng dẫn các biện pháp phòng tránh thiên tai đến cộng đồng dân cư.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]