Kinh đô Huế là nơi có nhiều dạng kiến trúc phong kiến điển hình của Việt Nam vào thế kỷ XIX với cung điện, miếu mạo, lăng tẩm, đài tạ, phủ đệ... lộng lẫy và đa dạng, thế nhưng, xét cho cùng ở đây cũng chưa từng hình thành một dòng kiến trúc cung đình riêng, tách khỏi dòng kiến trúc dân gian. Có thể không quá khiên cưỡng khi nói rằng: Cung điện chính là sự phát triển quy mô và diễm lệ hơn ngôi nhà rường truyền thống Huế, hay nhà rường là một cung điện quý tộc có quy mô khiêm tốn và giản dị hơn.
Nét điển hình của một ngôi nhà gỗ hoàn thiện ở Huế hay còn gọi là nhà rường, đó là loại kiến trúc mà vật liệu được lấy từ thân cây mít, kiền kiền, hay chò, táu... Nếu so với ngôi nhà gỗ Đàng Ngoài, nhà rường Huế thường có nét mảnh dẻ, đan thanh bởi cột nhỏ mái thẳng và mỏng được điểm tô qua những nét nhấn bằng các loại hồi văn uốn lượn theo mô-típ long hóa, giao hóa hay hoa lá cách điệu trên đường nóc hoặc các góc mái, và tuyệt nhiên không có những loại đầu đao cong vút mạnh mẽ và sinh động như ở Đàng Ngoài.
Nhà rường truyền thống 1 tầng phổ biến ở Huế
Huế phổ biến dạng kết cấu nối hai kiến trúc theo trục dọc được chuyển tiếp bằng một mái vòm mà người ta thường gọi là nhà “vỏ cua” hay “trùng thiềm - điệp ốc”. Mặt bằng thường được hạ thấp hơn ở phần hiên để xóa cảm giác mái quá thấp ở tiền điện kiến trúc.
Ngôi nhà truyền thống Huế không hiện hữu trần trụi giữa thiên nhiên trống trải như một thách thức hay phô trương tác phẩm từ bàn tay con người mà chúng thường hòa mình vào tổng thể thiên nhiên với cây xanh, rêu, đá, hoa, trái, nước... như một phần quan trọng làm nên sự hoàn chỉnh cho không gian kiến trúc.
Đứng giữa khuôn viên có dụng ý hòa hợp giữa con người và thiên nhiên như thế, ngôi nhà rường một gian hai chái (nhà bánh ú), hay ba gian hai chái có mái lợp bằng ngói liệt đã ngả màu rêu; cột, kèo, vách gỗ ngời lên màu nâu sẫm qua thời gian và với một nội thất được chạm trỗ khéo léo, tinh tế, lịch sự và văn hóa xứ Huế dường như ngưng đọng lại một phần ở đây, tạo nên trên những vật xem ra vô tri ấy một cốt cách, một tâm hồn Huế mà bất cứ du khách nào cũng có thể nhận ra lối thiết kế thường gặp trên ngôi nhà rường Huế, từ điểm tiếp xúc đầu đầy ấn tượng, đó là bốn cặp cột hàng nhất (cột cái), vừa đỡ đầu kèo thượng, vừa đỡ đuôi kèo trung được liên kết với nhau bởi một đoạn trến làm vững chải cho bộ vì kèo vừa chịu lực cho chiếc rầm thượng, một loại trần giữa lòng nhà, nhưng cũng là sàn kho khi có lụt lớn. Ngăn giữa ba gian với hai chái là hai bức vách làm bằng ván có các dải ô hộc chạm trỗ chữ thọ, bát bửu, hoa lá. Hai cửa vòm cuốn được thiết lập giữa cột hàng nhất và cột hàng hai là lối vào chái. Trong lúc đó, hai cửa khung gãy góc giữa cột hàng hai và cột hàng ba tiền luôn luôn mở rộng, gây ấn tượng của lối hành lang chạy suốt ngôi nhà. Mặt trước hai gian chái, vách được xây bằng gạch thường có trỗ hai chữ thọ tròn thiết kế theo lối song chắn thông gió và có thể quan sát được bên ngoài. Ba gian giữa có mười tám lá cửa bảng khoa kiểu thượng song hạ bản có thể mở đóng và tháo rời khi cần thiết.
Nét đặc sắc của ngôi nhà rường Huế cũng cần nói đến hệ thống vì kèo nối đuôi và chồng lên nhau mỗi đầu kèo là một đầu cù chạm trỗ công phu, vừa có đường kỷ hà vừa có nét uốn lượn mềm mại của tua, dải, dây leo và mây nước... nhất là kèo hàng ba, tuy ngắn nhưng lại lắm đồ án trang trí đẹp. Riêng hai dải liên ba nối hàng cột nhất tiền tả hữu chạy suốt ba gian là những ô hộc trang trí bằng các mảng chạm nổi tứ quý, bát bửu, hoa, lá và chữ thọ cách điệu theo lối phù trầm, chạm lộng hay có khi được khảm bằng xà cừ óng ả. Những tác phẩm chạm khảm ấy tương phản với bộ mái mà những đường rui thẳng đều đỡ các viên ngói liệt, được nhúng vào nước vôi trước khi lợp, vừa sáng sủa, vừa tạo nên không khí trang trọng, thâm nghiêm.
Những đồ gỗ như sập gụ, tủ chè, trường kỷ cùng với hoành phi, câu đối thiết trí trong nội thất của ngôi nhà rường thật hợp lý, mà tự thân mỗi thành tố đều như bổ sung, tôn trí lẫn nhau.
Có thể nói, ngôi nhà rường là sản phẩm trí tuệ của con người nơi đây, nó không chỉ là thành tựu của sự chọn lọc những giải pháp tối ưu trong xử lý kỹ thuật mà còn là một tác phẩm nghệ thuật về kiến trúc đã được đúc kết và hoàn thiện qua nhiều thế hệ.
Ngôi nhà rường truyền thống xứ Huế không chỉ là phương tiện cư trú thuần túy của con người sống ở đây mà không gian văn hóa của nó hàm chứa những dạng ngôn ngữ ẩn dụ, và sự khám phá là hoàn toàn không thừa đối với những ai muốn tìm hiểu về lịch sử văn hóa và con người xứ Huế.
Click vào đây để xem nội dung chi tiết.