Vị trí, đặc điểm địa lý tự nhiên trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, phát triển kinh tế, văn hóa
  

Vị trí địa lý, đặc điểm địa lý tự nhiên lãnh thổ cũng có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến công cuộc bảo vệ độc lập, phát triển kinh tế, văn hóa của tỉnh, nước ta và khu vực.

* Là tiền đồn bảo vệ biên cương, rồi kinh đô của Việt nam

Kể từ khi được sát nhập vào lãnh thổ nước ta với tư cách là món quà sính lễ của vua Chế Mân cưới công chúa Huyền Trân năm 1306, trải qua nhiều triều đại, Thừa Thiên Huế là “phên dậu”, là vùng biên viễn xung yếu của Tổ quốc.

Đến năm 1626, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên chọn vùng đất “địa lợi, nhân hòa” Thuận Hóa xưa để thiên dinh từ Đông Ái Tử (Quảng Trị) về lập dinh ở làng Phước Yên (Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) và gây dựng cơ đồ lâu dài cho vua chúa nhà Nguyễn, lãnh thổ Thừa Thiên Huế ngày nay có bước ngoặt trong phát triển. Sau nhiều lần thiên dinh đến các địa điểm khác nhau trong tỉnh, năm 1738 chúa Nguyễn Phúc Khoát lại dời dinh về thủ phủ Phú Xuân. Việc chọn Phú Xuân làm thủ phủ lâu dài càng tạo điều kiện thuận lợi cho Huế phát triển thành đô thành và là trung tâm chính trị - quân sự - kinh tế của xứ Đàng Trong. Năm 1786 Phú Xuân được vua Quang Trung chọn làm kinh đô của vương triều Tây Sơn, sau đó vua Gia Long và các vua Nguyễn về sau không những chọn Huế làm kinh đô lâu dài (gần 150 năm), mà còn đầu tư mở rộng, xây dựng kinh thành nguy nga, đồ sộ.

* Là tỉnh kết nối, chuyển tiếp quan trọng trong chiến lược phát triển khu vực kinh tế trọng điểm niềm Trung, là trung tâm văn hóa, khoa học, giáo dục lớn của cả nước.

Nằm ở vị trí trung độ trục giao lưu Bắc - Nam và trên hành làng kinh tế xuyên Á (Đông - Tây), Thừa Thiên Huế có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu, liên kết kinh tế với nhiều tỉnh, thành phố trong nước và thế giới với hệ thống giao thông khá phát triển cả đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không.

Nằm trên “con đường di sản miền Trung” Thừa Thiên Huế vừa là nơi giàu thắng cảnh, vừa là địa bàn đa văn hóa, quy tụ nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa, công trình kiến trúc độc đáo và bảo tồn không ít giá trị văn hóa phi vật thể khác nhau. Huế là thành phố đã hai lần được UNESCO công nhận là thành phố có di sản văn hóa thế giới (văn hóa vật thể và phi vật thể).

Mặt khác, Thừa Thiên Huế là vùng đất có truyền thống hiếu học, là nơi quy tụ và đào tạo nhân tài. Ngày nay, Huế đã trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn của miền Trung và cả nước.

 

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự nhiên

(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)

 Bản in]
Các bài khác