Từ thời tiền sử đến năm 1885
  

- Cách ngày nay từ 3.500 năm đến 4.000 năm, thuộc hậu kỳ Đồ Đá mới - sơ kỳ đồ Kim khí: tìm thấy ở A Lưới, Phong Điền, Hương Trà và Phú Lộc những chiếc rùi đá, bôn đá - công cụ lao động của cư dân nguyên thủy.

- Cách ngày nay từ 2.000 năm đến 2.500 năm, thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Sa Huỳnh: Di tích mộ táng chum ở Cồn Ràng và Cửa Thiềng (Hương Trà).

- Cách ngày nay trên dưới 2.000 năm: Trống đồng Phong Mỹ (Phong Điền) cho thấy sự giao lưu văn hóa giữa cư dân cổ ở Thừa Thiên Huế với cư dân Đông Sơn ở phía Bắc.

- Năm 179, trước Công nguyên: nước Âu Lạc bị sáp nhập vào nước Nam Việt, bị lệ thuộc và chia làm hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc của nhân dân ta.

- Năm 111, trước Công nguyên: nhà Tây Hán thôn tính Nam Việt, trong đó có Âu Lạc cũ. Nước Âu Lạc cũ bị chia làm ba quận là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Riêng quận Nhật Nam gồm 5 huyện, tính từ Bắc vào là Tâu Quyển, Tỷ Ảnh, Chu Ngô, Lô Dung và Tượng Lâm, trong đó huyện Lô Dung là Thừa Thiên Huế hiện nay.

- Năm 40, sau Công nguyên: nhân dân quận Nhật Nam hưởng ứng cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo, cùng với cả nước đánh đổ chính quyền đô hộ Đông Hán.

- Năm 100: Hơn 2.000 người dân ở huyện Tượng Lâm khởi nghĩa chống chính quyền đô hộ Đông Hán. Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp. Sau đó, nhân dân Nhật Nam tiếp tục nổi dậy chống Bắc thuộc vào các năm 137 - 138, 157 - 160, 178.

- Năm 190: nhân dân huyện Tượng Lâm khởi nghĩa và thành lập nước Lâm Ấp. Đến năm 347, vua Lâm Ấp là Phạm Văn đánh đuổi quan quân đô hộ nhà Tấn, chiếm đến huyện thành Tây Quyển (Bắc Quảng Bình) trong ba năm.

- Năm 679: nhà Đường gọi các vùng đất từ Hà Tĩnh hiện nay trở ra của nước ta là An Nam đô hộ phủ.

- Năm 1069: Chiêm Thành quấy rối ở biên giới phía Nam. Vua Lý Thánh Tông cùng Lý Thường Kiệt đi trấn giữ, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Chế Củ dâng 3 dâng Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính (Quảng Bình và Bắc Quảng Trị) để chuộc tôi.

- Tháng Sáu năm Bính Ngọ (1306), Hương Long năm thứ 14: vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân. Chế Man đem dâng hai châu Ô, Lý làm sính lễ. Qua năm sau (1307), nhà Trần đổi châu Ô thành châu Thuận, châu Lý thành châu Hóa (Thừa Thiên Huế) và cử Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến cai quản, tha tô thuế cho dân trong ba năm.

- Đến cuối thế kỷ XIV, qua những đợt di dân vào Hóa Châu, nhà Trần đã thành lập tại Hóa Châu 7 huyện mới: Trà Kệ, Lợi Bồng, Sạ Lệnh, Tư Dung, Bồ Đài, Bồ Lãng và Thế Vinh.

- Năm 1391: vua Trần Thuận cử Lê Quý Ly đem quân đi tuần ở Hóa Châu, chỉnh đốn quân ngũ và sửa sang lại thành trì.

- Năm 1402: Nhà Hồ cho đắp sửa đường sá từ thành Tây Đô (Thanh Hóa) đến Hóa Châu. Dọc đường đặt phố xá và trạm truyền thư, gọi là đường thiên lý.

- Năm 1404: Cửa Eo (Hòa Duân, Phú Vang) bị vỡ. Nhà Hồ điều quân lính từ kinh đô vào đắp lại.

- Tháng Sáu năm Định Hợi (1407): nhà Minh xâm lược và thống trị nước ta, đổi tên nước là Giao Chỉ và chia thành 17 phủ, 5 châu. Hóa Châu gồm có 7 huyện như cũ, thuộc phủ Thuận Hóa (cuối thời Trần gọi là lộ Thuận hóa).

- Tháng Mười năm Định Hợi (1407): tại Mô Độ (Ninh Bình), Trần Ngỗi được tôn lên làm vua, xưng là Giản Định Hoàng đế. Đại trị châu Hóa là Đặng Tất nghe tin vua khởi binh, bèn giết quan lại nhà Minh, đem quân đến họp.

- Năm 1409: Giản Định Đế nghe lời gian thần gièm pha, giết chết hai tướng giỏi là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Con của hai người là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị tìm lập Trần Qúy Khoáng - cháu vua Trần Nghệ Tông, tôn lên làm vua, lấy niên hiệu là Trùng Quang, tiếp tục chống quân Minh. Đến năm 1413, Trương Phụ đem quân Minh vào đánh Hóa Châu, quân của Trùng Quang Đế không chống cự nổi, cả hai đều bị giặt bắt.

- Tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418): Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh. Tháng Bảy năm Ất Tỵ (1425), Lê Lợi cử quan quân vào thu phục Thuận Hóa, nhân dân Hóa Châu tiếp tục cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược dưới ngọn cờ khởi nghĩa Lam Sơn.

- Tháng Sáu năm Định Hợi (1467): tham nghị Thừa tuyên sứ ty châu Hóa là Đặng Thiếp dâng sớ trình bày 5 điều lợi nên làm, trong đó có việc xây dựng đồn lũy ở cửa biển Tư Dung và lấp Cửa Eo.

- Tháng Tư năm Kỷ Sửu (1469): Nhà Lê định bản đồ của phủ, châu, huyện, xã, trang, sách thuộc 12 thừa tuyên trong cả nước. Thừa tuyên Thuận Hóa gồm 2 phủ, 8 huyện, 4 châu. Phủ Tân Bình có 2 huyện: Khang Lộc, Lệ Thủy và 2 châu: Minh Linh, Bố Chính. Phủ Triệu Phong có 6 huyện: Hải Lăng, Vũ Xương, Đan Điền, Kim Trà, Tư Vinh, Điện Bàn và 2 châu: Thuận Bình, Sa Bôi. Thừa Thiên Huế ngày nay là ba huyện Đan Điền, Kim Trà và Tư Vinh.

- Ngày 16-11 năm Canh Dần (1470): vua Lê Thánh Tông thân chinh Chiêm Thành. Đại quân đã dừng lại ở Cửa Eo để luyện tập thủy chiến cùng với quân địa phương Thuận Hóa, đến ngày 1-3 năm Tân Mão (1471), hạ thành Đồ Bàn, vua Chiêm là Trà Toàn bị quân Thuận Hóa bắt sống. Chuyến bình định phương Nam của quân dân Đại Việt đã chấm dứt mối đe dọa xâm lấn Hóa Châu của Chiêm Thành, nhiều làng mới được lập ra ở Thuận Hóa.

- Năm 1555, Dương Văn An viết cuốn Ô châu cận lục.

- Từ năm 1527 đến năm 1546: năm 1527, Mạc Đăng Dung ép Lê Cung Hoàng phải nhường ngôi cho mình, lập ra nhà Mạc. Năm 1529, Điện tiền tướng quân Nguyễn Kim là dòng dõi công thần nhà Lê, từ Thanh Hóa sang Sầm Nưa (Lào) gây dựng lực lượng, giương cờ phù Lê diệt Mạc. Năm 1533, Nguyễn Kim đưa người con của vua Lê Chiêu Tông là Lê Ninh lên ngôi vua, tức Lê Trang Tông, mở đầu sự nghiệp Trung hưng nhà Lê. Năm 1545, Nguyễn Kim bị hàng tướng Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc. Con rể Nguyễn Kim là Thái sư Trịnh Kiểm được giao giữ chức Tiết chế các đạo quân nhà Lê. Đến năm 1546, quân nhà Lê chiếm được châu Ái (Thanh Hóa) và hào kiệt ở Nghệ An, Thuận Quảng theo về giúp rất đông.

- Tháng Mười năm Mậu Ngọ (1558): Nguyễn Hoàng - con thứ hai của Nguyễn Kim, được phong tước Đoan Quận công, vào trấn giữ Thuận Hóa và lập bản doanh tại dinh Ái Tử (Quảng Trị). Những người đồng hương ở Tống Sơn và nghĩa dũng xứ Thanh đều đi theo. "Chúa vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục, bấy giờ xưng là chúa Tiên" (Đại Nam thực lục tiền biên). Đến thánh Giêng năm Canh Ngọ (1570), chúa Tiên được giao trấn thủ cả hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.

- Tháng Bảy năm Nhâm Thân (1572): Nguyễn Hoàng đánh tan 60 binh thuyền của tướng nhà Mạc là Lập Bạo tại địa đầu Thuận Hóa. Tháng Năm năm Quý Tỵ (1593), Nguyễn Hoàng ra Thăng Long yết kiến vua Lê, dâng nộp sổ sách quân dân kho tàng hai xứ Thuận - Quảng, được vua Lê phong làm Trung quân Đô đốc phủ tả đô đốc Chưởng phủ sự và sai đi đánh dẹp quân Mạc tại Sơn Nam và Hải Dương. Đến tháng Năm năm Canh Tý (1600), Nguyễn Hoàng trở về Thuận Hóa, và năm sau (1601), cho xây dựng chùa Thiên Mụ tại Hà Khê.

- Tháng Sáu năm Quý Sửu (1613): Nguyễn Hoàng mất, con là Nguyễn Phúc Nguyên lên kế vị, gọi là chúa Phật. Qua năm sau (1614), chúa Phật cho tổ chức chính quyền riêng ở Đàng Trong, ly khai với Đàng Ngoài. Đến năm 1617, Nguyễn Phúc Nguyên viết thư mời công ty Đông Ấn (Hà Lan) ở Malắcca đến buôn bán.

- Tháng Ba năm Bính Dần (1626): Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho dời dinh đến Phước Yên (Quảng Điền) và gọi nơi chúa ngự là phủ. Trong 8 lần dời dựng thủ phủ của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, đến lần thứ tư này thì bắt đầu đặt ở vùng đất Thừa Thiên Huế.

- Năm Ất Sửu (1625): Một bà vợ thứ của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho xây tại Kim Long một Nhà nguyện bằng tranh tre.

- Tháng Mười năm Ất Hợi (1635): Chúa Nguyễn Phúc Nguyên mất, con là Nguyễn Phúc Lan lên kế vị, gọi là chúa Thượng. Tháng Chạp năm Ất Hợi, chúa cho xây dựng phủ mới ở Kim Long. Năm 1644, Thế tử Nguyễn Phúc Tần đánh đắm một chiếc tàu Hà Lan ở Cửa Eo.

- Tháng Chạp năm Nhâm Tý (1672): Trịnh - Nguyễn chấm dứt chiến tranh, lấy sông Gianh làm giới hạn. Đất nước tạm thời bị chia làm hai: Bắc Hà - Đàng Ngoài do vua Lê chúa Trịnh quản lý và Nam Hà - Đàng Trong thuộc chúa Nguyễn.

- Năm Quý Hợi (1683): nhà sư Nguyên Thiều người Trung Hoa lập ra chùa Quốc An (phường Trường An, thành phố Huế).

- Tháng Bảy năm Đinh Mão (1687): Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái cho xây dựng phủ mới ở Phú Xuân, lấy núi Ngự Bình làm án, đắp tường thành, xây cung điện, trồng hoa cỏ cây cối.

- Năm Canh Ngọ (1690): Nhà sư Minh Hoằng Tử Dung người Trung Hoa lập ra chùa Ấn Tôn (năm 1841, vua Thiệu Trị đổi tên là Từ Đàm).

- Tháng Tư năm Canh Dần (1710): Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc chuông chùa Thiên Mụ, nặng 3.285 cân và tự làm bài minh khắc vào chuông.

- Năm Nhâm Thìn (1712): Chúa Nguyễn Phúc Chu cho dựng phủ mới ở Bác Vọng (Quảng Điền) gần cựu phủ Phước Yên. Phủ trải qua 2 đời chúa Nguyễn Phúc Chu và chúa Nguyễn Phúc Thụ.

- Tháng Tư năm Mậu Ngọ (1738): Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi chúa, lập phủ chính ở Phú Xuân (bên tả phủ cũ). Tháng Tư năm Giáp Tý (1744), chúa Nguyễn Phúc Khoát đúc ấn quốc vương và lên ngôi vua (Võ Vương), gọi Chính dinh Phú Xuân là Đô thành, quyết định "đổi y phục, thay phong tục, cùng dân đổi mới; châm chước chế độ các đời, định triều phục văn võ" (Đại Nam thực lục tiền biên).

- Năm Bính Dần (1746): xây dựng chùa Thuyền Tôn - một tổ đình lớn gắn liền với sự khai sáng của Tổ Liễu Quán.

- Tháng Hai năm Kỷ Sửu (1769): Định Vương Nguyễn Phúc Thuần sai các địa phương làm sổ sách thuế khóa đinh điền. Thuận Hóa ruộng 153.180 mẫu, đinh 126.850 người, trong một năm thu 3.533.356 thăng thóc, 63.655 thăng gạo và 153.600 quan tiền. Thừa Thiên Huế bấy giờ gồm 3 huyện: Quảng Điền 8 tổng, 137 xã, thôn, phường; Hương Trà 10 tổng, 222 xã, thôn, phường; Phú Vang 6 tổng, 352 xã, thôn, phường.

- Tháng Chạp năm Giáp Ngọ (1775): Quân Trịnh chiếm thành Phú Xuân. Chúa Nguyễn Phúc Thuần mang gia quyến chạy vào Gia Định.

- Tháng Năm năm Bính Ngọ (1786): Nguyễn Huệ làm Tiết chế quân thủy bộ, cùng với Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm và Nguyễn Lữ đem quân đánh thành Phú Xuân. Quan quân nhà Trịnh đại bại. Thuận Hóa - Phú Xuân được giải phóng.

- Ngày 25 tháng Mười Một năm Mậu Tý (22-12-1788): Nguyễn Huệ lập đàn ở núi Bân, lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Trung, thần tốc đem quân ra Bắc tiêu diệt quân xâm lược Mãn Thanh.

- Đêm 29 rạng ngày 30-7 năm Nhâm Tý (đêm 15 rạng ngày 16-9-1792): Vua Quang Trung mất đột ngột tại kinh đô Phú Xuân. Con trưởng là Quang Toản lên thay, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh.

- Ngày 3-5 năm Tân Dậu (15-6-1801): Nguyễn Anh chiếm kinh đô Phú Xuân. Tháng Tám năm Tân Dậu, Nguyễn Ánh lấy ba huyện Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vang đặt làm dinh Quảng Đức.

- Ngày 17-2 năm Giáp Tý (28-3-1804) Vua Gia Long xuống chiếu "kính cáo Thái miếu, cải chính quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa" (Đạo Nam thực lục chính biên). Qua tháng Tư năm Giáp Tý (1804), xây Cung thành và Hoàng thành, và tháng Tư năm Ất Sửu (1805) xây Kinh thành.

- Tháng Hai năm Bính dần (1806): Lập đàn Nam Giao ở xã Dương Xuân, phía Nam Kinh thành.

- Tháng Ba năm Quý Dậu (1813): đổi tên cửa Eo làm cửa Thuận An và xây đài Trấn Hải ở đấy.

- Tháng Chạp năm Nhâm Ngọ (đầu năm 1823): đổi dinh Quảng Đức làm phủ Thừa Thiên.

- Tháng Chạp năm Giáp Ngọ (đầu năm 1835): đặt thêm 3 huyện ở Thừa Thiên: Phong Điền, Hương Thủy, Phú Lộc. Như vậy, đến đây Thừa Thiên gồm 6 huyện.

- Tháng 9-1858: Trần Nhật Hiển, Đội trưởng doanh Kỳ Vũ đã hiến mật kế để chống giặc Pháp. Triều đình nghe theo, đã làm dây xích sắt chắn ngầm ngang các dòng sông và các cửa biển Thuận An, Tư Hiền, đồng thời dùng thuyền nhỏ phục kích tại những nơi hiểm yếu. Đến tháng 2-1859, triều đình Huế xúc tiến việc phòng thủ kinh đô: xây đắp công sự, lập nhiều lớp phòng tuyến ở cửa Thuận An và dọc theo đường sông lên Huế. Qua tháng sau, củng cố thêm tuyến phòng thủ cửa Thuận An: đắp 3 lũy đất Hy Du, Lộ Châu và Hải Trình.

- Ngày 16-9-2866: Khởi nghĩa "Chày vôi" tại Kinh thành Huế do anh em Đoàn Hữu Trưng, Đoàn Tư Trực lãnh đạo, nhằm lật đổ vua Tự Đức, chống việc xây Khiêm Lăng.

- Ngày 15-3-1874: triều đình huế và thực dân Pháp ký kết bản Hiệp ước "Hòa bình và liên kết" gồm 22 điều, trong đó điều 20 ghi rõ: "Để bảo đảm và làm dễ dàng cho việc thực hiện những điều khoản và quy định của bản hiệp ước này, một năm sau khi ký, Ngài Chủ tịch nước Cộng hòa Pháp sẽ cử một viên Trú sứ hàm Bộ trưởng bên cạnh Đức Vua An nam. Viên trú sứ sẽ chịu trách nhiệm duy trì những mối quan hệ hữu hảo giữa hai bên ký kết và chăm sóc việc thực hiện nghiêm túc các điều khoản của hiệp ước".

- Từ ngày 18-8 đến ngày 20-8-1883: từ 4 giờ rưỡi chiều đến 8 giờ tối ngày 18-8, quân Pháp tấn công các pháo đài ở cửa Thuận An. Đến ngày 20-8, từ 5 giờ 45 phút sáng, quân Pháp bắt đầu mở đợt tống tấn công và đổ bộ đánh chiếm các pháo đài, đến chiều, toàn bộ cửa Thuận An lọt vào tay giặc.

- Ngày 25-8-1883: triều đình Huế và thực dân Pháp ký kết bản Hiệp ước "Hòa bình" gồm 27 điều. Theo Hiệp ước, "một lực lượng quân sự Pháo sẽ chiếm đóng một cách thường xuyên dãy núi đèo Ngang cũng như các đồn lũy Thuận An và các đồn lũy ở sông Hương, những đồn lũy này sẽ được xây dựng lại tùy ý các nhà chức trách Pháp" (Điều 3); "tại Huế, sẽ có một viên Trú sứ... là người đại diện của chính phủ bảo hộ Pháp dưới sự kiểm soát của một vị Tổng ủy viên... Viên Trú sứ Pháp ở Huế có quyền hội kiến cá nhân và không chính thức với Quốc vương An Nam, và Quốc vương An nam không thể khước từ nếu không có lý do chính đáng" (Điều 11).

- Ngày 6-6-1884: triều đình Huế và thực dân Pháp ký kết bản hiệp ước gồm 19 điều. Theo hiệp ước, "một lực lượng quân sự Pháp sẽ chiếm đóng Thuận An một cách thường xuyên. Mọi đồn lũy của nó và mọi công trình quân sự của con sông Hương sẽ bị triệt bỏ" (Điều 2); Pháp đặt chức Tổng trú sứ "ở trong nội thành Huế với một đội quân tùy tùng", quan chức này "đại diện cho chính phủ Pháp, sẽ chủ trì những quan hệ ngoại giao của nước An nam" (Điều 5).

- Ngày 23-5 năm Ất Dậu (5-7-1885): Ngày "Thất thủ Kinh đô". 0 giờ 40 phút khuya mồng 4 rạng mồng 5-7-1885, Tôn Thất Thuyết cùng Trần Xuân Soạn chỉ huy quân lính mở cuộc tấn công quyết liệt vào đồn Mang Cá, khu nhượng địa, khu sứ quán của thực dân Pháp ở Huế. Tàng sáng mồng 5-7, Tông Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi cùng Tam cung rút khỏi Kinh thành và phát động phong trào Cần Vương chống Pháp.

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử

(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)

 Bản in]