Ở Thừa Thiên Huế sau Hội nghị lập lại Đảng bộ Tỉnh năm 1942, hệ thống tổ chức Đảng trong toàn tỉnh có bước phát triển mới. Phú Lộc hình thành Ban huyện uỷ lâm thời, tổ chức đội tự vệ bí mật (gọi là đội Xích vệ) gồm 7 đồng chí trang bị giáo mác, dao găm, tích cực luyện tập để bảo vệ cơ quan đầu não của huyện và chuẩn bị làm nhiệm vụ mới.
Giữa Cồn rau câu (Đầm cầu Hai) đặt một cơ sở huấn luyện đảng viên do cơ sở Đảng ở vạn đò phụ trách bảo vệ đưa đón cán bộ. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh ngoài việc trực tiếp chỉ đạo xây dựng phong trào còn mở các lớp huấn luyện cho cán bộ đảng viên trong tỉnh. Năm 1942, 1943 trước những hoạt động của Đảng, bọn đế quốc và tay sai tiến hành khủng bố, một số cơ sở bị phá, đảng viên bị bắt trong đó có cả đồng chí Nguyễn Chí Thanh.
Giữa năm 1944, để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh trước những biến chuyển mới của tình hình, Tỉnh uỷ triệu tập Hội nghị mở rộng tại ngã ba Sình (cách Huế 7 km về phía Đông Bắc). Vẫn trên cơ sở Nghị quyết Trung ương VIII, hội nghị đề ra kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vạch trần âm mưu của phát xít Nhật và tay sai, giải thích đường lối của mặt trận Việt Minh. Hội nghị nghiêm khắc phê phán những tư tưởng cơ hội, hữu khuynh trong Đảng bộ, củng cố, phát triển cơ sở Đảng, tiếp tục lưu hành tờ báo “Vì nước” chuyển cơ quan Tỉnh uỷ về chợ Xép (Huế) để thuận tiện cho việc chỉ đạo phong trào.
Đêm mồng 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương. Ở Huế, 21 giờ 15 phút, Nhật tấn công quân Pháp, đến chiều quân Nhật làm chủ hoàn toàn thành phố.
Với âm mưu thay chân thực dân Pháp, thực hiện chính sách “Đại Đông Á” phát xít Nhật mị dân tuyên bố trao trả độc lập lại cho Việt Nam mà đại diện là Bảo Đại và triều đình. Ngày 19/3/1945, Viện Cơ Mật do Phạm Quỳnh đứng đầu xin từ chức. Bảo Đại theo lệnh của Nhật thành lập nội các mới, ngày 17/4/1945 chính phủ Trần Trọng Kim ra đời.
Sau khi thay thực dân Pháp cai trị Đông Dương, phát xít Nhật để cho chính phủ Trần Trọng Kim ân xá tù chính trị. Một số cán bộ, đảng viên chủ chốt của Thừa Thiên được trả tự do quay về hoạt động như: Hoàng Anh, Lê Tự Đồng... Đồng chí Nguyễn Chí Thanh sau khi thoát khỏi nhà tù đã hoạt động ở Nam Trung Kỳ, sau đó tham gia Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào (14,15/8/1945) và được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.
Ngày 23/5/1945, Hội nghị cán bộ toàn tỉnh được triệu tập tại Đầm Cầu Hai, quyết định khởi nghĩa khi thời cơ đến, chuẩn bị lực lượng và phân công trách nhiệm cho từng cán bộ đảng viên. Hội nghị đánh dấu bước chuyển quan trọng có tính chất quyết định đối với phong trào cách mạng tỉnh ta.
Tháng 7/1945, Thường vụ Việt Minh tỉnh triệu tập cuộc họp tại Nghẹo Giàn Xay (An Cựu) để xúc tiến việc chuẩn bị khởi nghĩa. Cuộc họp nhận định thời cơ cách mạng đang đến gần, phải gấp rút tổ chức các đội tự vệ chiến đấu, vận động các thành viên trong Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức, cô lập những phần tử phản động, lôi kéo các thành phần trung gian và kêu gọi binh lính người Việt trong quân đội Nhật quay súng trở về với nhân dân.
Trên thế giới tình hình chuyển biến mau lẹ, 15/8/1945 phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh. Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị Cán bộ toàn tỉnh tại nhà số 46 Giáp Hạ, phường Phú Bình, thành phố Huế. Hội nghị nhất trí chủ trương phát động khởi nghĩa trong toàn tỉnh.
Do những đặc điểm chính trị phức tạp ở Huế, là trung tâm cai trị của phát xít Nhật ở Trung bộ và là kinh đô của triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Thường vụ Việt Minh tỉnh đã có những cố gắng cao nhất để tranh thủ mọi khả năng làm giảm bớt sức chống phá cách mạng, đồng thời đây cũng là địa bàn quan trọng giành thắng lợi quyết định cho Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc, nên được sự chỉ đạo sát sao của Trung ương. Ngày 20/8/1945, Đoàn cán bộ Trung ương gồm các đồng chí: Tố Hữu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh đến Huế tham gia chỉ đạo khởi nghĩa. Ngày 20/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa được thành lập gồm các đồng chí Tố Hữu, Hoàng Anh, Lê Tự Đồng, Lê Khánh Khang, Hoàng Phương Thảo, Nguyễn Sơn....
Tối 21/8/1945, Hội nghị cán bộ phổ biến kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các huyện, thành phố và từng cán bộ trong việc tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế. Ngày 23/8, chính phủ Trần Trọng Kim có kế hoạch tổ chức một cuộc mitting lớn ở sân vận động Huế để mừng việc Nhật trả quyền cai trị Nam kỳ cho triều đình Huế. Tương kế tựu kế ta quyết định khởi nghĩa ngày 23/8.
Tại các xã, huyện, thành phố khí thế cách mạng quần chúng sôi sục từ 18 - 22/8/1945 các xã, huyện đều giành chính quyền thắng lợi.
Đêm 22/8/1945 trước áp lực của cuộc khởi nghĩa, Bảo Đại vị vua cuối cùng phải cúi đầu tuyên bố “Nhường quyền lãnh đạo quốc gia cho Việt Minh”.
|
Nhân dân tuần hành tham gia khởi nghĩa giành chính quyền |
16 giờ ngày 23/8 tại Sân vận động Huế, hàng vạn nhân dân Thừa Thiên Huế đã tập trung thành hàng ngũ chỉnh tề dưới rừng cờ đỏ sao vàng, Ủy ban khởi nghĩa tiến vào lễ đài giữa tiếng hoan hô vang dội. Đồng chí Tố Hữu đọc diễn văn nêu rõ tầm vóc, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa và tuyên bố từ nay chính quyền thuộc về tay nhân dân. UBND cách mạng lâm thời ra mắt nhân dân do ông Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch, đồng chí Hoàng Anh-Phó Chủ tịch.
Ngày 29/8/1945, phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời gồm Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận đến Huế để tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại.
Chiều ngày 30/8/1945, lễ thoái vị của vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam đã được tổ chức tại lầu Ngọ Môn trong Kinh thành, đánh dấu sự cáo chung của chế độ phong kiến.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Nhân dân Thừa Thiên Huế từ đây thực sự làm chủ cuộc sống, làm chủ quê hương mình.
Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử
(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)