Vua Quang Trung là linh hồn của nhà Tây Sơn, có thừa uy lực chế ngự hoàn toàn các quan lại và tướng lĩnh để bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhưng sau khi ông mất, vua mới là Quang Toản không đủ uy tín và tài năng để duy trì đại cục, trong triều Thái sư Bùi Đắc Tuyên thâu tóm quyền hành, củng cố quyền lực, nội bộ triều Tây Sơn chia bè kéo cánh, mâu thuẫn sâu sắc. Tình trạng tranh chấp, thanh toán phe phái đã làm cho triều đại Tây Sơn suy yếu dần, nhân dân nản lòng không hướng về Tây Sơn nữa.
Trong bối cảnh triều đình trung ương rối ren, tinh thần chiến đấu của quân Tây Sơn cũng tụt dốc nhanh chóng, dẫn đến những thất bại trước sức tấn công của Nguyễn Phúc Ánh (dòng dõi chúa Nguyễn) muốn khôi phục lại sự nghiệp tổ tiên của mình.
Ngày 11/6/1801 (ngày1 tháng 5 năm Tân Dậu), quân Nguyễn tấn công vào cửa biển Tư Dung (Tư Hiền), quân Tây Sơn thua trận, quân Nguyễn nhanh chóng tiến đến cửa Eo (Hòa Duân). Ngày 13/6/1801 (ngày 3 tháng 5 năm Tân Dậu), vua Cảnh Thịnh (Quang Toản) cùng các quan chạy ra đất Bắc đổi niên hiệu là Bảo Hưng, cùng Nguyễn Quang Thùy mưu việc khôi phục, nhưng rút cuộc không thể cứu vãn nổi.
Triều đại do anh hùng áo vải Nguyễn Huệ xây dựng nên, hiển hách một thời bỗng chốc sụp đổ vì người nối ngôi hèn kém, nhóm đại thần tướng lĩnh chia bè kết phái xâu xé lẫn nhau.
Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử
(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)