Mưa
  

Là một trong các tỉnh nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn của miền duyên hải Trung bộ nên chế độ mưa, lượng mưa ở đây vừa chịu sự chi phối của cơ chế hoàn lưu gió mùa Đông Nam Á, vừa bị tác động mạnh mẽ của vị trí địa lý (địa thế) và điều kiện địa hình. Nói chung, chế độ mưa Thừa Thiên Huế mang nhiều đặc điểm khác với chế độ mưa ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Mùa mưa ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ gắn liền với hoạt động gió mùa hè Tây Nam, còn mùa mưa ở Thừa Thiên Huế lại liên quan chặt chẽ với gió mùa mùa đông Đông Bắc thời kỳ đầu (khi các nhiễu động nhiệt đới chưa lùi hẳn về phía Nam). Nếu như vào các tháng 6 - 8 trên lãnh thổ phía Bắc là thời kỳ mưa do ảnh hưởng của bão, hội tụ nhiệt đới, áp thấp nhiệt đới, đường đứt còn đang ở vĩ độ cao, thì miền Trung lại trải qua thời kỳ khô nóng do hiệu ứng "phơn" khi gió mùa Tây Nam vượt qua dãy Trường Sơn. Nhưng đến các tháng 9, 10, 11 khi vùng hoạt động của nhiễu động nhiệt đới đã lùi hẳn xuống phía Nam, đồng thời gió mùa Đông Bắc bắt đầu hoạt động mạnh thì mưa lớn bộc phát. Đó là các trận mưa như trút nước, kẻo dài tưởng như không bao giờ dứt.

* Mùa mưa và mùa ít mưa

Ở lãnh thổ này không có sự khác biệt lớn giữa mùa mưa với mùa khô, mà chỉ có mùa mưa và mùa ít mưa. Trên lãnh thổ Thừa Thiên Huế tồn tại hai vùng chế độ mưa khác nhau, nhưng lại có sự trùng hợp về thời kỳ mưa nhiều nhất và mưa ít nhất: vùng núi Nam Đông - A Lưới và vùng đồng bằng duyên hải. Ở đồng bằng duyên hải, mùa mưa (thời kỳ có lượng mưa tháng lớn hơn 100mm với tần suất >75%) diễn ra trong 4 tháng (9 - 12), còn mùa ít mưa lại chiếm tới 8 tháng (1 - 8). Thuộc khu vực núi đồi, mùa mưa kéo dài 7 thậm chí 8 tháng (từ tháng 5 hay tháng 6 - 12), ngược lại mùa ít mưa không tồn tại quá 4 hoặc 5 tháng (từ tháng 1 - 4 hoặc tháng 5). Về cơ bản mùa mưa và mùa ít mưa ở đồng bằng cũng khá phù hợp với chế độ mưa ở các tỉnh, thành phố từ Đà Nàng đến Bình Định.

* Phân bố mưa:

Thừa Thiên Huế là một trong các tỉnh có lượng mưa nhiều nhất nước ta. Lượng mưa trung bình năm trên toàn lãnh thổ đều vượt quá 2.600mm, có nơi trên 4.000mm (Bạch Mã, Thừa Lưu). Nhờ có các dãy núi cao trung bình đón nhận hơi ẩm khi có gió mùa Đông Bắc lệch đồng thổi về hoặc nhiễu động nhiệt đới hoạt động mà ở đây xuất hiện hai trung tâm mưa lớn. Trung tâm mưa lớn Tây A Lưới - động Ngại (1.774m) có lượng mưa trung bình năm trên 3.400mm, có năm vượt quá 5.000mm (5.086mm năm 1990, 6.304mm năm 1996, 5.909mm năm 1999). Tại trung tâm mưa lớn Nam Đông - Bạch Mã - Phú Lộc lượng mưa trung bình năm khoảng 3.400 - 4.000mm, có năm vượt quá 5.000mm, thậm chí ở Bạch Mã tới 8.664mm (1980). Theo số liệu mới nhất lượng mưa trung bình trong thời kỳ 3 năm 1998 - 2000 ở độ cao 1.200m trên núi Bạch Mã là 9.960mm. Đồng bằng duyên hải Thừa Thiên Huế thuộc khu vực mưa ít nhất. Lượng mưa trung bình năm khoảng 2.700 - 2.900mm, những năm mưa nhiều có thể cao hơn 3.500mm (năm 1999 ở Phú Ốc 5.006mm, ở Huế 5.640mm).

Lượng mưa tăng đần từ Đông sang Tây và từ Bắc xuống Nam cũng như phụ thuộc vác mùa mưa hay ít mưa, trong đó giữa các trung tâm mưa lớn và địa bàn ít mưa là những vùng chuyển tiếp với lượng mưa 2.800 - 3.200mm (gò đồi phía Tây và đồng bằng từ Phú Bài đến Truồi. Nếu xem khoảng thời gian ít mưa chung cho toàn tỉnh kẻo dài từ tháng 1 cho đến tháng 8 thì tổng lượng mưa thời kỳ này dao động từ 762 đến 907mm, chiếm 26 - 28% tổng lượng mưa năm ở đồng bằng đến 817 - 1.132mm, chiếm 26 - 34% tổng lượng mưa năm tại vùng đồi núi, trong đó A Lưới - Nam Đông - Bạch Mã là 31 - 34%. Lượng mưa của cả 8 tháng ít mưa nhất (tháng 2 - 4) tại Nam Đông, A Lưới dao động trong khoảng 3 - 8% tổng lượng mưa năm. Kết quả quan trắc mưa còn cho thấy tổng lượng mưa năm tập trung vào thời kỳ mưa chính mùa (tháng 12). Đối với thời kỳ mưa chính mùa, tổng Iượng mưa đạt được khoảng 2.009 - 2.127mm ở đồng bằng phía Bắc, chiếm 72 - 75% tổng lượng mưa năm ở vùng đồng bằng; từ 2.153 - 2.553mm tại đồng bằng phía Nam, A Lưới - Nam Đông - Bạch Mã, chiếm 68 - 78% tổng lượng mưa năm tại vùng núi. Mưa đặc biệt lớn trong hai tháng 10 và 11, tổng lượng mưa 2 tháng này chiếm tới 48 - 53% tổng lượng mưa năm. Chênh lệch giữa các tháng mưa nhiều nhất và tháng mưa ít nhất đến 700 - l.000mm, trong đó lượng mưa của tháng mưa nhiều nhất gấp 20 - 40 lần tháng mưa ít nhất. Cũng như các tỉnh duyên hải miền Trung khác, biến trình mưa năm của tỉnh nhà cũng có hai cực đại và hai cực. Cực đại chính xuất hiện trong tháng 10 với lượng mưa từ 754 đến 1.041mm. Cực đại phụ trùng với thời kỳ tiểu mãn, có thể xảy ra trong tháng 5 hoặc tháng 6 với lượng mưa khoảng 77 - 277mm. Mưa tiểu mãn nhỏ hơn mưa chính mùa và thường xảy ra 2 - 3 năm 1 lần, nhưng vẫn có năm (1989) mưa tiểu mãn vào tháng 5 đã gây lũ lớn hơn lũ chính mùa trên tất cả các triền sông tỉnh nhà. Thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 là thời kỳ mưa ít nhất trong năm, trong đó cực tiểu thứ nhất rơi vào tháng 2 hoặc tháng 3 với lượng mưa khoảng 20 - 76mm. Giữa cực đại phụ (mưa tiểu mãn tháng 5 hoặc tháng 6) và cực đại chính (mưa chính mùa tháng 10) là cực tiểu phụ (tháng 7) với lượng mưa 73 - 171mm.

* Số ngày mưa:

Nhìn chung sự phân bố ngày mưa phù hợp với phân bố tổng lượng mưa năm. Hàng năm có khoảng 200 - 220 ngày mưa ở vùng núi, 150 - 170 ngày mưa lên đồng bằng duyên hải. Vào mùa mưa, mỗi tháng có 16 - 24 ngày mưa, trong đó các đợt không mưa kéo dài từ 3 - 4 ngày đến 6 - 18 ngày. Những đợt mưa kéo dài nhiều ngày (4 - 6 ngày) trên diện rộng thường gây lũ lụt lớn. Đợt mưa kéo dài từ ngày 28/10 đến 1/11 năm 1999 có lượng mưa 2.294mm (Huế, A Lưới) tạo ra trận lũ tụt lịch sử và nước lũ đã chọc thủng eo biển Hòa Duân. Ngược lại, mỗi tháng trong mùa ít mưa (3, 7) chỉ có 8 - 15 ngày mưa, riêng vùng A Lưới vào lúc cực đại phụ số ngày mưa tháng có thể lên đến 16 - 20 ngày. Những đợt không mưa kéo dài liên tục từ 6 -7 ngày đến 19 - 31 ngày. Trong các tháng mưa nhiều (10, 11) số ngày mưa đạt 21 - 24 ngày. Tuy thuộc tỉnh mưa nhiều nhất nước, nhưng vào những năm bị ảnh hưởng El Nino (1977, 1988, 1993 - 1994, 1997 - 1998, 2002) đã xuất hiện những đợt nắng nóng, không mưa kéo dài gây hạn hán nặng.

* Cường độ mưa:

Theo số liệu quan trắc lượng mưa lớn nhất ngày tại Huế có thể lên tới 500mm đến trên 900mm, ở vùng cao đạt khoảng 600mm đến trên 1000mm.

Cá biệt có ngày mưa lớn hơn nhiều như: 1138,5mm ngày 4/9 - 1983 ở Tà Lương 753mm ngày 16/11 - 1983 tại Bạch Mã, 705mm ngày 3/11 - 1981 tại Lăng Cô, 758mm ngày 211/ - 1999, 864mm ngày 2/11 - 1999 ở A Lưới và 978mm ngày 3/11 - 1999 tại Huế; lượng mưa 2 ngày (2 - 3/11 - 1999) là 1.293,6mm tại Phú Ốc, 1.841,3mm ở Huế, 2.200mm ở Truồi và 1.120,5mm tại A Lưới. Không phân biệt ngày đêm thì còn có cường độ lớn hơn nhiều, như lượng mưa 24 giờ (từ 6 giờ ngày 2 đến 6 giờ ngày 3 tháng 11 năm 1999) đạt 1.422mm tại Huế và 1.630mm tại Truồi. Lượng mưa lớn nhất đã đổ được trong 10 phút, 30 phút, 60 phút ở Thừa Thiên Huế như sau: ở Huế cường độ mưa 10 phút, 30 phút, 60 phút tương ứng đạt 26mm, 67mm và 120 mm, tại Nam Đông có giá trị tương ứng là 24mm, 54mm và 77mm và tại A Lưới là 30mm, 54mm, 96mm.

* Biến động lượng mưa:

Ở Thừa Thiên Huế chế độ mưa biến động mạnh nhất. Trong khu vực tương đối hẹp lượng mưa trung bình năm có thể chênh nhau hàng trăm milimet. Nam Đông cách Thượng Nhật 7km, nhưng chênh lệch lượng mưa năm đến 500mm. Tổng lượng mưa năm cũng biến động từ năm này sang năm khác và có thể sai khác với lượng mưa trung bình năm khoảng 600 - 800mm tùy thuộc vào lãnh thổ cụ thể. Kết quả quan trắc cũng cho thấy, lượng mưa tháng biến động hơn lượng mưa năm, lượng mưa mùa ít mưa biến động hơn lượng mưa mùa nhiều mưa, lượng mưa ở vùng đồng bằng duyên hải biến động hơn lượng mưa trên vùng núi. Nói chung chế độ mưa biến động mạnh đã có ảnh hưởng nhất định đến môi trường, sản xuất, đời sống. Trong mùa ít mưa, nước không đủ cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất thì khi mùa mưa đến với lượng mưa chiếm 68 - 75% lượng mưa năm lại phát sinh lũ lụt lớn, gây thiệt hại sản xuất, tài sản, tính mạng cư dân cũng như tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.

 

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự nhiên

(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)

 Bản in]