Đình làng An Truyền (làng Chuồn), xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm trên một thửa đất bằng phẳng, thoáng mát tại trung tâm làng, cửa Đình quay về hướng chính Đông, phía trước là ao sen trong xanh thơm ngát và đầm Chuồn lộng gió.
Đình An Truyền cấu trúc hình chữ Tam, chia làm ba phần tách biệt. Ngoài cùng là Tiền đường, tiếp theo là nhà Tiền tế hay Đại bái, trong cùng là Hậu cung hay Nội điện.
Nhà Tiền đường có 5 gian. Tiền đường cấu trúc kiểu cổ lầu hai tầng mái. Các bộ phận cấu trúc giàn trò như cột , kèo, xà, trến, xuyên, kèo mái, đòn tay đã đơn giản hóa chỉ còn lại kèo quyết, trến (xà ngang), xuyên (xà dọc), trục tiêu. Gian giữa treo bức đại tự “Mỹ tục khả gia” chạm đầu rồng, cánh phượng, sơn son thếp vàng.
Nhà Tiền tế gồm ba gian hai chái như lối nhà rường gồm cột, kèo quyết, kèo đấm, kèo bác vần, xuyên… Tiền tế có 18 cột, trong đó 16 cột bia làm ba gian chính, tả, hữu đại bái, hai cột chái nối kéo bác vần tạo ra thế “chỉa ba” để có hai gian chái nối tiếp. Kết cấu chặt chẽ này được gọi là khung cụi.
Nhà nội điện là nơi thờ tự chính của Đình An Truyền, được bố trí 7 bàn thờ sát tường hậu, thờ 7 vị thủy tổ của 7 dòng họ ở làng An Truyền. Trước mỗi bàn thờ có sập gỗ, hương án, câu đối chạm nổi khán thờ son son thếp vàng, đồ thờ tự bằng đồng, sành sứ, gỗ.
Ngoài ra tại nhà Đại bái có hai án thờ Tiền án và Trung án chạm lộng mặt hổ phù, kỳ lân, chim phượng hoàng, hoa chanh…
Trong hai cuộc kháng chiến Đình làng còn là nơi diễn ra các sự kiện lịch sử, là trung tâm của các lễ hội văn hóa làng vào hai dịp xuân, thu hàng năm.
Đình làng An Truyền được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 2754/QĐ-BT, ngày 15/10/1994 của Bộ Văn hóa Thông tin này là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch./.