Đẩy mạnh kháng chiến và kiến quốc (1950 - 1952)
  

Bước vào năm 1950, quân ta đã có chiến thắng vang dội tại Lương Mai, Phò Trạch. Trung ương Đảng đã nêu nhận xét: “Trận Phò Trạch - Lương Mai có thể coi là cuộc vận động chiến kiểu mẫu trong toàn quốc suốt quá trình phát triển vận động chiến của quân ta ở đồng bằng”.

Trước sự phát triển của phong trào kháng chiến, địch tăng cường bắt lính, đưa tổng số quân ngụy và viễn chinh lên 5.721 tên, số lượng máy bay, súng hạng nặng và xe lội nước cũng tăng lên. Chúng xây dựng hệ thống lô cốt, đồn bốt Delatour dọc đường I nhằm ngăn chặn hoạt động của quân ta.

Cùng với địch họa, nhân dân ta từ giữa năm 1950 còn gánh chịu nhiều thiên tai, lũ lụt làm cho mất mùa, đói kém.

Khó khăn chồng chất nhưng đã không làm sờn lòng cán bộ, chiến sỹ và bà con đi theo kháng chiến. Trong năm 1950, bộ đội địa phương đã đánh 50 trận, tiêu diệt 92 tên địch. Mỗi huyện có một đại đội bộ đội địa phương với tổng số 6 huyện là 931 chiến sĩ. Dân quân du kích các xã có 16.224 người. Trong năm 1950, hai lực lượng này đã tiến hành 468 trận phục kích, tiêu diệt 600 tên địch, giải tán 35 hội tề. Trên cả tỉnh có 2.000 thanh niên vào bộ đội.

Đầu năm 1951, chiến trường Bình Trị Thiên là một trong những trọng điểm bình định của địch. Tháng 1/1951, Thường vụ Tỉnh ủy họp đưa ra chủ trương đánh từng trận nhỏ để tiến tới trận lớn. hàng loạt những hoạt động quân sự của ta đã diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh. Ngày 12/2/1951, tiêu diệt lô cốt An Gia; ngày 9/3/1951 ta đánh đồn Phổ Lại. chiến thắng An Gia - Phổ Lại đã bẻ gẫy tuyến phòng ngự Phú Ốc - Sịa của địch. Vùng giáp ranh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị được khai thông. Những chiến thắng quan trọng nhất của năm 1951 là trận trung đoàn 101 và 95 đánh bại cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của địch tại Thanh Hương - Mỹ Xuyên và trận đánh bại âm mưu của địch đánh úp trung đoàn 101 tại Thanh Lam Bồ.

Hai chiến thắng giòn giã của Trị Thiên năm 1951, làm cho thực dân Pháp rơi vào tình trạng lúng túng. Để duy trì cuộc chiến tranh này chúng không còn cách nào khác vẫn tiếp tục áp dụng chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Chúng tổ chức nhiều đợt bắt lính, tính chung trong ba tỉnh Bình - Trị - Thiên số quân địch lên tới 31.459 tên trong đó phân nửa là quân ngụy. Xây dựng, củng cố nhiều đồn bốt, tăng cường càn quét trên toàn tỉnh.

Cũng trong năm này lực lượng quân sự của ta cũng có bước phát triển về quân số đáng kể, trung đoàn 101 có 2.994 chiến sĩ, trung đoàn 95 có 2.976 chiến sĩ, ngoài ra còn có bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 1952

Ngày 6/2/1952, Thường vụ Tỉnh ủy ra chỉ thị vận động tòng quân và đẩy mạnh du kích chiến. Trên đà thắng lợi, quân ta tiếp tục tiến công và tiêu diệt một loạt vị trí địch ở các huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc. Vùng tự do của ba tỉnh Bình - Trị - Thiên nối liền nhau thành một dải dọc Trường Sơn và dọc đường I, từ Phú Lộc ở phía Nam ra Phong Điền ở phía Bắc của tỉnh, nối liền cửa ngõ Huế.

Nhằm ngăn chặn lực lượng kháng chiến, ngụy quyền Trung Việt đã cho lập “Nghĩa dũng đoàn Trung Việt”, tại mỗi tỉnh có chi đoàn nghĩa dũng, làm nhiệm vụ “lưu động tại các thôn xã để tìm biết và cản phá kịp thời các tổ chức và hoạt động của đối phương”. Chúng liên tục mở ba cuộc hành quân lớn vào tháng 7,8,9/1952 càn quét tập trung vào hai huyện Phú Vang và Phong Điền với mục đích bình định vùng căn cứ du kích và tiêu diệt trung đoàn 101. Đợt càn này đã gây cho ta những thiệt hại không nhỏ.

Nhìn chung năm 1952 chính là năm đầy khó khăn và thử thách đối với cuộc chiến đấu của quân và dân Thừa Thiên Huế.

 

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử

(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)

 Bản in]