Đế quốc Mỹ sau khi thay chân thực dân Pháp thống trị miền Nam đã ráo riết thực hiện âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta. Cuối tháng 6/1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về làm Thủ tướng Chính phủ “Việt Nam cộng hòa”.
Ngô Đình Diệm sau khi lên cầm quyền đã thi hành một loạt chính sách phản động, vi phạm các điều khoản trong Hiệp định Genève, tăng cường các lực lượng quân sự, khủng bố trả thù cách mạng.
Thừa Thiên Huế có Huế là trung tâm chính trị thứ hai ở miền Nam sau Sài Gòn, tiếp giáp với miền Bắc. Vì vậy, ngoài bộ máy ngụy quyền tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế, chính quyền Ngô Đình Diệm còn thiết lập ở Huế một bộ máy cai trị cấp miền (gồm các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên). Ngoài ra, anh ruột Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Thục giữ chức Tổng giám mục địa phận Huế. Có thể nói Huế là “một triều đình thứ hai” sau Sài Gòn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ngô Đình Cẩn.
Tại Thừa Thiên Huế, Mỹ - Diệm tập trung xây dựng và củng cố thế lực nhằm kiểm soát và kìm kẹp nhân dân, tiến đến tiêu diệt phong trào cách mạng. Chúng lập các Trung tâm cải huấn ở Thanh Tân (Phong Điền), Thành Nội (Huế), chia lại địa bàn hành chính, thành lập các xã mới, tăng cường lực lượng quân sự ở Nam Giao, Phú Bài, Thuận An, Thừa Lưu, Tứ Hạ, Hòa Mỹ... Dưới bàn tay của bạo chúa Ngô Đình Cẩn, chính quyền Ngô Đình Diệm đã triển khai chính sách “tố cộng, diệt cộng” ở Thừa Thiên Huế hết sức ác liệt nhằm tiêu diệt tận gốc mầm mống cách mạng trong nhân dân. Chính sách “tố cộng, diệt cộng” đã gây ra tình trạng hết sức căng thẳng trong nhân dân. Hàng ngày, có hàng trăm người đi dọc ven bờ sông Hương, sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Nong, sông Truồi, sông Đại Giang... tìm kiếm xác người thân, hoặc tập trung tại các quận lỵ dò tin tức người thân.
Sự tàn bạo của chính quyền Mỹ - Diệm càng đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân ta lên cao.
Thực hiện tinh thần của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa II (7/1954), có nội dung cơ bản là chuyển cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân miền Nam trong chiến tranh sang đấu tranh chính trị trong hòa bình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy Thừa Thiên, nhân dân Thừa Thiên Huế đã dấy lên một phong trào đấu tranh sôi nổi từ thành thị đến nông thôn đòi địch thi hành Hiệp định Genève, chống khủng bố những người kháng chiến, đòi dân sinh dân chủ.
Một số phong trào nổi bật trong thời kỳ này là phong trào Hòa bình của trí thức, phong trào đấu tranh của chị em tiểu thương, của công nhân và tù chính trị. Tại các quận huyện nhân dân liên tục nổi dậy uy hiếp, hỗ trợ cho cán bộ làm nhiệm vụ, cùng cán bộ đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève. Tiêu biểu là các trận bao vây đồn Kim Đôi kêu gọi lính ngụy về với nhân dân của nhân dân Quảng Điền (2/8/1954); bao vây địch để bảo vệ cán bộ đang tổ chức cho dân chúng học tập chính trị tại Phú Vang (7/11/1954); vây đồn Thế Chí Tây và bắt viên trưởng đồn tại Phong Điền (31/10/1954)... Nổi bật hơn cả là phong trào đấu tranh đòi địch đắp đập Thuận An, diễn ra gần như đều khắp các quận trong Tỉnh.
Trong kháng chiến chống pháp, miền núi hầu hết là vùng tự do, nhưng sau Hiệp định Genève, chính quyền Mỹ - Diệm đã cho quân chiếm đóng toàn bộ và thiết lập bộ máy cai trị. Toàn miền núi Thừa Thiên Huế có tới 18 đồn bốt, và phát triển đạo Tin Lành nhằm nắm chặt đồng bào, chia rẽ đồng bào Kinh - Thượng.
Tháng 11/1957, Tỉnh ủy Thừa Thiên họp tại bản Ấp Rùng, xã Thượng Long miền Tây Thừa Thiên Huế. Hội nghị đã quyết định xây dựng miền núi Thừa Thiên Huế thành căn cứ cách mạng. Tỉnh ủy bố trí cán bộ từ đồng bằng lên, cùng với một số cán bộ đã cắm bản từ trước kiên trì bám trụ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào nhanh chóng giác ngộ, phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang tự vệ bằng vũ khí thô sơ đã nảy sinh trong phong trào quần chúng.
Giữa lúc phong trào cách mạng miền núi Thừa Thiên Huế đang có bước chuyển biến quan trọng thì ánh sáng Nghị quyết 15 (1/1959) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) về đường lối cách mạng miền Nam được truyền đến Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Tỉnh uỷ khẩn trương tổ chức học tập và triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương. Một trong những nhiệm vụ chiến lược của Nghị quyết Trung ương 15 là việc mở đường 559 - đường Hồ Chí Minh. Miền núi Thừa Thiên Huế với con đường 559 nối liền mạch máu với cả nước từng bước trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc làm chỗ dựa cho đồng bằng.
Sau một thời gian triển khai Nghị quyết Trung ương lần thứ 15, tháng 2 năm 1960 Tỉnh uỷ đã họp và nhận định tình hình đồng bằng và miền núi. Về tình hình đồng bằng phong trào đấu tranh chính trị được dấy lên như chống luật 10/59, chống bắt dân đi dinh điền, chống cưỡng bức vào công giáo, vạch mặt bọn đầu cơ gạo... các cuộc đấu tranh đã hạn chế được sức phá hoại của địch.
Các huyện đã bắt đầu triển khai thế đứng chân ở vùng giáp ranh, tiến hành tuyên truyền vũ trang. Nông thôn đã bắt đầu xây dựng được cơ sở quần chúng.
Ở miền núi, Tỉnh uỷ chủ trương phát động khởi nghĩa tiến tới làm chủ miền núi, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Đưa cán bộ xuống nhân dân, trực tiếp chỉ huy đấu tranh trực diện, chống càn quét, khủng bố, cướp phá mùa màng... Phát động phong trào thanh niên làm vũ khí như chông, bẫy..., luyện tập quân sự, đào tạo cán bộ xã đội, thôn đội, mở lớp huấn luyện quần chúng nổi dậy...
Sự phát triển của phong trào cách mạng miền núi làm cho nguỵ quyền hết sức lo sợ, nên chúng dùng nhiều thủ đoạn để tiêu diệt phong trào miền núi như: tổ chức các đội thám báo biệt kích để truy tìm cơ quan, kho tàng, đường Trường Sơn, mở các cuộc càn quét...
Tháng 10/1960 địch mở cuộc hành quân với quy mô lớn, từ 2- 3 tiểu đoàn, không cho nhân dân thu hoạch lúa, chúng đốt rẫy, giết dân... những tội ác ấy gây sự căm phẫn, uất ức đối với đồng bào dân tộc. Thời cơ khởi nghĩa đã chín muồi.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đêm 18/10/1960, 15.000 đồng bào các dân tộc Pa-cô, Ka-tu, Vân Kiều, Pa-hy đã đồng loạt nổi dậy, thực hiện vũ trang tuyên truyền vùng Khe Tranh, vây bắt bọn ác ôn và mở phiên toà xét xử tại chỗ, trừng trị tên Viên Tự, Chánh tổng “Cần lao”. Hơn 2000 đồng bào mitting ở Hương Lâm, 2000 đồng bào mitting ở Phong Lâm... khắp nơi trên địa bàn miền núi Thừa Thiên Huế nổi dậy khởi nghĩa, tuyên bố xoá bỏ nguỵ quyền, thiết lập chính quyền cách mạng. 18 đồn bốt lớn nhỏ của địch ở miền núi bị nhân dân và lực lượng vũ trang vây chặt. Trước sức mạnh của phong trào, địch phải rút bỏ 15 vị trí chỉ còn lại những đồn bốt lớn như A So, Khe Tre, Nam Đông. Nhiều cuộc hành quân nhằm giành lại miền núi đều bị bẻ gẫy, miền núi Thừa Thiên Huế căn bản được giải phóng.
Phong trào đồng khởi của các dân tộc miền núi Trị Thiên đã cùng lúc với phong trào đồng khởi chung của toàn miền Nam; Mặt trận dân tộc giải phóng Thừa Thiên Huế cũng đã được hình thành và ra lời kêu gọi đánh dấu bước ngoặt mới của cách mạng, cổ vũ mạnh mẽ cán bộ, đảng viên và nhân dân trên toàn tỉnh, cán bộ trở về hoạt động ở đồng bằng và thành phố, luồn sâu vào các thôn xóm gây dựng lại cơ sở cách mạng.
Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử
(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)