Từ năm 1961, trước sự tấn công mạnh mẽ và dồn dập của quân dân miền Nam, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai lúng túng, bị động, chúng nhanh chóng tiến hành “chiến tranh đặc biệt”, “dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam”. Đối với Trị Thiên Huế chúng lập phòng tuyến ngăn chặn cách mạng ở đường miền núi và hành lang chiến lược, mục tiêu là bình định được đồng bằng sau đó tập trung giành lại miền núi. Bằng âm mưu và những thủ đoạn này, chúng đã gây cho ta nhiều khó khăn trong việc xây dựng cơ sở và phong trào cách mạng ở đồng bằng. Trước tình hình đó, từ ngày 21 đến 26 tháng 4 năm 1961 Đại hội đại biểu Đảng bộ Thừa Thiên Huế đã họp tại chòi Con Hiên, làng Tà Pat, có 52 đại biểu dự Đại hội. Nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội là vạch phương hướng lãnh đạo nhân dân vùng lên chống phá “ấp chiến lược”, nhanh chóng phát triển lực lượng, tiến công từ rừng núi xuống đồng bằng, đẩy mạnh tuyên truyền và hoạt động vũ trang, xây dựng cơ sở chính trị rộng rãi, kiên quyết giành dân, giành quyền làm chủ, đưa chiến tranh cách mạng phát triển lên bước mới, đưa phong trào cách mạng của Tỉnh tiến kịp phong trào toàn khu và toàn miền Nam.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, những năm 1961, 1962 các lực lượng vũ trang đã thực hiện đánh 37 trận, diệt 154 tên, và thu 37 súng các loại, phá ấp chiến lược 37 lần, diệt 35 tên. Nhiều trận đánh có tiếng vang lớn tạo điều kiện cho đấu tranh chính trị, đưa phong trào cách mạng phát triển. Địch buộc phải giảm các hoạt động quân sự ở miền núi và quay lại đối phó với đồng bằng và thành phố. Lần đầu tiên sau nhiều năm, ta đã hình thành và xây dựng được thế liên hoàn cả ba vùng chiến lược, hình thành thế tiến công địch ở đồng bằng và thành phố.
Trước thắng lợi của cách mạng, uy tín của Mặt trận Dân tộc giải phóng ngày càng sâu rộng trong nhân dân. Mâu thuẫn giữa tầng lớp nhân dân với chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm ngày càng sâu sắc. Xu hướng chống Diệm ở thành phố Huế phát triển cao đưa đến cuộc đấu tranh quyết liệt của các tầng lớp nhân dân thành phố Huế chống Diệm - Nhu mùa hè năm 1963.
Ngày 7 tháng 5 năm 1963, theo lệnh của Ngô Đình Diệm, cảnh sát ngụy quyền Thừa Thiên Huế đã hạ cờ Phật giáo trong ngày lễ Phật Đản. Tối ngày 7 tháng 5 năm 1963 đông đảo nhân dân mà phần lớn là đồng bào theo đạo Phật kéo đến trước dinh Tỉnh trưởng để phản đối ngụy quyền. Đó cũng là mở đầu cho phong trào nhân dân liên kết, xuống đường công khai chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm. Phong trào diễn ra mạnh mẽ gần 4 tháng với các cuộc mitting, biểu tình, tiến hành đại lễ trước sự cấm đoán của chính quyền, làm lễ cầu siêu và đặc biệt có nhiều tu sĩ tự nguyện tử vì đạo như Hoà thượng Thích Quảng Đức, Đại đức Thanh Tuệ, Hoà thượng Thích Tiêu Diêu... Phong trào đấu tranh chính trị này diễn ra với quy mô lớn, có tính chất nhân dân rộng rãi, đã tập hợp được đông đảo các tầng lớp, các giới ở một trung tâm chính trị, làm nổi loạn thành phố, nơi mà kẻ địch cho là an toàn nhất. Cuộc đấu tranh góp phần vạch trần bộ mặt tàn ác của chế độ Mỹ - Diệm trước dư luận trong nước và thế giới, đây cũng là phong trào mở đầu cho phong trào đấu tranh đô thị trên toàn miền Nam.
Sau năm 1963, Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế tích cực, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt nhằm đưa phong trào lên một thời kỳ mới, thời kỳ phá kìm, giành dân, đưa phong trào đồng bằng lên thế đấu tranh chính trị, quân sự, tiến công địch bằng cả ba mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận.
Đầu năm 1964, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chủ trương: “Phát huy sức mạnh của quần chúng có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, lợi dụng sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn mà tổ chức lực lượng, tiến công mạnh mẽ, đều khắp, làm tan rã, tê liệt chính trị, tư tưởng và tổ chức, phá ấp chiến lược, chuẩn bị thiết thực cho việc phá thế kìm kẹp của địch”. Thực hiện chủ trương trên, nhân dân Thừa Thiên Huế bước vào phong trào đồng khởi đồng bằng năm 1964.
Đên mồng 5 rạng ngày 6/7/1964, phong trào đồng khởi diễn ra khắp vùng đồng bằng trong tỉnh. Ở phía Bắc tỉnh, nhân dân nhiều xã nổi dậy phối hợp với bộ đội và đội công tác võ trang tiến hành tấn công địch, phá ấp chiến lược, xóa bỏ ngụy quyền, tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở cơ sở và chính quyền tự quản của nhân dân. Phong trào Đồng Khởi đã mở ra một vùng giải phóng rộng lớn gồm nhiều xã: Phong Sơn, Phong An, Phong Thái, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương (Phong Điền), Phong Nhiêu, Quảng Thái (Quảng Điền) và Hương Vân, Hương Thọ, Hương Hồ, Hương Mai, Hương Thái, Hương Bình, Hương Thạnh (Hương Trà). Ở phía Nam, lực lượng vũ trang phối hợp với nhân dân tấn công và nổi dậy giải phóng các xã Phú Đa, Phú Hồ và một số thôn của Vinh Phú, Vinh Thái, Phú Xuân, Phú Lương (Phú Vang); Lộc An, Lộc Tụ (Phú Lộc); nhiều thôn xã của xã Thủy Bằng, Thủy Thanh, Thủy Phương (Hương Thủy).
Cùng với phong trào Đồng khởi ở vùng nông thôn, phong trào đấu tranh chính trị ở thành phố Huế cũng diễn ra mạnh mẽ. Phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên dưới các hình thức biểu tình, hội thảo, bãi khóa phản đối “Hiến chương Vũng Tàu”, chống ngụy quyền Nguyễn Khánh. Phong trào đấu tranh của Phật giáo biểu tình, tuần hành phản đối Hiến chương 16/8/1964. Tiểu thương các chợ Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu bãi thị để hưởng ứng. Khắp nơi trong toàn tỉnh Thừa Thiên, các quận, xã gửi tuyên ngôn ủng hộ lập trường đấu tranh của sinh viên, học sinh, giáo chức và các giới Huế.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đô thị, mà trước hết là Huế, ngụy quyền Nguyễn Khánh đã có sự nhượng bộ như thu hồi “Hiến chương Vũng Tàu”, giải tán Hội đồng quân đội.
Nổi bật trong phong trào đô thị Huế ở thời điểm này là sự ra đời của Hội đồng nhân dân cứu quốc ngày 28/8/1964, bao gồm hầu hết các lực lượng đấu tranh chống chính quyền độc tài Nguyễn Khánh tại Thừa Thiên Huế.
Phong trào đô thị Huế trong năm 1964 nói chung, Hội đồng nhân dân cứu quốc nói riêng đã góp phần tích cực vào việc phá lỏng thế kìm kẹp của địch ở thành phố, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng Thừa Thiên Huế phát triển không chỉ ở thành phố mà cả ở nông thôn và đồng bằng.
Từ cuối tháng 11/1964 đến 5/1965, quân và dân Thừa Thiên Huế liên tục đẩy mạnh đấu tranh quân sự và chính trị, giữ vững vùng giải phóng ở miền núi và giáp ranh, mở rộng quyền làm chủ đồng bằng và ven biển. Trong đợt này toàn tỉnh đã giải phóng được 76 thôn, 4 nông trường và giành được 4 vạn dân.
Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử
(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)