Kết quả phân vùng
  

Trên cơ sở hệ thống phân vị đã nêu ở trên, khí hậu Thừa Thiên Huế được phân thành 2 vùng khí hậu 7 tiểu vùng khí hậu thể hiện tính chất như sau:

Vùng khí hậu là một bộ phận lãnh thổ liên tục, khép kín và có sự đồng nhất tương đối về nhiệt độ.

- Tiểu vùng khí hậu là một bộ phận lãnh thổ liên tục, khép kín và có sự đồng nhất tương đối về nhiệt độ và điều kiện mưa, ẩm.

1. Vùng khí hậu 1

Bao gồm các huyện Quảng Điền, Phú Vang và phần đồng bằng, gò đồi của các huyện, thị xã: Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc. Đặc điểm chung của vùng này là:

- Có biên độ nhiệt năm (9oC).

- Có nhiệt độ trung bình năm (24oC).

- Mùa mưa từ tháng 9-12.

- Ba tháng mưa lớn nhất 9, 10 và 11.

- Tiềm năng ẩm bị hạn chế.

Vùng này có hai tiểu vùng:

a. Tiểu vùng 1 a: Đây là vùng đồng bằng rộng lớn nhất của tỉnh bao gồm huyện Quảng Điền, Phú Vang và phần phía đông của các huyện, thị xã: Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy. Đặc điểm khí hậu của tiểu vùng này là:

+ Điều kiện nhiệt phong phú nhất tỉnh, nhiệt độ trung bình năm từ 24- 25,2oC, tổng nhiệt độ từ 8700oC-9200oC, tổng số giờ nắng trên 1900 giờ/năm, nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 10oC, cao nhất có thể lên tới trên 41oC.

+ Tổng lượng mưa thấp nhất tỉnh, từ 2600-2800mm. Tổng lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 8 dưới 800mm. Độ ẩm trung bình thấp nhất tỉnh, từ 83-84%. Bị thiếu ẩm trong 6 tháng, từ tháng 3 đến tháng 8.

+ Thường chịu ảnh hưởng mạnh của gió bão, lũ lụt, hạn hán và gió tây khô nóng.

b. Tiểu vùng 1b: Vùng đồng bằng và gò đồi thấp từ Nong đến Lăng Cô của các huyện Phú Lộc và các xã Vinh Thái, Vinh Hà của huyện Phú Vang. Đây là vùng có những dự án trọng điểm của tỉnh như khu kinh tế Chân Mây, Lăng Cô. Đặc điểm tương tự như tiểu vùng 1a, nhưng có sự khác biệt về lượng mưa và độ ẩm. Mặt khác, ở đây địa hình bị chia cắt sâu sắc và có đầm Cầu Hai rộng lớn, nên khí hậu bị phân hóa thành những đơn vị nhỏ hơn.

+ Tổng lượng mưa năm từ 2800-3400mm. Tổng lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 8 lớn hơn 900mm.

+ Số tháng khô hạn là 4 tháng, ít hơn tiểu vùng 1a.

+ Độ ẩm từ 84-85%, cao hơn tiểu vùng 1a.

+ Biên độ của nhiệt độ ngày thấp hơn tiểu vùng 1a.

+ Mức độ ảnh hưởng của bão, lũ lụt, gió tây khô nóng không gay gắt như tiểu vùng 1a.

2. Vùng khí hậu 2

Bao gồm vùng đồi núi có độ cao từ 150m trở lên của các huyện, thị xã: Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc và hai huyện miền núi A Lưới và Nam Đông. Đặc điểm chung của vùng là có lượng mưa và tiềm năng ẩm phong phú nhất tỉnh. Ngoài mùa mưa chính, từ tháng 9 đến tháng 12, còn có mùa mưa ph từ tháng 5 đến tháng 8. Điều kiện nhiệt độ có hạn chế so với vùng khí hậu 1. Biên độ nhiệt độ năm nhỏ hơn 9oC, có 2-3 tháng thiếu ẩm. Ở vùng đồi núi thấp, thời tiết khô nóng gay gắt trong mùa hè.

Vùng khí hậu 2 có 5 tiểu vùng.

a. Tiểu vùng 2a: Tiểu vùng khí hậu vùng gò đồi bao gồm phần phía tây các huyện Phong Điền, thị xã Hương Thủy. Vùng này có đặc điểm:

+ Điều kiện nhiệt phong phú. Nhiệt độ trung bình năm từ 22-24oC, tổng nhiệt độ từ 8000-8760oC. Nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất nhỏ hơn 20oC.

+ Độ ẩm khá dồi dào. Tổng lượng mưa từ 2800-3200mm. Tổng lượng mưa tháng 1 đến tháng 8 từ 800-1000mm. Mùa mưa có khả năng xảy ra lũ quét và thường bị sạt lở đất. Có khả năng bị thiếu ẩm trong 3 tháng 2, 3, 4. Gió tây khô nóng ảnh hưởng ít đến tiểu vùng này.

b. Tiểu vùng 2b: Tiểu vùng khí hậu của thung lũng thấp Nam Đông. Đặc điểm của tiểu vùng này là:

+ Có chế độ nhiệt phong phú tương tự như tiểu vùng 1a. Nhiệt độ trung bình năm 24,0-24,6oC. Tổng nhiệt độ năm từ 8700-9000oC. Biên độ nhiệt độ của năm nhỏ hơn 8oC. Nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất trên 200C. Nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 10oC. Nhiệt độ cao nhất có thể lên tới 42oC. Chịu ảnh hưởng của gió tây khô nóng gay gắt nhất. Có số ngày dông nhiều nhất tỉnh, 124 ngày.

+ Điều kiện ẩm dồi dào. Tổng lượng mưa từ 3500-3700mm. Tổng lượng mưa từ tháng 1-8 trên 1000mm. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5-12. Thiếu ẩm trong 3 tháng 2, 3, 4. Độ ẩm trung bình khá cao (86%). Tốc độ gió trung bình thấp nhất tỉnh (1,4m/s), ảnh hưởng của bão yếu.

c. Tiểu vùng 2c (Tiểu vùng khí hậu núi cao Bạch Mã)

Đặc điểm của tiểu vùng này là:

+ Khí hậu núi cao quanh năm mát mẻ. Nhiệt độ trung bình từ 18-22oC. Tổng nhiệt độ năm từ 6500-8000oC. Nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất dưới 17oC. Nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 10oC.

+ Là một trung tâm mưa lớn của cả nước, với lượng mưa năm trên 4000mm, độ ẩm cao.

d. Tiểu vùng khí hậu 2d (Tiểu vùng khí hậu A Lưới)

Đặc điểm của tiểu vùng này:

+ Nằm ở sườn tây Trường Sơn, có điều kiện nhiệt bị hạn chế. Nhiệt độ trung bình năm từ 20-22oC. Tổng nhiệt độ năm từ 7300-80000C. Mùa lạnh kéo dài 4 tháng, không có mùa nóng. Nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 50C, nhưng chưa xảy ra sương muối. Nhiệt độ cao nhất có thể lên đến 38oC, tháng lạnh nhất xuống dưới 18oC. Biên độ nhiệt độ ngày là 8oC, không bị ảnh hưởng của gió tây khô nóng. Tổng số giờ nắng ít nhất tỉnh (1700-1800 giờ).

+ Có lượng mưa phong phú. Tổng lượng mưa năm từ 3300-3500mm. Tổng lượng mưa từ tháng 1-8 trên 1000mm. Thiếu ẩm 2 tháng (tháng 2, 3).

+ Tốc độ gió trung bình mạnh nhất tỉnh (2,3m/s), ít chịu ảnh hưởng của bão, nhưng thường xảy ra lốc, mưa đá hơn các nơi khác. Số ngày có dông trung bình: 92 ngày.

đ. Tiểu vùng khí hậu 2e: Tiểu vùng núi cao Động Ngại, có đặc điểm tự nhiên như Bạch Mã nhưng tổng lượng mưa ít hơn, dao động trong khoảng 3400- 3600mm.

Các vùng, tiểu vùng khí hậu của tỉnh Thừa Thiên Huế thể hiện trên bản đồ ở hình 9.1.


Hình 9.1. Bản đồ phân vùng khí hậu tỉnh Thừa Thiên Huế

Nguồn: Đề tài KHCN cấp tỉnh
 Bản in]
Các bài khác