Xác định các chỉ tiêu
  

1. Những quy luật phân hóa khí hậu ở Thừa Thiên Huế

Khí hậu Thừa Thiên Huế là khí hậu duyên hải Bắc Trung Bộ thuộc sườn đông Trường Sơn, là một dạng đặc biệt của khí hậu nhiệt đới gió mùa ở Việt Nam. Điều kiện địa hình đã làm biến dạng khí hậu nhưng không làm thay đổi bản chất của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Sự biến dạng rõ rệt nhất, thể hiện ở hai yếu tố nhiệt độ và lượng mưa. Sự phân hóa khí hậu ở Thừa Thiên Huế theo 3 quy luật phổ biến, đó là: Quy luật phân hóa theo sườn đông và tây Trường Sơn, quy luật phân hóa theo độ cao và quy luật phân hóa theo dạng địa hình.

Biểu hiện rõ rệt nhất hệ quả tác động của quy luật phân hóa theo sườn đông và tây Trường Sơn là sự phân hóa biến trình năm của các yếu tố khí hậu, mà trước hết là mưa, nhiệt độ. Bảng 9.1 so sánh một số đặc trưng khí hậu ở hai địa điểm thuộc sườn đông và sườn tây Trường Sơn.

Bảng 9.1. Một số đặc trưng khí hậu phía Đông và Tây

Các đặc trưng

Sườn phía Tây

(A Lưới)

Sườn phía Đông (Huế)

Tỷ trọng lượng mưa từ tháng 1-8

34

25

Tỷ trọng lượng mưa từ tháng 9-12

66

75

Tỷ trọng lượng mưa từ tháng 2-4

8

5

Số tháng liên tục có lượng mưa>100mm

9

5

Số tháng thiếu ẩm

2

6

Biên độ nhiệt độ năm

8,0

9,4

Tháng xảy ra nhiệt độ cực đại

6

7

Số liệu trên bảng 9.1 cho thấy:

- Tỷ trọng đóng góp lượng mưa trong mùa ít mưa tăng từ đông sang tây; số tháng thiếu ẩm ở vùng đồng bằng nhiều hơn.

- Tỷ trọng đóng góp lượng mưa trong mùa mưa, từ tháng 9-12 ở vùng phía đông nhiều hơn và giảm dần từ đông sang tây.

- Phần phía tây có một mùa mưa phụ từ tháng 5 đến tháng 8.

- Biên độ nhiệt độ năm ở vùng đồng bằng lớn hơn vùng núi.

Ngoài quy luật phân hóa theo chiều đông tây, lượng mưa còn có quy luật tăng dần từ bắc vào nam (càng gần tâm mưa Bạch Mã lượng mưa càng lớn).

Quy luật phân hóa khí hậu theo độ cao địa hình là quy luật phổ biến, biểu hiện rõ qua sự khác nhau về giá trị trung bình các yếu tố khí hậu ở các độ cao, nổi bật nhất là nhiệt độ (bảng 9.2).

Bảng 9.2. So sánh một số đặc trưng khí hậu ở các địa điểm có độ cao khác nhau

Các đặc trưng

Huế

(10m)

Nam Đông (60m)

A Lưới 572(m)

Bạch Mã (1200m)

Nhiệt độ trung bình năm (°C)

25,1

24,4

21,6

17,9

Tổng nhiệt độ năm (°C)

9198

8906

7847

6533

Độ dài thời kỳ có nhiệt độ dưới 20°C (ngày)

31

40

121

365

Độ dài thời kỳ có nhiệt độ trên 25°C (ngày)

194

180

0

0

Tổng lượng mưa năm (mm)

2863

3712

3554

>4000

Ghi chú: Số liệu Bạch Mã tính toán theo số liệu khảo sát một năm 1980; số liệu tính đến năm 2012.

Dựa vào quy luật giảm nhiệt độ theo độ cao một cách khá ổn định có thể tính được các bậc thang nhiệt độ ứng với các độ cao ở Thừa Thiên Huế (bảng 9.3).

Bảng 9.3. Giới hạn độ cao ứng với các bậc thang tổng nhiệt độ

Giới hạn độ cao (m)

Nhiệt độ trung bình năm

Tổng nhiệt độ năm

100-150

24,0

8.760

500-600

22,0

8.000

700-800

20,5

7.500

2. Cấp phân vị

Nói chung, để phân vùng lãnh thổ theo một yếu tố nào đó, trước hết phải thiết lập hệ thống phân vị phản ánh trung thực thực tế khách quan và dễ ứng dụng trong thực tế. Để xác lập hệ thống phân vị phân chia các đơn vị khí hậu khác nhau của Thừa Thiên Huế, cần phải dựa vào các cơ sở sau:

- Khí hậu Thừa Thiên Huế là một bộ phận của khí hậu Việt Nam, nên kết quả phân vùng không được mâu thuẫn với sơ đồ phân vùng của khí hậu Việt Nam. Trong sơ đồ phân vùng này, Thừa Thiên Huế nằm trọn trong vùng khí hậu Bắc Trung Bộ mà ranh giới là dãy Bạch Mã. Do vậy, việc phân vùng khí hậu Thừa Thiên Huế là phân chi tiết hơn trong nội bộ vùng và cấp phân vị cao nhất là cấp vùng, dưới cấp vùng là tiểu vùng.

- Do điều kiện mạng lưới trạm khí tượng thủy văn thưa, nhiều khu vực chưa được khảo sát, do đó chỉ cho phép phân chia các đơn vị vùng khí hậu đến cấp tiểu vùng khí hậu.

* Vùng khí hậu

Vùng khí hậu cần phản ảnh sâu sắc về các điều kiện và tài nguyên khí hậu quan trọng nhất, gồm: bức xạ, nắng và nhiệt độ.

Trên cùng một vùng khí hậu, các địa điểm có sự đồng nhất tương đối về các đặc trưng khí hậu sau đây:

- Lượng bức xạ tổng cộng.

- Số giờ nắng.

- Nhiệt độ.

* Tiểu vùng khí hậu

Các tiểu vùng khí hậu có sự đồng nhất tương đối về các đặc trưng cơ bản của bức xạ, nắng, nhiệt độ, nhưng khác biệt về mưa.

Trong sơ đồ phân vùng khí hậu Việt Nam, vùng khí hậu duyên hải Bắc Trung Bộ có những đặc điểm sau:

- Biên độ năm của nhiệt độ (9°C).

- Bức xạ tổng cộng trung bình năm (140Kcal/cm²năm).

- Mùa mưa từ tháng 8-12.

- Ba tháng mưa lớn nhất là tháng 8, 9, 10.

Đối chiếu số liệu khí hậu ở Thừa Thiên Huế theo các chỉ tiêu trên cho thấy: vùng đồng bằng ven biển khá phù hợp, riêng vùng đồi núi phía tây và nam không phù hợp. Vì vậy, để khai thác tài nguyên khí hậu một cách hợp lý, cần phải phân chia khí hậu Thừa Thiên Huế thành hai vùng với chỉ tiêu về ngưỡng biên độ năm của nhiệt độ là 9°C. Chỉ tiêu này vừa thống nhất với sơ đồ phân vùng khí hậu Việt Nam, vừa tách ra được hai vùng tương đối thống nhất về nhiệt độ.

Vùng đồng bằng ven biển có chế độ nhiệt đồng nhất, nhưng chế độ mưa phân hóa từ bắc vào nam, do đó có thể tách vùng này thành hai tiểu vùng bằng cách sử dụng chỉ tiêu tổng lượng mưa năm là 2800mm, là lượng mưa trung bình nhiều năm của vùng đồng bằng Thừa Thiên Huế.

Trong vùng đồi núi phía tây, sử dụng chỉ tiêu tổng nhiệt độ năm là 8000°C. Chỉ tiêu này có nghĩa đối với việc phân bố cây trồng: > 8000°C là điều kiện thích hợp để phát triển cây cao su và nhiều loại cây nhiệt đới điển hình; < 8000°C là điều kiện thích hợp của cây cà phê, chè Arabica,...

Tóm lại hệ thống phân vị như sau:

- Cấp vùng: Biên độ năm của nhiệt độ có giá trị 9°C hoặc đường đẳng trị nhiệt độ trung bình năm là 24°C.

- Cấp tiểu vùng: + Tổng lượng mưa năm: 2800mm.

+ Tổng nhiệt độ năm: 8000°C.

Nguồn: Đề tài KHCN cấp tỉnh
 Bản in]
Các bài khác