Tại nhà riêng của Nguyễn Hữu Hoàng tại Phú Mỹ (Phú Vang), câu chuyện của chúng tôi cởi mở giữa không gian tràn ngập cổ vật của anh, với rất nhiều chủng loại.
Hơn 22 năm trước, Nguyễn Hữu Hoàng bắt đầu khởi nghiệp chỉ với chiếc xe đạp. Kiến thức về cổ vật chưa có, tiền cũng không rủng rẻng, anh rong ruổi khắp nơi đi tìm những đồ dùng độc đáo trong các gia đình, làng quê. Niềm đam mê ấy ngày càng lớn dần, kiến thức về cổ vật của anh cũng không ngừng được học hỏi, bồi đắp, nhờ đó mà đến nay Nguyễn Hữu Hoàng sở hữu hàng ngàn cổ vật độc đáo. Trong đó, anh ghi được dấu ấn riêng rõ nhất đối với giới sưu tầm cổ vật khi là cá nhân duy nhất từ trước đến nay từng sở hữu được bộ sưu tập trang phục cung đình triều Nguyễn lên đến hàng chục hiện vật. Năm 2012, Nguyễn Hữu Hoàng từng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức thành công cuộc trưng bày, triển lãm bộ trang phục cung đình triều Nguyễn tại Tả Vu (Đại Nội), gây ấn tượng mạnh với người thưởng lãm với 15 hiện vật gốc là hoàng bào, áo hoàng hậu, áo mã tiên của vũ công Bát dật trong dàn Nhã nhạc, áo thuộc trang phục tuồng, áo hoàng tử cùng một số áo đại triều của các quan và hoàng thân triều Nguyễn.
“Khi tôi giới thiệu những hiện vật này, nhiều người rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao tôi sở hữu được. Thậm chí, rất nhiều người nghi ngờ là những trang phục giả”, Nguyễn Hữu Hoàng nhớ lại.
Theo nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng, sở dĩ có sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng ấy là do thật không dễ để một người sưu tầm cổ vật gặp được loại trang phục của tiền nhân. “Có những người dành cả cuộc đời để sưu tầm cổ vật nhưng chưa từng một lần gặp được loại hiện vật là trang phục. Tôi may mắn gặp được nên tôi xem đó là cơ duyên của mình”, Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ. “Vậy nên anh muốn chia sẻ cơ duyên này với nhiều người trong kỳ Festival nghề truyền thống lần này?”. Nguyễn Hữu Hoàng cười nhẹ nhàng.
Tham gia Festival Nghề truyền thống Huế 2015 lần này, số hiện vật trình làng của Nguyễn Hữu Hoàng không phong phú như lần đầu tiên ở Tả Vu, nhưng mỗi trang phục cũng là mỗi câu chuyện thú vị về các vị chủ nhân lịch sử và hàm chứa những giá trị tinh thần sâu sắc. Trong số đó, có khoảng 3 - 4 hiện vật là áo đại triều – trang phục được các quan dùng trong những kỳ lễ lớn của năm; số còn lại là trang phục đi làm hằng ngày của các vị. Ngoài những chi tiết thể hiện cấp bậc chức tước, phẩm hàm của chủ nhân, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng sản phẩm của kỹ thuật dệt cài hoa của người xưa – một trong những tinh hoa của nghề Việt.
Theo Nguyễn Hữu Hoàng, dệt cài hoa trên trang phục cung đình triều Nguyễn là một trong những sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc, nay thuộc phường Vạn Phúc (Hà Nội). Đây là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng, có nhiều mẫu hoa văn và lâu đời bậc nhất Việt Nam. Tuy nhiên, với kỹ thuật dệt cài hoa theo kiểu người xưa, nay cũng đã bị thất truyền ngay tại làng nghề và không còn nơi nào khác thực hiện được nữa. Nguyễn Hữu Hoàng hy vọng bộ sưu tập lần này được trưng bày sẽ giới thiệu đến nhiều người hơn về những kỹ thuật dệt vải của người xưa, nhiều người sẽ hiểu hơn về trang phục của người xưa và trân quý những giá trị văn hóa lịch sử mà cổ vật thể hiện.
Festival Nghề truyền thống Huế năm nay, cùng không gian triển lãm với Nguyễn Hữu Hoàng còn có sự tham gia của nghệ nhân thêu Vũ Văn Giỏi (làng Đông Cứu, Thường Tín, Hà Nội), người từng giúp nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục chế thành công một số trang phục cung đình triều Nguyễn. Hy vọng, du khách sẽ có những trải nghiệm ấn tượng, đáng nhớ khi tham quan, thưởng lãm.