Hiệu ứng qua các kỳ Festival Nghề truyền thống
  
Trải qua 5 kỳ Festival Nghề truyền thống Huế (NTTH), nhiều sản phẩm du lịch độc đáo ra đời và hơn cả là sự hào hứng, nhập cuộc của người dân Huế và khách du lịch bốn phương.

Từ Festival NTTH 2005, người dân Huế và du khách bắt đầu làm quen và hào hứng chờ đợi sự xuất hiện trở lại của các kỳ festival tiếp theo. Nhiều làng nghề, nghệ nhân Huế tự tin thể hiện tài năng, thao diễn nghề và tạo ra nhiều sản phẩm mới, tinh xảo phục vụ khách. Cũng từ dấu ấn này, nghề thêu tay, chằm nón dần khẳng định thương hiệu và ngày càng mở rộng quy mô. 
        
Mặc dù để lại dấu ấn trong lòng du khách và người dân Huế ngay từ festival kỳ đầu tiên, song phải đến kỳ thứ hai với các nghề đúc đồng, chạm khắc và kim hoàn, thương hiệu của lễ hội này mới thực sự khẳng định và có sức lan tỏa rộng rãi. Lần đầu tiên các nghệ nhân cùng kíp thợ của cơ sở đúc đồng Nguyễn Văn Sính, Phường Đúc - Huế trưng bày và trình diễn những thao tác trong kỹ thuật đúc chuông Huế, với nghệ thuật chỉnh âm đặc sắc; nghệ nhân truyền thống của làng Trà Đông (làng Chè) Thanh Hoá, trình diễn những kỹ thuật đúc trống đồng Đông Sơn; các nghệ nhân của làng đúc đồng Ý Yên - Nam Định, nổi tiếng với tác phẩm Chùa đồng - Yên Tử vừa được thực hiện thành công, sẽ trình diễn những kỹ thuật đúc tượng độc đáo của mình.
 
Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế, Phó Trưởng ban thường trực, Ban tổ chức Festival NTTH 2015 cho biết: “Đến Festival NTTH lần thứ 2, thương hiệu của lễ hội này đã thực sự khẳng định và sức lan tỏa rộng khắp cả nước. Lần đầu tiên các nghệ nhân từ các làng nghề truyền thống đến từ Đồng Xâm (Thái Bình), Ý Yên (Nam Định), Đồng Kỵ (Ninh Bình), Kim Bồng (Hội An), Phước Kiều (Quảng Nam), Kế Môn, Phường Đúc, Mỹ Xuyên (Huế)... trình diễn các kỹ thuật chạm khảm độc đáo trên chất liệu gỗ, ngà, đồng, ngọc trai, xà cừ, vàng, bạc... Từ đó, nhiều sản phẩm du lịch độc đáo ra đời, mang đến cho du khách những điểm tham quan bổ ích”.
 
Nhiều sản phẩm du lịch ra đời
 
Không chỉ thành công ở khâu tổ chức, quảng bá thương hiệu làng nghề mà hàng chục cơ sở đã thành danh thông qua các kỳ festival. Nhiều làng nghề tưởng như mai một theo thời gian, đã sống dậy như gốm Phước Tích, mộc Mỹ Xuyên (Phong Điền); mây tre đan (Quảng Điền) hay nghề nón (Phú Vang); đúc đồng, kim hoàn (TP Huế)… Trong đó, một số làng nghề ở các tỉnh, TP đã gây được tiếng vang và ký kết nhiều hợp đồng giá trị sau khi tham gia lễ hội này. “Cái được lớn nhất khi tham gia Festival NTTH đó là quảng bá thương hiệu và ký kết nhiều hợp đồng cung ứng sản phẩm cho các đối tác lớn trong, ngoài nước. Cũng nhờ sự có mặt tại Festival NTTH năm 2013, năm 2014 tôi nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu sang các nước, cung ứng cho các TP lớn là Hà Nội, Hồ Chí Minh, Nha Trang với số lượng ngày càng nhiều”, chủ nhân sản phẩm hoa giấy làng Thanh Tiên - họa sĩ Thân Văn Huy chia sẻ.
 
Giám đốc Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam - Lê Thái Vũ hào hứng: “Sau Festival NTTH 2013, DN ký được hợp đồng lớn với một đối tác ở Đức và nhiều du khách trong nước về cung ứng sản phẩm lụa tơ tằm. Đây thực sự là cơ hội tốt để quảng bá thương hiệu và đưa sản phẩm lụa Quảng Nam đến gần hơn với du khách”.
 
Tịnh Tâm kim cổ và Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn - hai trong nhiều sản phẩm văn hóa - du lịch ra đời sau các kỳ Festival NTTH. “Tại Festival NTTH 2007, chứng kiến du khách thích thú khi trực tiếp xem thao diễn nghề kim hoàn, rồi cùng trải nghiệm các công đoạn tạo ra sản phẩm một cách mê mẩn và nhiệt tình nên chúng tôi trăn trở làm thế nào để tạo ra một không gian thao diễn và trưng bày sản phẩm kim hoàn phục vụ khách. Ý tưởng xây dựng Tịnh Tâm kim cổ ra đời từ đó”, nghệ nhân kim hoàn Trần Duy Mong, chủ nhân của Tịnh Tâm kim cổ chia sẻ. Khu nhà rường trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, kim hoàn, các loại đá quý cùng không gian thao diễn nghề hình thành trên khu đất 2.000m2 tại 278/2 Đinh Tiên Hoàng mở cửa đón khách, mang đến cho Huế một địa chỉ tham quan, mua sắm và thưởng ngoạn lý tưởng.
 
Sau Festival NTTH 2009 với 3 nghề gốm sứ, sơn mài và pháp lam, năm 2013 nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn xây dựng và khánh thành Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu triều Nguyễn - Bảo tàng tư nhân đầu tiên của Huế ở 114 Mai Thúc Loan, TP Huế. Nơi đây hội tụ nhiều cổ vật độc đáo mang đến cho du khách sự chiêm nghiệm và tìm hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa triều Nguyễn.

baothuathienhue.vn
 Bản in]