Nhạc lễ với tính chất cơ bản là nhạc đàn, xây dựng chính yếu trên hệ thống điệu thức Bắc có nhiều tiêu chuẩn của âm nhạc chuyên nghiệp, "cổ điển" và "dân ca" với tính chất cơ bản là nhạc hát, giọng điệu phát triển do nhiều nguồn tiếp thu, gắn liền với sinh hoạt nghệ thuật không chuyên trong dân gian, các điệu "Ca Huế" có một vị trí riêng cả về nguồn gốc và tính chất. Một số điệu ca Huế như "Phẩm tuyết", "Long ngâm", "Ngũ đối"... thực chất là những tiết mục nhạc lễ được đặt lời ca, mang âm hưởng điệu thức Bắc rõ rệt. Một số điệu như "Nam bình", "Nam ai", "Tứ đại cảnh" thì lại gần với một số câu hò, lý về âm điệu và điệu thức, có dấu vết ảnh hưởng của âm nhạc Chăm. Lời ca Huế, nói chung, không xây dựng trên cơ sở thơ 6-8 hoặc vè, mà lại gần như một thứ lời tự do (trong các bài ca gốc nhạc lễ), chứng tỏ phương pháp vận dụng ở đây là lối phổ lời (trên một điệu nhạc có trước), hoặc giống lối sắp đặt của "từ khúc" (một lối thơ tự do theo truyền thống cổ với mục đích để phổ nhạc lên thành bài hát) như các điệu "Nam ai, Nam bình, Tứ đại cảnh".
Về mặt khúc thức, các điệu ca Huế thường có qui mô lớn hơn và phức tạp hơn các điệu dân ca trong hình thức điển hình như bài "Hành vân", "Lưu thủy", hay "Tứ đại cảnh", nó thường gồm một số "sắp" (tức là những đoạn hoàn chỉnh) gắn bó nhau chặt chẽ, rất gần với cấu trúc "khai, thừa, chuyển, hợp" trong luật thơ cổ truyền.
Về mặt trình diễn, ca Huế luôn luôn đòi hỏi phần phụ họa của nhạc khí (ở đây chủ yếu là các đàn nguyệt [kìm], tỳ [tỳ bà], tam, tranh [thập lục], nhị [cò], và phách [sinh tiền]; về mặt này, nó giống với hình thức "Ca Trù" ngoài Bắc.
Như vậy, có thể nói, ca Huế là một thể loại nhạc hát mang nhiều yếu tố chuyên nghiệp "trí thức" về cấu trúc và phong cách biểu diễn. Nhưng về nội dung âm nhạc của nó thì bộ phận đặc sắc nhất lại chịu ảnh hưởng rõ rệt của hò, lý dân gian. Chính từ sự kết hợp hài hòa của hai luồng giao thoa đó đã làm cho ca Huế có một phong vị đặc biệt, không những thỏa mãn được yêu cầu thẩm mỹ của giới "quí tộc phong lưu", các sĩ phu phong kiến (ngày trước), mà còn được dân chúng hâm mộ.
Chính ca Huế, cùng với các điệu lý, hò đã tạo nên bộ mặt của nhạc Huế được biết đến rộng rãi ở ngoài Bắc cũng như trong Nam. Và cũng vì vậy, nên một thời gian nhạc Huế ở Bắc được gọi là "Ca Lý Huế".