Vè là làn điệu dân ca có nhạc điệu tương đối đơn giản; người ta hát “hát vè” và cũng có thể gọi là “nói vè” hay “kể vè”.

Đây là một loại hình kể chuyện bằng văn vần. Nếu các điệu hò, lý đi sâu vào nội tâm, có tính trữ tình cao, thì vè thiên về tự sự, đậm đà tính xã hội.

Với thể thơ lục bát, song thất lục bát hoặc tứ tự (bốn chữ) vè có thể kéo dài bao nhêu cũng được. Chính vì vậy mà một bài vè có thể ngắn khoảng mười câu cũng có thể dài đến vài ngàn câu.

Người kể vè thường là những nghệ nhân, đi từ nơi này đến nơi khác khắp thị thành, thôn xã, đem giọng hò của mình đến phiên chợ, những ngày hội làng mua vui cho đám đông. Nhạc cụ chính được dùng là đôi sứa làm bằng gốc tre già. Ngoài ra còn có thể có trống, đàn nhị hay sanh tiền. Kể vè là kiểu diễn xướng cá nhân, đòi hỏi trí nhớ tốt và giọng khoẻ, diễn cảm. Theo đà tự sự của vè, người kể dùng kỹ thuật ngân nga, thể hiện tình cảm buồn vui, có lúc gợi cảm, có lúc gây cười để lôi cuốn người nghe. Những bài vè ngắn thường mang tính chất nghị luận xã hội, đóng vai trò như một loại báo chí dân gian. Những bài vè kể chuyện lịch sử thường dài và có quy mô, có thể xem như một thứ sử truyền miệng của nhân dân: vè thất thủ Kinh Đô, vè thất thủ Thuận An, vè xin xâu...Dài nhất là những bài vè truyện, kể những tích truyện mang tính chất hư cấu, có thể xem là một loại tiểu thuyết bằng vần truyền miệng: vè Bạch Minh Xâu Đào, vè Mã Phụng Xuân Hương....

Vè nói ngược

Vè vẻ vè ve nghe vè nói ngược

Chim ăn dưới nước cá đẻ trên cây

Thuyền chèo côi bộ, ngựa chạy dưới sông

Gặp trộ mưa giông mối ra ăn gà

Cứ tài đàn bà đánh giặc thờ vua

Con tôm cắn cọng con cua

Cả bầy chuột nhắt chạy đua với mèo

Cá dù bẻ cổ con trâu

Trái bí trái bầu châm trả con ong

Cái kẻng thì kêu ò e

Ai mà chặt chuối dấu ghe

Chặt săn chặt súc làm ghe cho chìm

Ai mà vác xỉa bắn chim

Vác ná đâm cá đi tìm non cao?

 Bản in]