Dân ca trước hết bao gồm những điệu hay là những "giọng" hò. Có những điệu hò lao động như "hò khoan", "hò mái sắp" (còn gọi là "hò giã gạo"),... có tiết tấu nhịp nhàng và linh hoạt. Có những điệu hò trữ tình nổi tiếng của vùng sông Hương, đó là những điệu hò "Mái nhì", "Mái đẩy" có âm điệu vấn vương quấn quýt, có khúc thức phóng khoáng như con đò lơ lửng trên sông, nói lên tâm tình của con người sống giữa thiên nhiên hiền hoà, "thơ mộng". Các điệu lý là những dân ca có khúc thức hoàn chỉnh, giai điệu gọt giũa và cân đối, giống như những điệu điển hình trong hệ thống "Quan Họ". Nội dung các điệu lý rất gần với nội dung các câu ca dao tình tứ, đậm đà, duyên dáng: Lý Hoài Xuân, Lý Tử vi, Lý Tình Tang, Lý Năm canh... Khác với dân ca miền Bắc thường xây dựng trên thang 5 bậc thiên nhiên, ở các điệu lý cũng như trong một số điệu hò, ta thấy xuất hiện những biến âm rất đặc sắc. Ảnh hưởng của tiếng nói miền Trung hay là ảnh hưởng của các nhân tố nhạc Chăm? Dù sao, đã có những nhà nghiên cứu nêu lên đặc điểm của thang âm điệu hò "Mái đẩy", xa với thang 5 âm thiên nhiên quen thuộc, mà lại gần với loại thang 5 âm bình quân, một loại thang phổ biến trong âm nhạc dân gian Indonesia và cũng là loại thang âm, theo chúng tôi, rất gần với chuỗi âm có thể thấy ở một loại kèn trong âm nhạc Chăm. Khác với hò, lý có tính giai điệu hoàn chỉnh và điêu luyện, "kể vè" miền Trung, cũng giống như vè miền Bắc, thực chất có thể xem như một lối nói nhịp nhàng và âm điệu hoá, thích hợp cho lối diễn đạt tự sự để kể lại những câu chuyện có tình tiết, có đầu đuôi.
Hò, lý, vè hoàn toàn thuộc phạm trù nhạc hát - trong truyền thống, nó không yêu cầu có nhạc khí phụ hoạ - vận dụng chủ yếu trên lối thơ 6-8 và các biến thể của thơ 6-8, nguồn gốc dân gian của nó thật trong sáng.
Bên cạnh sự phát triển của làng nghề truyền thống với những thành tựu quý báu trong ngành tiểu thủ công mỹ nghệ dân tộc, bên những phong tục tập quán in dấu nhân sinh độc đáo của một vùng đất, bên những món ăn còn mang dấu ấn của cả văn minh Mường, văn minh Chàm và văn minh dân tộc Việt, bên phong vị rất riêng của nết ăn, nết ở kiểu người Huế... là một kho tàng văn nghệ dân gian, với những chuyện kể, câu đố, tuồng kịch... đặc biệt là sự nở rộ của các loại hình dân ca và kèm theo nó là những lời thơ dân gian: ca dao xứ Huế.