Hò giã gạo
  

Hò giã gạo là một hình thức sinh hoạt dân ca phổ rất biến ở nông thôn Thừa Thiên Huế. Không những chỉ được diễn xướng ở miền quê mà ngay tại Thành phố Huế trước đây người ta cũng thường tổ chức những cuộc hò giải thưởng với sự tham gia của nhiều nghệ nhân và đông đảo công chúng. Trường Ba Tuần, rạp hát nổi tiếng ở Huế đầu thế kỷ XX (nay là địa điểm của Đặng Ngọc Từ Đường) là một trong những nơi thường diễn ra những cuộc thi hò giã gạo lý thú nay vẫn còn trong ký ức của các bậc cao niên.

Như thế, mở đầu là một làn điệu dân ca nhằm phục vụ một sinh hoạt lao động nhất định (giã gạo) điệu hò đã dần thoát ly mục đích ban đầu của nó để trở thành một hình thức sinh hoạt văn nghệ thuần túy. Nhiều lúc ở quê, đến lúc giã hết gạo mà vẫn còn mê hò, người ta bỏ trấu vào cối giã, cốt có tiếng chày để làm nhịp.

Đây là loại hình dân ca được trình bày với bối cảnh công chúng đông đảo, có tiết tấu sôi nổi, cuốn hút, rất hấp dẫn với người diễn cũng như người nghe. Trên một sân gạch rộng, quanh vài ba cây cối gạo, những nghệ nhân (có thể trực tiếp cầm chày giã gạo hoặc không) hò theo nhịp chày. Phần họ hò gọi là phần “xướng”, ví dụ:

      Khoan khoan mời khoan lại hò... lờ

      Hò hô hố hô...

      Em nghe anh đau đầu chưa khá

      Em băng đồng chỉ sá, kiếm ngọn lá nọ về cho anh xông

      Công chúng xung quanh hò theo, phần hò theo gọi là hò “xô”.

      Hò hô hố hô... hò...

      Hò hô hô hò...

      Nghệ nhân hò tiếp phần “xướng”:

      Ở làm ri đây cho phải đạo vợ chồng

      Đổ mồ hôi ra em chặm, ngọn gió lồng em che

      Công chúng hò “xô” tiếp:

      Hò hô hố hô... hò...

      Hò hô...

Sức hút của hò giã gạo, một phần lớn đến từ sự gắn bó, giao lưu giữa người hò và người nghe, hay nói cho đúng, toàn thể những ai tham gia cuộc hò đều là người diễn xướng.

Một cuộc hò giã gạo thường được tổ chức theo trình tự sau:

Hò mời, hò chào: Đây là phần hò lúc mở cuộc. Người trong sân mời gọi những người còn ngập ngừng bên ngoài. Lời mời có khi bộc trực, bông đùa:

      Vô đây, mời bạn vô đây

      Vô đây bàn đặt ghế xây sẵn sàng

      Tội chi đứng xá ngồi đàng

      Sương sa muỗi cắn, cảm thương hàn ai nuôi?

      Có khi tình tứ nhắn gởi:

      Ngó vô trong cối gạo này

      Cả trai lực sĩ, cả gái thuyền quyên

      Chắc tui nho nhỏ vô duyên

      Không ai vô cầm chày giã gạo để kết nguyền trăm năm?

Khi đã tề tựu đông đủ, người ta chào, thắt chặt tình thân trước khi vào cuộc. Nếu là nữ thì lời chào thường nhỏ nhẹ, ý tứ:

Em mở lời chào, chào nam, chào bắc, chưa chắc chào ai

Chào người cân lứa, chào kẻ vừa vai

Ai có ân thâm nghĩa trọng thì lắng tai nghe chào.

Lời chào bên nam thường nghịch ngợm hơn:

Tôi tới đây xin mở lời chào anh em trai quân tử

Chào chị em gái thục nữ thuyền quyên

Chào rồi lại hỏi thăm riêng

Em ham vui tới nhởi, hay băng miền tìm ai?

Sau phần chào mời, hỏi han, đến phần thứ hai của buổi hò: hò đố, hò đối. Đây là phần thử thách trí tuệ. Lúc này bên cối giã gạo đã hình thành hai “phe”: bên nam và bên nữ. Họ bắt đầu đố nhau, thông thường bên nữ giữ vai trò chủ khảo, bên nam là thí sinh, và phần thưởng của cuộc thi được hứa hẹn thật hấp dẫn:

Em đố anh một trăm cái hố, cái hố chi không nước

Một trăm cái thước, cái thước chi không cây

Một trăm cái cây, cây chi không trái

Một trăm con gái, gái chi không chồng

Trai nam nhi giải đặng, gái má hồng xin dâng.

- Em ơi em một trăm cái hố, cái hố khoan không nước

Một trăm cái thước, thước thợ mã không cây

Một trăm cái cây, cây đờn không trái

Một trăm gái, gái tố nữ không chồng

Trai nam nhi giải được má hồng em đâu?

Có đề thi quá hóc hiểm, lúc đó các chàng trai đành vận dụng sự hóm hỉnh thông minh để vượt qua chỗ bí:

- Tiếng đồn anh hay chữ cho em hỏi đôi lời

Dưới dương gian có họ, côi ông trời họ chi

- Em nghiêng tai xuống đất, kêu cho đất ơi

Tới đây anh nói họ ông trời cho em nghe.

Nếu hò đố thử thách trí tuệ, thì hò đối là lối chơi chữ của dân gian, tìm những từ hình ảnh đối xứng nhau để tạo cảm quan thẩm mỹ, Ví dụ:

Anh ơi anh, con rắn không chân mà đi khắp rú

Con gà không vú, mà nuôi đặng chín mười con

Trai nam nhân anh đối đặng, em phải chịu hầu non già đời.

- Em ơi em, cây tiêu trên rừng răng kêu cây tiêu thọ

Cây chuối không tư tình, răng cây chuối nọ chảy con

Trai nam nhân đối đặng, hầu non mô nờ?

Sau hò đố, hò đối là phần tiếp theo: Hò đâm bắt. Như tên gọi, đâm bắt gợi lên hình ảnh về sự châm chọc, khiêu khích lẫn nhau. Bên nam và bên nữ, lúc này đã thành khá thân, bắt đầu đùa cợt lẫn nhau:

Nữ - Thân em như trái mãng cầu

        Ở trên hương án có hạc chầu lọng che

Nam - Thân anh như thể con dơi

          Bay qua liệng lại mà xơi mãng cầu

Nam - Con anh mới chết cứng đơ

          Chôn mô cũng chẳng được tới nhờ đất em

Nữ - Anh ơi, đất em là đất bác ái từ bi

        Chôn cha anh còn được huống hồ con anh

Nữ - Trái chín trên cây gió lay không rụng

        Thiếp xin cùng chàng: chộ cũng hơn ăn

        Đừng vin chớ hái lăng xăng

        Lỡ sa chân sẩy cẳng mà lăn xuống hào

Nam - Hai tay ôm hai bầu đại thọ

          Giữa vạt đất bằng anh cắm cây sào

          Trời xô không bổ, lẽ nào sa chân.

Phần cuối cùng, và cũng là phần hấp dẫn nhất, cuốn hút nhất của đêm hò giã gạo là hò nhân ngãi (còn gọi là hò ân tình). Tính chất giao duyên của hò giã gạo đậm nét nhất là ở phần này. Đây cũng là lúc gạo đã lần giã hết, trăng lên viên mãn giữa đỉnh trời, trai gái bây giờ đã biết tài nhau và đã quen hơi bén tiếng... Lời hò nhân ngãi thường trữ tình và lãng mạn, bộc bạch được mơ ước tình yêu của thanh niên nam nữ trong xã hội phong kiến ngày xưa.

- Hỏi em có nhớ hay không

Anh thương em từ thuở mẹ bồng trên tay

- Hỏi anh có nhớ hay quên

Thương anh từ thuở vịn phên đi lần.

- Em thương anh vô giá quá chừng

Trèo non quên mệt, ngậm gừng quên cay.

- Anh thương em tự nón đến quai

Thương trong lớp lá, thương ngoài đường may

Hai ta ơn trượng nghĩa dày

Dù xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngày mới xa.

Nếu ở phần hò đâm bắt, hai bên nam nữ đùa cợt có lúc suồng sã, tìm cách hạ nhau, dìm nhau để gây cười, thì đến phần hò ân tình, họ lại dành cho nhau những lời lẽ trân trọng nhất, thăng hoa nhất. Có lẽ đó mới là những tình cảm sâu sắc nhất trong lòng họ, những chàng trai, cô gái lãng mạn, đa tài, đã góp phần không nhỏ vào việc sáng tác hàng trăm ngàn câu ca dao tuyệt vời về tình yêu đôi lứa thông qua làn điệu hò giã gạo.

Trong hò ân tình, người ta có thể hiện hò nhiều lối, ví dụ: lối Kim Kiều (bên nam đóng vai Kim Trọng, bên nữ đóng vai Thuý Kiều), lối xa cách (hai bên nam nữ thủ vai đôi tình nhân xa nhau hát về nỗi buồn khi xa cách), lối đi Tây (thủ vai người chồng đi mộ phu cho Tây và người vợ ở nhà), ...

 Bản in]
Các bài khác