Dông, lốc, mưa đá
  

Dông là hiện tượng phóng điện (sấm chớp, sét) xuất hiện giữa các đám mây vũ tích (Cb), hoặc giữa các đám mây đó với mặt đất. Điều kiện để hình thành dông là sự phát triển mạnh mẽ của hiện tượng đối lưu trong những khối không khí có dung lượng ẩm cao. Sự hình thành dông phụ thuộc vào điều kiện nhiệt động lực và địa hình. Vì vậy, người ta thường phân biệt dông nhiệt và dông địa hình. Dông thường xuất hiện khi có không khí lạnh tràn về, dải hội tụ nhiệt đới ảnh hưởng hoặc gió mùa mùa hè từ phía tây thổi sang. Trong cơn dông có thể kèm theo gió mạnh, mưa rào, đôi khi có cả mưa đá.

Trung bình hàng năm ở Thừa Thiên Huế có từ 92 đến 124 ngày dông, nhiều nhất là ở thung lũng Nam Đông (124 ngày), ít nhất ở A Lưới (92 ngày) và ở Huế (101 ngày). Vùng thung lũng Nam Đông có số ngày dông nhiều nhất khu vực Trung Trung Bộ, nơi đây được xem là “Ổ dông” của miền Trung.

Dông thường bắt đầu xuất hiện từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 11 hàng năm, nhưng tập trung chủ yếu vào thời gian từ tháng 4 đến tháng 9. Tháng 5 xuất hiện dông nhiều nhất, với 18-19 ngày dông ở Huế và A Lưới, 23 ngày dông ở Nam Đông.

Biến trình năm của số ngày dông có hai cực đại, cực đại chính vào tháng 5 và cực đại phụ vào tháng 8 hoặc tháng 9. Tháng 1 và tháng 12 là thời kỳ ít dông nhất, riêng tháng 12 không quan sát thấy dông ở Thừa Thiên Huế.

Bảng 8.13. Số ngày dông trung bình tháng và năm

Trạm

Tháng

Năm

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

Huế

0,1

0,8

4,8

10,9

18,3

13,7

12,6

14,9

15,4

8,2

0,8

0

101

Nam Đông

0

1,5

6,8

16,6

22,7

19,6

17,7

16,8

14,4

6,6

0,8

0

124

A Lưới

0

1,4

6,9

15,8

16,6

11,3

10,6

12,1

12,3

4,5

0,8

0

92

Trong thời kỳ giao mùa, nhất là thời kỳ có gió tây khô nóng, mặt đất bị hun nóng mạnh mẽ, gây ra một vùng giảm áp, không khí xung quanh dồn vào tâm áp thấp, tạo thành một vùng xoáy có đường kính từ vài trăm mét đến vài kilômét, với sức gió lớn, kèm theo dông, mưa rào và đôi khi có mưa đá, hiện tượng đó gọi là lốc. Ở trên biển, trong trường hợp gió xoáy hình thành ở trên cao xuống mặt đất được gọi là vòi rồng.

Lốc là một loại thiên tai thường gây thiệt hại ra ở Thừa Thiên Huế sau lụt, bão. Mặc dù phạm vi ảnh hưởng không rộng như bão, nhưng sức gió trong lốc rất mạnh, đôi khi kèm theo mưa đá, gây thiệt hại đáng kể cho địa phương.

Ở Thừa Thiên Huế đã quan sát được nhiều cơn lốc, tập trung chủ yếu vào các tháng 4, 5, 7 và tháng 8.

Trong những năm gần đây, số cơn lốc xảy ra trên địa bàn Thừa Thiên Huế ngày càng gia tăng, nhất là vào những năm có hiện tượng El Nino như 1993, 1997, 2002, 2005.

Theo số liệu điều tra, từ năm 1993 đến nay, trung bình hàng năm có khoảng 4 cơn lốc xảy ra trên khắp địa bàn Thừa Thiên Huế. Một số nơi thường xảy ra lốc là A Lưới, Nam Đông, Phong Điền. Lốc thường xảy ra trong các tháng giao mùa khi có không khí lạnh tràn về vào tháng 4, tháng 5 và tháng 9. Cơn lốc mạnh nhất đã quan sát được ở A Lưới có sức gió 40m/s (cấp 13) vào ngày 7/4/1981, kèm theo mưa đá có đường kính lớn nhất là 5cm, gây thiệt hại đáng kể cho địa phương. Một số cơn lốc mạnh được ghi nhận như sau:

+ Ngày 28/12/1991, một cơn lốc mạnh xảy ra ở đầm Cầu Hai làm 10 người chết, 22 tàu thuyền bị chìm, thiệt hại 318 triệu đồng.

+ Năm 1997 ở Thừa Thiên Huế đã xảy ra 6 cơn lốc, trong đó có 2 cơn kèm theo mưa đá với đường kính lớn nhất là 5cm. Đáng chú ý là cơn lốc xảy ra ngày 25/9/1997 với sức gió cấp 10, tràn qua huyện Phú Vang và thành phố Huế gây thiệt hại 8 tỷ đồng.

+ Hai cơn lốc mạnh cấp 10 xảy ra vào ngày 27/3 và ngày 28/4/2005 tại hai huyện Nam Đông và A Lưới, gây thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.

+ Ngày 17/3/2012, tại A Lưới xảy ra một cơn lốc với sức gió giật 20m/s, kèm theo mưa đá với đường kính khoảng 1cm, làm nhiều nhà dân bị tốc mái, nhiều cây cối bị đổ sập.

Trong những năm gần đây, theo số liệu khảo sát được thì lốc, tố ở Thừa Thiên Huế không mạnh và thường xảy ra ở các huyện vùng đồng bằng.

Nguồn: Đề tài KHCN cấp tỉnh
 Bản in]
Các bài khác