Lăng mộ, Nhà thờ Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Khoa Đăng - Di tích lịch sử cấp Quốc gia
  
Mộ Nguyễn Khoa Đăng (Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế)
Mộ Nguyễn Khoa Đăng (Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế)

Địa điểm:

- Mộ Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Khoa Đăng tại nghĩa trang dòng họ Nguyễn Khoa ở thôn Tứ Tây, phường An Tây, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Nhà thờ Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Khoa Đăng thuộc thôn Tây Thượng, phường Phú Thượng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nguyễn Khoa Chiêm, sinh ngày 24 tháng 5 năm Kỷ Hợi (13/7/1659). Húy Sở tự Bảng Trung là con trai duy nhất của ông Nguyễn Khoa Danh và bà Lê Thị Am. Làm quan dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, được Chúa tin dùng, giao giữ nhiều trọng trách quan trọng trong triều đình: Câu kê kiêm tri bạ, Tham tán quân cơ Cai bạ phó đoán sự Tham chính chánh đoán sự… Khi về già xin về trí sĩ ở quê nhà, ông mất ngày 16/4/1736 tức 6 tháng 3 năm Bính Thìn, thọ 77 tuổi. Sau khi mất được chúa gia tặng Hiệp mưu đồng đức công thần, Đặc tiến khai phủ thượng trụ quốc, làm Tử vinh lộc đại phu, Đại lý tự thượng khanh, Thụy Thuần Hậu. Năm Khải Định thứ 10 (1925) sắc phong Dục bảo trung hưng linh phò tôn thần.

Ngoài sự nghiệp chính trị, ông còn để lại cho văn học Việt Nam tác phẩm “Nam triều công nghiệp diễn chí”, một tác phẩm truyện ký lịch sử, thuật lại quá trình khai thác xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn từ 1558 đến 1672.

Lăng mộ của Nguyễn Khoa Chiêm được đặt tại nghĩa trang dòng họ, mộ đặt theo hướng Nam, hình chữ nhật, vòng la thành dài 7,17m, rộng 4,08m, phần mộ (song táng cùng với vợ là Trần Thị Mận mất năm 1743) chiều dài 2,30, rộng 2,57, cao 0,44, trước mộ là tấm bia khắc chữ “Tham chính chánh đoán sự bảng trung hầu chi mộ”.

Nguyễn Khoa Đăng, sinh năm Tân Mùi 1691, con thứ hai của Nguyễn Khoa Chiêm. Năm 18 tuổi đã ra làm quan, được chúa Nguyễn Phúc Chu tin dùng thăng chức: Nội tán kiêm Án sát tổng tri quân quốc trọng sự. Nguyễn Khoa Đăng tính tình ngay thẳng, không nể sợ kẻ quyền thế. Khi chúa Nguyễn Phúc Chu qua đời (1725), ông đang dẹp phiến loạn ở Quảng Trị, Chưởng dinh Nguyễn Thế Cửu giả làm di lệnh của chúa triệu ông về, rồi sai người phục kích dọc đường giết ông ngày 29/4 năm Ất Tỵ (5/5/1725) lúc đó ông 34 tuổi.

Phần mộ của Nguyễn Khoa Đăng sau khi được cải táng (từ Quảng Trị, nơi ông mất) được chôn tại nghĩa trang dòng họ Nguyễn Khoa. Vợ ông là bà Phạm Thị Tý sau khi mất cũng được chôn cạnh mộ ông (mộ song táng). Lăng mộ quay hướng Nam, hình chữ nhật, dài 7,90m, rông 3,70m, cao 0,90m. Phần mộ xây hình vuông, mỗi cạnh 2,43m, trước mộ có tấm bia đá khắc chữ “Chính dinh nội tán kiêm án sát diên tường hầu chi mộ”.

Nhà thờ Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Khoa Đăng: Sau khi Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Khoa Đăng qua đời, dòng họ Nguyễn Khoa đã lập án thờ tại nhà thờ họ. Nhà thờ là một ngôi nhà ba gian hai chái, tường xây bằng gạch, bộ mái bằng gỗ, lợp ngói. Nhà thờ có chiều dài 13,20m, rộng 15,60m. Bao quanh nhà thờ có tường rào và trụ cổng, sau cổng là sân có bình phong cao 2,13m, và một lư hương cao 1,70m, đường kính 0,62m.

Di tích mộ và nhà thờ Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Khoa Đăng được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 57/QĐ-VH, ngày 18/1/1993 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)./.

 

 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối