Di tích Ưng Bình tại Châu Hưng Viên - Di tích lịch sử cấp tỉnh
  

SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ, ĐẶC ĐIỂM CỦA DI TÍCH

Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 - 1961) tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình. Ông sinh ra tại làng Vỹ Dạ, trong một gia đình hoàng tộc (danh gia vọng tộc), có truyền thống văn chương. Năm 1904, Ưng Bình tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, đỗ đầu kỳ thi Ký Lục; Năm 1909, đỗ cử nhân Hán học và bắt đầu con đường quan lộ. Từ Ký Lục, Ưng Bình được bổ làm Tri Huyện, thăng Tri Phủ, rồi lần lượt thăng Viên ngoại, Thị lang, Bố Chánh Hà Tĩnh, Tuần Phủ Phú Yên, Phủ Doãn Thừa Thiên. Năm 1932, Ưng Bình đã tích cực tham gia vận động thành lập Hội An Nam Phật học Trung Kỳ. Năm 57 tuổi (1933), Ông hồi hưu, được thăng hàm Thượng Thư Tri Sự. Lúc này tuổi đã lớn nhưng Ưng Bình vẫn tham gia tích cực các hoạt động văn hóa, xã hội, được cử giữ chức Hội Trưởng Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ Trung Kỳ (1939-1940), bầu làm Viện Trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ (1940-1945), nhằm tranh thủ quyền dân sinh dân chủ cho dân nghèo. Năm 1943, Ông được thăng Hiệp tá Đại học sĩ, lần lượt được bầu làm chủ soái Vỹ Hương Thi Xã (1933-1945) và Hương Bình Thi Xã (1951-1961) cho đến cuối đời.

Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một nhà thơ nổi tiếng của xứ Huế, Ông đã để lại cho đời gần 2.000 bài thơ chữ Việt và chữ Hán như: Tập thơ “Lộc Minh Thi Tập” gồm 227 bài (thơ chữ Hán), “Tình Khúc Giạ” (xuất bản 1942), “Bán buồn mua vui” (xuất bản 1954), “Đời Thúc Giạ” (xuất bản 1961), “Tiếng hát sông Hương” (xuất bản 1972), “Thơ ca tuyển” (xuất bản 1992).

Ưng Bình Thúc Giạ Thị còn được biết đến là nhà soạn tuồng tài ba. Tác phẩm được nhắc đến nhiều nhất của Ông là vở tuồng “Lộ địch”. Vở “Lộ địch” được coi là mẫu mực của việc chuyển biên một tác phẩm sân khấu Châu Âu sang sân khấu truyền thống Việt Nam. Không chỉ là nhà thơ, nhà soạn tuồng nổi tiếng, Ưng Bình còn là người có công lao to lớn trong việc hình thành và phát triển ca Huế thính phòng. Nhờ những sáng tác, những làn điệu hò ca Huế của Ông mà sinh hoạt ca Huế của người dân xứ Huế trở nên đặc sắc và được duy trì và phát triển cho đến ngày nay.

Tác phẩm của Ưng Bình có mặt khắp nơi, từ câu hò giã gạo ở các làng quê đến những buổi ca Huế thính phòng sang trọng hay chương trình ca Huế trên sông Hương, đâu đâu người ta cũng nghe đi nghe lại đến thuộc lòng như một trong những bản sắc riêng biệt của xứ Huế.

Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một con người tài hoa, Ông đã kết hợp nhuần nhuyễn dòng văn chương bác học với dòng văn học dân gian để cho ra những tác phẩm những câu hát, điệu hò được in đậm trong tâm hồn người Việt. Với tác phẩm tuồng “Tào lao” một vở tuồng xưa được chuyển thể thành 21 làn điệu dân ca Huế.

Năm 1933, sau khi rời chốn quan trường Ưng Bình mua lại mảnh vườn với diện tích 4 sào 7 thước để xây dựng Châu Hương Viên, gồm các công trình ngôi nhà chính 3 gian 2 chái, với tâm nguyện xây dựng nơi đây thành nơi dưỡng già. Lúc đầu, Ông cho xây dựng một ngôi nhà rường ba gian hai chái, về sau Ông cho xây dựng thêm một số công trình như: Lộc Minh Đình, Bình phong, sân vườn, bến nước, cổng và đường dẫn vào ngôi nhà. Tất cả công trình trên nằm trong một khu vườn rộng lớn, tĩnh mặc bên bờ sông Hương với tên gọi là Châu Hương Viên (hay vườn Châu Hương).

Châu Hương Viên là công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử văn hóa, tọa lạc ở thôn Vĩ Dạ, nơi Ưng Bình Thúc Dã Thị sống trọn cuộc đời với thi ca. Toàn bộ công trình được miêu tả: “Từ cổng vào mấy chục thước, giữa đám cây xanh, ẩn hiện một tòa nhà ngói, không tráng lệ nguy nga, nhưng đầy ý thơ dấu cổ, với sân lát bến xây, tường hoa non bộ; bên trong thi viện sách, hiên đàn, lầu thơ, đài Phật, hoành phi, câu đối, sập gụ, ghế bành”.

Cũng trong thời gian sống tại Châu Hương Viên, Ưng Bình Thúc Giạ Thị cùng một nhóm “thi hữu tri giao” lập ra ở chốn đình lưu, gọi là “Lộc Minh Đình”, một thi đàn đặt tên là “Vỹ Hương Thi Xã” do Ông làm chủ soái; đến năm 1950, được đổi tên là “Hương Bình Thi Xã”.


GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, KHOA HỌC THẨM MỸ CỦA DI TÍCH

Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một con người tài ba, với sở trường về nhiều thể loại: Thơ chữ Hán và chữ Quốc ngữ, tuồng và Ca Huế, thể loại nào cũng nhuần nhuyễn yếu tố nghệ thuật bác học với dân gian. Nhiều câu hò của Ông đã thấm sâu vào lòng người một cách tự nhiên và trở thành câu hò dân gian phổ biến cả trong nước lẫn nước ngoài.

Ưng Bình Thúc Giạ Thị với sự nghiệp văn chương đồ sộ, nhất là công lao trong việc hình thành bộ môn nghệ thuật Ca Huế, quả thực đã đi vào trái tim của nhiều thế hệ qua dòng lịch sử văn học Việt Nam, từ buổi giao thời tân cựu cho đến ngày nay. Chính sức sống và sự phát triển của Ca Huế từ đó đến nay, mà nghệ thuật Ca Huế đã được các cơ quan chức năng quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị; với Hội thảo khoa học do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) tổ chức tháng 9/2015; Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tổ chức ngày 7/10/2011 tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh và 50 năm ngày mất của danh nhân văn hóa Ưng Bình Thúc Giạ Thị; ngoài ra, Ca Huế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, tại Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08/6/2015.

Châu Hương Viên là địa điểm ghi dấu về Ưng Bình, một địa chỉ văn hóa Huế, đặc biệt đối với những nghệ sĩ và người yêu Ca Huế. Chính nhờ những vị quan, nghệ sĩ có tấm lòng yêu dân, yêu nước mà nghệ thuật truyền thống của cha ông ta mới được bảo tồn và phát huy cho tới nay. Ưng Bình Thúc Giạ Thị viết tuồng không chỉ để diễn, mà quan trọng hơn, để đem đến cho người xem một thông điệp lớn hơn về tư tưởng, đẹp hơn về thẩm mỹ và sâu hơn về tính nhân văn. Một Thi Ông có tiếng của làng Nho nước nhà, mà trong giới tao nhân mặc khách từ trong Nam cho đến tận ngoài Bắc không ai không nghe danh và biết tiếng.  

Để ghi nhận những đóng góp của Ông đối với văn hóa Huế nói chung, đặc biệt là Ca Huế nói riêng, trong dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Ưng Bình (1877 - 1997), chính quyền thành phố Huế đã đề xuất lấy tên Ông đặt tên đường phố. Ngày 03/8/2001 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra Quyết định số 1849/2001/QĐ-UB về việc đặt tên đường ở thành phố Huế, theo đó con đường nối từ điểm đầu đường Nguyễn Sinh Cung đến điểm cuối gặp bờ sông Hương (băng qua Cồn Hến) có chiều dài 450m rộng 7m với tên gọi là Ưng Bình.

Di tích lịch sử Ưng Bình tại Châu Hưng Viên - phường Phú Thượng, thành phố Huế được công nhận là di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân) cấp tỉnh theo Quyết định số 3331/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 26/12/2019./.

Ghi chú: Theo Nghị quyết 175/2024/QH15 ngày 30 tháng 11 năm 2024 của Quốc Hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương ; Theo Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 ngày 30 tháng 11 năm 2024 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 – 2025. Từ 1/1/2025 địa danh Châu Hưng Viên - phường Phú Thượng, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế được đổi tên Châu Hưng Viên - phường Phú Thượng,quận Thuận Hóa, thành phố Huế.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối