Trần Nhân Tông
  

1. Vị trí con đường

Đường Trần Nhân Tông nằm trên địa bàn phường Tây Lộc, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Nguyễn Trãi đến đường Trần Khánh Dư, dài 368m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Nguyên vùng này là xứ ruộng thấp, năm 1960 san lấp để xây dựng khu dân cư mới, nhân đấy mà mở đường. Từ năm 1995 trở về trước là đường Lê Ngã. Tháng 6/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Trần Nhân Tông.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Trần Nhân Tông (Mậu Ngọ 1258 - Mậu Tuất 1308) là miếu hiệu của ông vua thứ III nhà Trần, tên thật là Trần Khâm, còn có tên Nhật Tôn, Phật Kim, anh hùng hai lần đánh Nguyên Mông (năm 1285 và năm 1288), đồng thời là nhà Phật học đứng đầu Trúc Lâm Tam Tổ, sáng lập ra phái Thiền tông Yên Tử. Ông là người cực kỳ thông minh, biết nhìn thế cuộc. Ngày 22 tháng 10 năm Mậu Dần, Bảo Phù thứ 6, 1278, ông lên ngôi, ít lâu sau quân Nguyên Mông xâm lược nước ta, ông cùng các đại thần ra sức chấn chỉnh việc nước, đánh bại kẻ thù. Triều đại ông nổi bật tinh thần đại đoàn kết, hai lần mở hội nghị "dân chủ" là Hội nghị Bình Than (tháng 6/1282) và Diên Hồng (tháng 12/1285). Năm 1293, ông nhường ngôi cho con tức Trần Anh Tông, ông làm Thái Thượng hoàng cùng coi sóc chính trị. Năm Giáp Ngọ, 1294, vua Trần Nhân Tông xuất gia ở núi Vũ Lâm, nơi có thung lũng hẹp của xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đến 1299, ông lên núi Yên Tử ẩn tu, lấy pháp hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, khai sáng Thiền Tông phái Yên Tử, cũng gọi là Trúc Lâm Yên Tử. Từ đấy, nhân dân gọi ông là Trúc Lâm Đại Đầu Đà hoặc Điều Ngự Giác Hoàng. Ông là vị Tổ thứ nhất Trúc Lâm Yên Tử. Năm 1301, ông vân du miền Nam qua nước Chiêm Thành, trú tại thành Đồ Bàn của vua Chế Mân, và hứa gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân, để ít năm sau Anh Tông thực thi ý đồ ấy và lấy về cho Đại Việt đất hai châu Ô, Lý. Ông mất năm 1308, hưởng dương 50 tuổi. Ông để lại các tác phẩm: Thiền lâm thuyết chủy ngữ lục, Tăng già thoái sự, Thạch Thất mị ngữ, Đại lương hải ấn thi tập, Trung hưng thực lục, Trần Nhân Tông thi tập, Khoá hư lục, và một số bài thơ chữ Hán... Người đời thường tâm đắc nhắc đến hai câu thơ ông làm năm 1288: "Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã. Sơn hà thiên cổ điện kim âu" (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá. Non sông nghìn thuở vững âu vàng). Dưới thời nhà Nguyễn, ông được phối thờ ở miếu Lịch Đợi Đế Vương.

 Bản in]