Trần Cao Vân
  

1. Vị trí con đường

Đường Trần Cao Vân nằm trên địa bàn hai phường Vĩnh Ninh và Phú Nhuận, về phía Nam sông Hương, khởi đầu từ đường Hai Bà Trưng, qua ngã tư các đường Hà Nội, Phạm Hồng Thái, Hoàng Hoa Thám, Hùng Vương đến đường Đội Cung (tiếp giáp ngã năm giao nhau của các đường Bến Nghé, Nguyễn Thái Học, Võ Thị Sáu), dài 860m. Đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến đường Hà Nội lưu thông một chiều đoạn còn lại lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường được hình thành vào giữa cuối thế kỷ 19, cùng thời với việc người Pháp xây dựng Tòa Khâm sứ tại Huế, đến năm 1903 sát nhập vào thành phố. Đầu thế kỷ 20 người Pháp gọi Đại lộ Sứ Quán (Avenue de la Légation). Từ năm 1945 trở về trước là đường Amiral Courbet (Rue Amiral Courbet). Sau năm 1956 đổi, đặt lại tên mới là đường Trần Cao Vân cho đến ngày nay.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

 

Trần Cao Vân (Bính Dần 1866 - Bính Thìn 1916): lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Duy Tân, quê ở làng Tư Phú, xã Đa Hoàng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Lúc nhỏ có tên Trần Công Thọ, đi thi lấy tên Trần Cao Đệ, qui y lấy pháp danh Như ý, biệt hiệu Hồng Việt, Chánh Minh, Bạch Sĩ, khi hoạt động chống Pháp mới đổi tên thành Trần Cao Vân. Ông là người thông minh, học giỏi nhưng đi thi không đỗ nên bỏ luôn cử nghiệp, quyết dấn thân vào công cuộc cứu nước. Năm 1886, ông vào tu tại chùa Cổ Lâm, rồi mở trường dạy học nhằm chiêu tập chiến hữu. Năm 1892, ông mở rộng địa bàn hoạt động vào Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Năm 1898, cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ ở Phú Yên (do ông làm cố vấn) thất bại, ông bị bắt giam một thời gian. Sau ra tù được hai năm lại bị Pháp bắt nhốt ngục nhà lao Bình Định vì tội soạn "Trung Thiên Dịch", "Yêu thơ yêu ngôn" xúi nhân dân nổi loạn, sau đưa về giam ở Quảng Nam, đến 1907 mới được thả tự do. Năm 1908, phong trào Duy Tân lên cao, Pháp qui tội cho ông nên lại bắt đày ra Côn Đảo, đến 1914 mới được phóng thích. Năm 1915, ông và các đồng chí thành lập "Việt Nam Quang Phục Hội". Theo chương trình của Hội, cử Thái Phiên liên lạc với vua Duy Tân tổ chức khởi nghĩa đánh Pháp. Vua Duy Tân tán thành kế hoạch khởi nghĩa vào tháng 5/1916. Kế hoạch khởi nghĩa tại Huế bị bại lộ, ông và vua Duy Tân cùng các đồng chí bị Pháp bắt, vua bị đày đi Châu Phi, ông và các đồng chí bị thực dân Pháp đưa ra xử chém tại An Hoà ngày 17/5/1916. Thi hài ông và Thái Phiên chôn tại bãi chém. Vào năm 1925, bà Trương Thị Dương, người làng Tân Điền, Hải Lăng, Quảng Trị, là đồng chí của Hội đã bí mật lấy di cốt ông đưa về song táng cùng Thái Phiên tại đồi Từ Hiếu xã Thủy Xuân, nay thuộc thành phố Huế. Năm 1990, khu lăng mộ của hai ông đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngoài một chiến sĩ, ông còn là tác giả công trình nghiên cứu về Kinh Dịch gọi là "Trung Thiên Dịch", và một số bài thơ chữ Hán, xin chép ra đây bài "Vịnh Tam Tài" nói lên chí hướng hoài bão của ông: "Trời đất sinh ta có ý không? Chưa sinh trời đất có ta trong. Ta cùng trời đất ba ngôi sánh, Trời đất in ta một chữ đồng. Đất nứt ta ra trời chuyển động, Ta thay trời mở đất mênh mông. Trời che đất chở ta thong thả, Trời đất ta đây đủ hoá công". Hội Chữ thập đỏ Thừa Thiên Huế, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (địa điểm Trường Jean d’Arc cũ, sau 1976 là Trung tâm bồi dưỡng giáo viên, rồi Trường thực nghiệm cải cách giáo dục), Trung tâm Y tế học đường, Đoàn An điều dưỡng 40 Huế-Bộ Quốc phòng, Làng du lịch Festival, Công an Tỉnh nằm trên đường này.


Đường Trần Cao Vân

 Bản in]