Thái Phiên
  

1. Vị trí con đường

Đường Thái Phiên nằm trên địa bàn hai phường Tây Lộc và Thuận Lộc, phần chính thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Lê Duẩn (ngoài cửa Chánh Tây), chạy qua ngã tư các đường Trần Quốc Toản, Nguyễn Trãi, Trần Nhật Duật, Phạm Đình Hổ đến đường Mang Cá, dài 1275m. Phía trong thành đường lưu thông hai chiều, ô tô loại lớn không được ra cửa này. Phía ngoài vào xe tải nặng cấm qua cửa Chánh Tây.

2. Lịch sử con đường

Đường được hình thành từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Kinh thành Huế (riêng đoạn từ trước nhà thờ Tây Linh đến đường Mang Cá, dài khoảng 400m, được mở tiếp sau năm 1960). Từ năm 1955 trở về trước thường gọi là đường Chánh Tây (lấy tên cửa Chánh Tây). Sau năm 1956 đặt tên mới là đường Thái Phiên cho đến ngày nay.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Thái Phiên (Nhâm Ngọ 1882 - Bính Thìn 1916) là nhà yêu nước chống Pháp thời cận đại, có hiệu là Nam Thạnh, Cô Đà Nam Xương, quê ở làng Nghi An, xã Hoà Phát, nay thuộc Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng. Thuở nhỏ, ông học chữ Hán, sau theo Tây học, rồi đi làm thuê cho nhà thầu khoán Le Roy, người Pháp ở Đà Nẵng. Năm 1903, ông tham gia phong trào Duy Tân, Đông du với cụ Phan Bội Châu. Năm 1908, ông tham gia phong trào chống thuế ở Trung Kỳ, bị khủng bố, ông thoát khỏi nanh vuốt của giặc. Năm 1913, ông liên lạc được với các đồng chí ở tổ chức cơ sở Việt Nam Quang Phục Hội tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Từ đấy ông và Trần Cao Vân trở thành đôi bạn thân thiết, và đồng lòng quyết chí tìm cách tiếp xúc với vua Duy Tân, trình bày kế hoạch tổ chức khởi nghĩa tại Huế. Đầu năm 1916, nhờ những đồng chí của mình, hai ông đã gặp được vua Duy Tân, nhà vua tán thành kế hoạch lật đổ Pháp. Kế hoạch khởi nghĩa sẽ nổ ra vào lúc 1 giờ sáng ngày 03/5/1916. ủy ban khởi nghĩa do Thái Phiên và Trần Cao Vân làm lãnh tụ, cùng nhiều đồng chí khác. Nhưng kế hoạch khởi nghĩa bị tiết lộ, vua Duy Tân cùng Thái Phiên, Trần Cao Vân và nhiều người nữa bị quân Pháp bắt. Ngày 17/5/1916, Thái Phiên và các đồng chí của ông bị thực dân Pháp đem ra xử tử tại bãi chém An Hoà, Huế. Thi hài ông cùng Trần Cao Vân nằm tại bãi chém. Để tránh sự phát hiện truy sát của thực dân Pháp, năm 1925, bà Trương Thị Dương, người làng Tân Điền, Hải Lăng, Quảng Trị, là đồng chí của Hội đã bí mật đưa di cốt ông và Trần Cao Vân về song táng tại đồi Từ Hiếu, xã Thủy Xuân, nay thuộc thành phố Huế. Năm 1990, khu lăng mộ hai ông đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Sự hy sinh oanh liệt của ông khiến nhiều người xúc động mà tỉnh ngộ. Cụ Phan Bội Châu đau lòng khóc thương ông bằng một bài thơ: "Bảy thước thân trai trả nợ đời, Tinh thần xu xác một mà hai. Trong vòng lòng chậu không chim cá, Trước mắt non sông có bể trời. Cây cỏ biếc đem giây máu nhuốm, Ruột gan hồng cậy tấm trăng soi. Chúng ta vẫn cùng dòng Hồng Lạc, Xin hỏi Nam Xương có mấy ai?" Đình cổ làng Phú Xuân, Chùa Tây Lộc, Nhà thờ giáo xứ Tây Linh (xây dựng năm 1962), Trường Tiểu học số 1 Thuận Lộc nằm trên đường này.

Một góc đường Thái Phiên

 

 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối