Pháp lam
  
Pháp lam (hay đồ đồng tráng men) là những sản phẩm được làm bằng đồng hoặc hợp kim đồng, trên bề mặt được tráng men trang trí để tăng giá trị thẩm mỹ. Các sản phẩm pháp lam chủ yếu phục vụ cung đình và các gia đình quyền quí. Pháp lam có từ châu Âu và phát triển rực rỡ từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII. Sau này du nhập vào Trung Quốc, Nhật Bản.
Ở Việt nam, kỹ nghệ này du nhập vào đầu thế kỷ XIX, thời vua Minh Mạng (năm 1827). Bấy giờ, có một nhóm thợ vẽ ở Nội Tạo, cơ quan chuyên việc vẽ vời, trang trí trong cung Nguyễn, học được nghề làm pháp lam từ Trung Hoa. Pháp lam Huế thật sự độc đáo với những mảng phù điêu, tranh lớn trang trí cho công trình, màu sắc tươi tắn, cường độ mạnh với các tông màu bổ trợ, tương phản do những nghệ nhân Việt Nam thực hiện đầy sáng tạo và biểu cảm.
 
 
Đến thời kỳ vua Tự Đức, trang trí pháp lam Huế dần bị thất truyền. Từ lúc khai sinh đến khi thất truyền, chỉ hơn 60 năm. Nhưng di sản pháp lam còn lại trên mảnh đất cố đô Huế khá đồ sộ, phong phú về số lượng; đa dạng về loại hình và kiểu thức.
 
 
Hiện ở Huế có nhiều nhóm nghiên cứu phục chế Pháp lam, tuy cách thức, công nghệ và đạt những mức độ thành công khác nhau song bước đầu đã đáp ứng công tác trùng tu di tích, hơn thế nữa đã ứng dụng vào một số sản phẩm phục vụ tiêu dùng, trang trí và quà tặng cao cấp.

TT Festival Huế
 Bản in]
Các bài khác