Di tích lịch sử (Lưu niệm sự kiện) đồng chí Hoàng Anh
  
Di tích lịch sử (Lưu niệm sự kiện) đồng chí Hoàng Anh tại xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận là di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh theo Quyết định số 1226/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 04/6/2018.

1. VÀI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA ĐỒNG CHÍ HOÀNG ANH

Đồng chí Hoàng Anh, sinh ngày 10/02/1912 tại làng Phò Ninh, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế trong một gia đình nông dân. Lớn lên đồng chí được bố mẹ cho đi học, nhưng do nhà nghèo nên chỉ học hết bậc Tiểu học. Chứng kiến những cảnh bất công diễn ra hàng ngày trong xã hội, với những kiến thức được học, đã nhen nhóm trong tâm trí của cậu học trò nghèo Hoàng Anh tinh thần yêu nước, căm ghét quân xâm lược

Đầu năm 1933, Hoàng Anh cùng với “Nhóm thanh niên sông Bồ” đã tích cực, hăng hái tham gia nhiều hoạt động yêu nước, lãnh đạo nông dân đấu tranh chống hãng dầu tràm F.I.A của Pháp muốn độc chiếm vùng đồi núi của tổng Phò Ninh để trồng cây tràm; đấu tranh chống cường hào chiếm ruộng đất công; chống quân cấp điền thổ không công bằng; tham gia hoạt động cứu đói trong tỉnh; chống các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, góp phần bảo vệ tình đoàn kết bà con trong họ tộc. Hoạt động của “Nhóm thanh niên sông Bồ” được mở rộng, nhiều bà con trong vùng tin tưởng, yêu mến

Năm 1936, Đồng chí Hoàng Anh bắt được liên lạc với Đảng vào lúc phong trào Dân chủ (1936-1939) bắt đầu phát triển mạnh, đồng chí đã tích cực tham gia và trở thành một trong những hạt nhân tiêu biểu của Đảng trong phong trào Mặt trận bình dân, chống thuế, đòi dân chủ ở Thừa Thiên Huế (1936-1939).

Năm 1937, đồng chí Hoàng Anh được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương và là một trong số 3 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Nam Phong Điền vừa thành lập (gồm đồng chí Phạm Oanh (là Bí thư Chi bộ), Phạm Tế và Hoàng Anh).

Tháng 10/1938, đồng chí Hoàng Anh cùng nhiều đồng chí lãnh đạo như Hoàng Tiến, Hoàng Thái, Trần Lưu, Nguyễn Thái, Phạm Tế bị địch bắt giam. Tháng 3/1939, sau 6 tháng bị địch giam cầm,  đồng chí Hoàng Anh được trả tự do.

Cuối tháng 9/1939, đồng chí Hoàng Anh bị địch bắt lần thứ hai.

Từ tháng 9/1939 đến tháng 5/1945, đồng chí Hoàng Anh đã bị giam cầm ở những nhà lao khét tiếng tàn ác và khắc nghiệt thời đó như: Lao Bảo, Buôn Mê Thuột, Đắk Tô (Kon Tum)…Tháng 5-1945, đồng chí ra tù về hoạt động ở Thừa Thiên, được cử vào Thường vụ Việt minh tỉnh, rồi làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên.

Sau Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, đồng chí làm Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Thừa Thiên.

Giữa năm 1948, đồng chí Hoàng Anh được phân công thay mặt Liên khu ủy Khu IV phụ trách 3 tỉnh Bình Trị Thiên và làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (thay đồng chí Nguyễn Sơn), đồng thời kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh.

Năm 1950, đồng chí được bầu vào Thường vụ Liên khu ủy IV, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu, được phân công phụ trách 3 tỉnh Bình Trị Thiên về mặt Đảng và Chính quyền. 

Tại Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ II của Đảng (năm 1951), đồng chí Hoàng Anh được bầu vào Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cùng lúc này đồng chí được Trung ương điều động ra Liên khu IV, nhận công tác mới.

Từ giữa năm 1954 đến năm 1958, đồng chí được phân công tham gia Quân ủy Trung ương, phụ trách công tác đình chiến, rồi được cử làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, năm 1956 được phân công kiêm Chủ nhiệm Ban Thể dục Thể thao Trung ương.

Năm 1956, đồng chí được bầu Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cuối năm 1958, được cử vào Ban Bí thư Trung ương Đảng, được phân công làm Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tại Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ III của Đảng năm 1960, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban Bí thư Trung ương Đảng, làm Chủ nhiệm Văn phòng Tài chính Thương nghiệp Phủ Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính. 

Từ năm 1965 đến năm 1974, đồng chí làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, rồi làm Bộ trưởng Nông nghiệp và Chủ nhiệm Văn phòng Nông nghiệp Phủ Thủ tướng, tham gia Thường vụ Hội đồng Chính phủ Bí thư Khu ủy, kiêm Chính ủy Quân khu Trị Thiên.  

 Năm 1974 - 1976, đồng chí là Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách khối Nông nghiệp. Tháng 6/1976, đồng chí được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được phân công làm Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Tài chính.

Đến năm 1986, đồng chí được nghỉ công tác theo chế độ (nghỉ hưu).

Trải qua nhiều cương vị, nắm giữ nhiều vị trí quan trọng của Đảng và Nhà nước như; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa II, III, IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa II, khóa III; Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII… Dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, là người đảng viên Cộng sản kiên trung, gương mẫu, hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân; nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Với công lao và đóng góp cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, đồng chí Hoàng Anh đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.

Ngày 10/5/2016 đồng chí từ trần, hưởng thọ 104 tuổi.

2. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, KHOA HỌC, THẨM MỸ CỦA DI TÍCH

Địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Anh là nơi ghi dấu, tri ân về công lao và những đóng góp to lớn của ông cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng ta. Nơi đây, gắn liền một thời tuổi thơ vất vả với biết bao kỷ niệm về tình làng nghĩa xóm, thương yêu đùm bọc nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn; là nơi gắn liền với những hoạt động sôi nổi của chàng thanh niên đầy nhiệt huyết yêu nước Hoàng Anh trước khi giác ngộ đi theo con đường cách mạng. Chính mảnh đất quê hương Thừa Thiên Huế này là cội nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, nơi hình thành nhân cách, lý tưởng của một chiến sĩ cộng sản trung kiên.

Những hình ảnh, hiện vật và tài liệu phong phú, tiêu biểu được trưng bày tại ngôi nhà phần nào tái hiện chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của một người Cộng sản, một bậc lão thành cách mạng, một người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, với tinh thần yêu nước, chàng thanh niên Hoàng Anh đã dấn thân vào con đường cách mạng, để rồi được sự dìu dắt, giáo dục, bồi dưỡng của Đảng, được tôi luyện trong lò lửa của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, trong bão táp cách mạng ở quê hương, đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, của Nhà nước.

Địa điểm lưu niệm là bằng chứng lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Anh, một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào đấu tranh cách mạng huyện Phong Điền và tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt trong thời kỳ từ năm 1936 đến năm 1954. Vì thế, đây là địa điểm giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất, lòng tự hào của dân tộc, một trong những địa chỉ đỏ về hoạt động giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng và sinh hoạt văn hóa cho các thế hệ người dân ở địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nơi đây, hàng năm thường diễn ra các buổi sinh hoạt văn hóa của cán bộ và tuổi trẻ ở địa phương; là một trong những địa chỉ thu hút các hoạt động ngoại khóa về lịch sử của học sinh trên địa bàn của huyện Phong Điền theo chương trình Trường học thân thiện, học sinh tích cực; là điểm tổ chức hoạt động khuyến học, phát học bổng của Quỹ khuyến học Hoàng Anh cho các học sinh nghèo vượt khó ở địa phương…

Địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Anh là di tích lịch sử mang ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn; thể hiện tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đối với công lao to lớn của đồng chí Hoàng Anh, là biểu hiện cao đẹp của truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam; đồng thời nhắc nhở mọi người dân, đặc biệt thế hệ trẻ hôm nay luôn nhớ đến những gian khổ,  hy sinh, những công lao, cống hiến to lớn của các thế hệ cha ông trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc để có được cuộc sống độc lập, tự do và hạnh phúc của ngày hôm nay.

Cùng với hệ thống di tích lịch sử trên địa bàn huyện Phong Điền, như lăng mộ Đặng Huy Trứ, Đặng Văn Hòa, Nhà thờ và Lăng mộ Nguyễn Tri Phương, lăng mộ Trần Văn Kỷ, lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Lộ Trạch, đình Hiền Sĩ, địa điểm In bạc Tài chính cụ Hồ năm 1946… Địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Anh góp phần làm giàu thêm truyền thống yêu nước, lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của vùng đất Phong Điền, đặc biệt trong giai đoạn chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; làm tăng thêm tính sinh động, phong phú và đa dạng của loại hình di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn Thừa Thiên Huế và mãi là nơi giáo dục truyền thống truyền thống yêu nước cách mạng của cha ông cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 Trang kế Trang cuối  

Du lịch

Dịch vụ