Trong ẩm thực của Việt Nam, kẹo không có nhiều. Huế là vùng đất kinh kỳ, nhưng kẹo cũng chỉ có ở mức độ vừa phải.
Loại kẹo truyền thống phổ biến trước đây là kẹo cau, kẹo gừng, kẹo búa, kẹo gương, kẹo đậu phộng… và nổi tiếng hơn hết là kẹo mè xửng.
Kẹo cau trông giống miếng cau bổ sáu, phần trong trông như nhân hạt cau, cứng hơn, được làm từ nước đường đông đặc; phần ngoài như vỏ cau, được làm bằng bột gạo ít đường. Kẹo khá cứng nên cần ngậm để kẹo tan dần.
Kẹo gừng làm từ bột nếp, đường cát, pha nước gừng, cắt thành từng miếng nhỏ hình tam giác, hình bánh ú, mùi vị nồng nồng thơm thơm.
Kẹo gương làm từ đường nấu chảy, trộn với mè và đậu phộng rang bóc vỏ, dát mỏng như miếng gương soi.
Kẹo đậu phộng làm từ đường nấu chảy trộn với đậu phộng rang để nguyên vỏ, đổ trên chiếc bánh tráng giòn, đắp thêm chiếc bánh tráng, nên khi cầm kẹo không bị dính tay. Kẹo thường được cắt thành từng miếng hình tam giác.
Mè xửng là đặc sản được làm từ bột gạo ngon trộn đậu phộng, được chế biến thành dạng bánh cán dẻo, trên bề mặt của miếng kẹo đã cắt ra là lớp mè rang, vị ngọt dẻo. Mè xửng dẻo, mè xửng giòn, mè xửng ép, mè xửng đen, mè xửng rẻo.
Kẹo trứng chim được làm bằng đậu phộng chín, rưới nước đường xên, trộn thêm lớp bột huỳnh tinh và dầu vani để tạo hình như trứng chim.
Kẹo kéo làm từ đường bánh nấu đến độ sệt dẻo, bọc đậu phộng rang và giữa lớp kẹo, được kéo dài ra, cắt từng khúc nhỏ để ăn (loại bánh này du nhập từ miền Bắc vào).
Ngoài các loại kẹo thông dụng, một số gia đình còn làm kẹo hạt dâu, kẹo táo, kẹo trái trám…