Địa đạo An Hô - Di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh
  
Cập nhật:16/12/2024 1:29:31 CH
Di tích lịch sử cách mạng (Lưu niệm sự kiện) Địa đạo An Hô thuộc Thôn A Rý, xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận là di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh theo Quyết định số 1483/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 21/6/2019

I. NỘI DUNG LỊCH SỬ VÀ GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH

Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam, đặc biệt là sau thất bại trong chiến dịch 12 ngày đêm ném bom phá  hoại miền Bắc XHCN, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ký kết Hiệp định Paris và kết thúc chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/01/1973. Tuy nhiên, trước khi Hiệp định Paris được ký kết, cuối năm 1972 ở mặt trận Thừa Thiên Huế, địch đã tiến hành nhiều đợt càn quét, lấn chiếm vùng giải phóng của ta đặc biệt là ở khu vực Tây Huế, dọc theo đường 12 (nay là đường Quốc lộ 49 từ Huế lên A Lưới).

Để bảo vệ vững chắc vùng giải phóng miền Tây Thừa Thiên Huế, Bộ chỉ huy Sư đoàn 324 quyết định giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 1 mở chiến dịch tấn công giành lại toàn bộ dãy An Hô, Tà Lương và cao điểm 620 hai bên đường 12. Từ đó xây dựng hệ thống phòng tuyến Sông Bồ - An Hô – Tà Lương – cao điểm 620 nhằm ngăn chặn địch tái lấn chiếm, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng A Lưới, đồng thời làm bàn đạp để tấn công giải phóng Huế sau này. Trong những kế hoạch được giao, nhiệm vụ xây dựng địa đạo An Hô đóng vai trò cực kỳ quan trọng, bởi đây là khu địa đạo ngoài nhiệm vụ phòng thủ, còn được dự tính lâu dài cho việc tập kết, dự trữ trang thiết bị và vũ khí cho đơn vị trong các chiến dịch tiếp theo.

Thực hiện kế hoạch, ngày 3/4/1973 Trung đoàn 1, thuộc Sư đoàn 324 tổ chức tấn công địch. Đại đội 2 (C2), cùng các đơn vị hỏa lực, phối hợp tác chiến, chiếm được mỏm 1 đỉnh cao nhất của dãy An Hô. Sau hai tuần giằng co với địch từng mét hào, căn hầm, Đại đội 2 đã chiếm lĩnh và làm chủ hoàn toàn 8 mỏm của dãy An Hô. Đơn vị tiếp tục xây dựng củng cố hệ thống hầm hào để chốt giữ, không cho địch phản công tái chiếm.

Ngay sau khi làm chủ hoàn toàn dãy An Hô, Đại đội 17 công binh (C17) của Trung đoàn 1 (E1) đã đến khảo sát thực địa và chọn vị trí sườn phía Tây mỏm 1 của dãy An Hô để xây dựng địa đạo.

Tháng 5/1973, công tác đào địa đạo được tiến hành, do khối lượng công việc lớn nên Trung đoàn 1 đã cho các đơn vị của K1 và K2 phối hợp với C17 triển khai thực hiện. Trong đó đơn vị chủ công đào địa đạo là Trung đội 2, thuộc Đại đội 17 công binh. Phối hợp với C17 còn có các chiến sỹ Đại đội 1, 2, 3 và 4 thuộc Tiểu doàn 1 (D1) làm nhiệm vụ khai thác và vận chuyển gỗ để chống địa đạo theo yêu cầu thực tế.

Tháng 01/1974, địa đạo An Hô được hoàn thành, được thiết kế theo hình gần giống chữ U, gồm có 2 cửa ra vào nối liền giao thông hào. Ngoài nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ vùng giải phóng A Lưới, địa đạo An Hô còn là nơi tập kết, dự trữ lương thực, trang thiết bị và vũ khí đạn dược, cung cấp kịp thời cho hệ thống phòng thủ Sông Bồ - An Hô – Tà Lương và các chiến dịch ở mặt trận phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngay sau khi địa đạo được hoàn thành, Sư đoàn 324 đã giao nhiệm vụ cho Đại đội 25 vận tải, thuộc Trung đoàn 1 vận chuyển hàng tấn trang thiết bị, lương thực, vũ khí đạn dược về tập kết ở đây để kịp thời phục vụ cho chiến trường.

Trong chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1975 giải phóng Huế, Sư đoàn 324 (F324) đã hợp đồng tác chiến cùng các đơn vị chủ lực khác, trong đó có Trung đoàn 6 của Quân khu Trị Thiên tạo ra mũi tiến công từ An Hô – Tà Lương xuôi theo đường 12, vượt sông Hương về thành phố Huế. Mặc khác một số đơn vị chủ lực của Sư đoàn 324 phối hợp với Sư đoàn 325 và các đơn vị bộ đội chủ lực địa phương mở hướng tấn công theo đường 14 từ Mỏ Tàu, Núi Bông, Núi Nghệ (huyện Phú Lộc) về cửa biển Thuận An (huyện Phú Vang) tiến hành cắt đứt đường Quốc Lộ 1, bao vây tiêu diệt Sư đoàn 1 của quân lực VNCH, ngày 26/3/1975 ta giải phóng Huế, tạo đà thuận lợi để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Địa đạo An Hô là một công trình quân sự ghi dấu về một giai đoạn lịch sử (1973-1975) trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, thể hiện quyết tâm đánh địch giành chiến thắng.

Địa đạo An Hô là một công trình trong thời chiến, thể hiện sự đoàn kết, mưu trí, sáng tạo của Trung đoàn 1, thuộc Sư đoàn 324, cũng như của quân đội Nhân dân Việt Nam, với sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, trong đó có lực lượng trí thức.

Sự ra đời của khu Địa đạo An Hô để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá bổ ích, đặc biệt là trên lĩnh vực quân sự, tạo ra yếu tố bất ngờ trong phòng ngực và tấn công, chợp lấy thời cơ làm chủ trận địa và tổ chức phản công để tiêu diệt sinh lực địch.

Địa đạo An Hô là công trình có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hôm nay, những người được sinh ra và lớn lên trong thời bình, giúp họ có nhận thức sâu sắc hơn về cuộc chiến tranh gian khổ, trường kỳ của các thệ hệ cha ông, từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước và biết trân quý những giá trị hòa bình, độc lập, thống nhất của ngày hôm nay. 

2. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, KHOA HỌC THẨM MỸ CỦA DI TÍCH

Địa đạo An Hô nơi đóng quân của Sở chỉ huy Trung đoàn 1, thuộc Sư đoàn 324 để chỉ huy các đơn vị tác chiến trong hệ thống phòng thủ An hô – Tà Lương – điểm cao 620. Địa đạo An Hô sơ với một số địa đạo khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế như: Cụm địa đạo động So – A Túc (1965-1967), địa  đạo Khu ủy Trị Thiên Huế (1968), địa đạo Xuân Lộc (1973), địa đạo Bạch Mã (1973)…cho thấy cục diện của cuộc chiến tranh, từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, địa đạo Xuân Lộc (1973), địa đạo Bạch Mã (1973)…cho thấy cục diện của cuộc chiến tranh, từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các địa đạo dược đào ở vị trí trong rừng sâu, dần dần được chuyển dịch ra gần cạnh các con đường chiến lược và tiến dần về đồng bằng , điều đó thể hiện sự thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường Thừa Thiên Huế, cũng như trên toàn chiến trường miền Nam, vùng kiểm soát của địch bị siết chặt, thu hẹp dần, vùng giải phóng của ta ngày càng được mở rộng. Sự ra 

đời của địa đạo An Hô là một bước đệm phát triển chuyển tiếp từ vùng núi về đồng bằng nhằm đáp ứng kịp thời nhiệm vụ cấp thiết lúc bấy giờ, đồng thời là một trong những bằng chứng sinh động, minh chứng về cuộc chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ của Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 về một giai đoạn lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1973-1975)

Địa đạo An Hô là một công trình quân sự trong thời chiến, thể hiện sự mưu trí, sáng tạo, đoàn kết, với quyết tâm cao của cán bộ chiến sỹ Sư đoàn 324, mà trực tiếp là Trung đoàn 1, chỉ với một thời gian ngắn (5/1973-1/1974) đã hoàn thành địa đạo với chiều dài gần 100m, cùng hàng nghìn mét giao thông hào, hàng chục hầm chữ A, ụ súng, công sự chiến đấu…Ngày nay, địa đạo An Hô để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá bổ ích, đặc biệt là trên lĩnh vực quân sự, đó là việc xây dựng tuyến phòng thủ bảo vệ biên giới, đảm bào an ninh Quốc gia.

Địa đạo An Hô góp phần làm phong phú và đa dạng các loại ình địa đạo của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thể hiện sự thông mịnh, sáng tạo, làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân của quân đội Việt Nam.

Địa đạo An Hô là công trình có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hôm nay, những người được sinh ra và lớn lên trong thời bình, giúp họ có nhận thức sâu sắc hơn về cuộc chiến tranh gian khổ, trường kỳ của các thế hệ cha ông, từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước và biết trân quý những giá trị hòa bình, độc lập, thống nhất của ngày hôm nay.

Ghi chú: Theo Nghị quyết 175/2024/QH15 ngày 30 tháng 11 năm 2024 của Quốc Hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương ; Theo Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 ngày 30 tháng 11 năm 2024 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 – 2025. Từ 1/1/2025 địa danh Thôn A Rý, xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế được đổi tên thành Thôn A Rý, xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, thành phố Huế

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]