Chín Hầm - Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia
  
Cập nhật:10/10/2008 12:00:00 SA

Khu di tích Chín Hầm nằm ở triền núi Thiên Thai, thuộc thôn Ngũ Tây, xã Thủy An (nay là phường An Tây), thành phố Huế.

Khu Chín Hầm nguyên trước đây (1941) là do thực dân Pháp xây dựng để làm kho chứa vũ khí. Năm 1945, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), phát xít Nhật lấy toàn bộ vũ khí ở đây, khu Chín Hầm bị bỏ trống.

Dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn với vai trò “Chúa tể miền Trung” đã cải tạo Chín Hầm trở thành nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước. Từ đây nhà ngục Chín Hầm gắn liền với những tội ác man rợ mà gia đình họ Ngô đã gây ra đối với đồng bào ta. Các hầm này được Ngô Đình Cẩn cải tạo thành những khối bê tông hình chữ nhật nửa chìm, nửa nổi. Trong số này, hầm số 7 là một điển hình trong hệ thống hầm ngục. Cẩn đã cho cải tạo thành những xà lim kiểu chuồng cọp chỉ vừa 1 người (1,8m x 1,8m x 1,8m), dưới bàn tay của tên bạo chúa Ngô Đình Cẩn, không từ một thủ đoạn nào hòng khuất phục ý chí cách mạng, tinh thần yêu nước của các chiến sĩ. Tội ác của chúng được gói gọn trong hơn ba ngàn câu thơ trong tập thơ “Sống trong mồ” của tác giả Nguyễn Dân Trung (Nguyễn Minh Vân), một nhân chứng sống sót từ nhà ngục Chín Hầm trở về, tập thơ thực sự là bản tố cáo tội ác của tập đoàn gia đình trị họ Ngô, gây xúc động bao người, là sự kính phục những chiến sĩ cộng sản trung kiên, trọn đời vì Đảng, vì dân, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, là tấm gương sáng cho mọi người học tập.

Để tưởng nhớ những chiến sĩ cộng sản, những đồng bào yêu nước đã ngã xuống tại Chín Hầm, cũng là để ghi dấu tội ác của kẻ thù, ngày 16 tháng 12 năm 1993, Bộ VHTT đã có Quyết định số 2015-QĐ/BT công nhận di tích Chín Hầm là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.

 Bản in]