(CTTĐT) - Ngày 09/11, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (từ năm 2021-2025) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn II (từ năm 2026 đến năm 2030). Tham dự Hội nghị có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; lãnh đạo, đại diện một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo của 16 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình dự và phát biểu tham luận tại hội nghị.
Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai gần 4 năm trên địa bàn 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 16 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Đây là chương trình MTQG được xây dựng mới hoàn toàn trên cơ sở tích hợp 118 chính sách dân tộc và triển khai trên phạm vi toàn quốc nhằm đạt được 9 nhóm mục tiêu cụ thể và 24 chỉ tiêu chủ yếu, tập trung hướng tới các "lõi nghèo", các địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn và giải quyết những vấn đề cấp bách nhất, bức xúc nhất của đồng bào.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr cho biết, theo kế hoạch, cả giai đoạn 2021-2025, nguồn lực thực hiện Chương trình các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên dự kiến là 22.564,237 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương đầu tư hỗ trợ là 20.529,413 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 1.707,723 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác 327,102 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện giải ngân vốn ngân sách Trung ương của Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi: Nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2024 đến thời điểm 30/9/2024 của 16 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên cao hơn so với tỉ lệ bình quân chung của cả nước. Riêng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình hiện nay đạt 74,3%, cao hơn gần 1,3 lần so với tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư chung của cả nước là 57,7%. Cụ thể, số vốn giải ngân của 16 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là 12.933,999 tỷ đồng, tương đương 60,6%, trong đó vốn đầu tư phát triển là 8.560,613 tỷ đồng, tương đương 74,3%, vốn sự nghiệp là 4.373,386 tỷ đồng, tương đương 44,5%.
Các địa phương cũng đã đặt quyết tâm chính trị cao nhất, nỗ lực lớn nhất để hoàn thiện khung pháp lý theo thẩm quyền, kiện toàn bộ máy quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình và tích cực giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn đời sống của bà con nhân dân.
Bằng sự nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương trên địa bàn trong tổ chức triển khai thực hiện và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh, một số chỉ tiêu ước đến 31/12/2024 đã hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao như: Tỉ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 16 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong đó một số địa phương đã vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao ở mức cao như: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Nông... Việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đồng thời giúp địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khác khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn.
Các đại biểu tham dự tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết tỉnh Thừa Thiên Huế có 24 xã vùng đồng bào DTTS, trong đó có 14 xã ĐBKK, 71 thôn ĐBKK với số người DTTS 58.673 người, chiếm 5,03% dân số toàn tỉnh. Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN (Chương trình) được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế xác định là một nội dung trong 6 Chương trình trọng điểm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tổng nguồn vốn được phân bổ từ năm 2022 đến 2024: 624.524 triệu đồng trong đó: nguồn vốn đầu tư phát triển: 338.612 triệu đồng; nguồn vốn sự nghiệp: 285.912 triệu đồng.
Qua hơn 03 năm triển khai Chương trình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được những kết quả nổi bật như tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 10%/năm so với chỉ tiêu là giảm 3%/năm; hỗ trợ xây nhà ở cho 1.562 hộ nghèo, đầu tư xây dựng hơn 80 công trình CSHT thiết yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất, 03 khu quy hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư tập trung với quy mô khoảng 230 hộ; hỗ trợ xây dựng hoàn thành 02 làng văn hóa các DTTS và 01 Công trình biển tên đường Hồ Chí Minh – Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt; phê duyệt và triển khai thực hiện 19 dự án, phương án, kế hoạch PTSX theo các hình thức liên kết chuỗi giá trị, cộng đồng, giao nhiệm vụ và phê duyệt 01 Dự án đầu tư hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý tại huyện A Lưới; Có 02 xã ĐBKK và 02 xã có thôn ĐBKK đã trình hồ sơ đạt chuẩn NTM (dự kiến được công nhận vào cuối năm 2024). Kết quả trên đã góp phần quan trọng để huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia và tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội nghị
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân và thực hiện hoàn thành mục tiêu, các chỉ tiêu của Chương trình đến cuối giai đoạn I trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục bám sát văn bản của Bộ, ngành Trung ương, để chỉ đạo, hướng dẫn địa phương cơ sở triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung của Chương trình, đặc biệt là nghiên cứu, vận dụng tối đa các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 111 của Quốc hội phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn địa phương cơ sở nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là các nội dung dự án thành phần trọng điểm: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm; Dự án hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý; các dự án quy hoạch bố trí ổn định dân cư tập trung. Đồng thời UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng trực thuộc và các địa phương đánh giá tác động đến các nhóm đối tượng người dân vùng đồng bào DTTS, nhất là các xã ĐBKK sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, thoát khỏi xã khu vực II, III và thoát nghèo,Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương để đề xuất xây dựng các chính sách, bố trí nguồn lực để đảm bảo mục tiêu chính sách phát triển đối với đồng bào DTTS.
Để thực hiện tốt Chương trình trong giai đoạn 2026 – 2030, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung cho các chỉ tiêu phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, tiếp cận các dịch vụ xã hội chất lượng cao, như: thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng ½ bình quân chung của cả nước; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đạt từ 90-100%; giải quyết từ 80 – 100% số hộ khó khăn đang thiếu đất ở, đất sản xuất; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%. Mở rộng đối tượng thực hiện Chương trình đối với một số dự án cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong 3 năm. Duy trì một số chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo (về nhà ở, chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất,...) của Chương trình khi các xã/thôn đã đạt chuẩn nông thôn mới, thoát khỏi xã/thôn ĐBKK.
Qua đó, tiếp tục thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội. Thống nhất cơ chế, nguồn vốn và cách thức thực hiện hỗ trợ nhà ở giữa các chương trình MTQG. Có cơ chế thông thoáng và chính sách đủ mạnh để tăng cường hấp dẫn, thu hút đầu tư các doanh nghiệp và tăng cường năng lực các HTX vùng đồng bào DTTS, nhất là vùng ĐBKK để giúp đồng bào DTTS đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất theo hướng chuỗi giá trị, phát triển vùng dược liệu quý, xây dựng và phát triển các mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, qua đó thúc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững cho đồng bào vùng DTTS.
Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung cho các chỉ tiêu phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, tiếp cận các dịch vụ xã hội chất lượng cao
Phát biểu kết Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng hành ủng hộ của nhân dân 16 tỉnh trong thực hiện Chương trình; khẳng định, nhờ vào những chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia vào các chương trình phát triển KT-XH, các hoạt động cộng đồng, góp phần vào việc duy trì an ninh trật tự tại địa phương.
Để kịp thời báo cáo, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thực hiện Chương trình giai đoạn II từ năm 2026 đến năm 2030, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là lãnh đạo các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trên cơ sở đánh giá toàn diện, tổng thể các dự án của Chương trình đã triển khai ở giai đoạn I cần tiếp tục rà soát hành lang pháp lý, đề xuất, xác định các dự án thiết thực cho giai đoạn II, trong đó tập trung vào các dự án có tác động thúc đẩy và nên có thứ tự ưu tiên đối với các dự án, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, "ra tấm ra món".
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tâm từ nay đến cuối năm 2024, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh triển khai và giải ngân vốn thực hiện Chương trình; chủ động rà soát, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để có giải pháp tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn, xử lý kịp thời theo quy định hiện hành và phù hợp tình hình thực tiễn.
Chú trọng kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực thi, đặc biệt là đội ngũ thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc tại cấp cơ sở; tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp cơ sở gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực triển khai thực hiện và giám sát Chương trình.
"Hết sức chú trọng công tác kiện toàn nhân sự; tham gia thực hiện Chương trình phải thực sự lựa chọn được những người có kinh nghiệm, kiến thức, tâm huyết, trách nhiệm và thiết tha với đồng bào, với vùng dân tộc", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình lưu ý.