(CTTĐT) - Ngày 30/10/2024, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới (gọi tắt Chỉ thị). Chỉ thị nêu rõ, tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Qua đó, tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, quá trình triển khai thực hiện, tất cả các cấp, các ngành đều nhận thấy tinh thần của Chỉ thị là hết sức sâu sắc và nhân văn; phù hợp với thực tiễn, góp phần quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nguồn vốn không ngừng tăng trưởng, từ 232 tỷ đồng cuối năm 2014, đến nay tổng nguồn vốn tại NHCSXH huyện đã lên đến 591 tỷ đồng; trong đó: nguồn ủy thác địa phương huyện chuyển sang để thực hiện cho vay các chương trình, dự án là 11,6 tỷ đồng, tăng 9,6 tỷ đồng. Để đạt được thành công trên, ông Trương Công Huy - Giám đốc phòng giao dịch NHCSXH huyện cho biết: “Chúng tôi luôn bám sát chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tham mưu cho Huyện ủy, HĐND và UBND huyện những quyết sách; thông qua việc phối hợp, NHCSXH huyện đã cùng các Phòng, Ban chức năng của huyện xây dựng các Đề án, Dự án... và tham mưu UBND huyện chuyển nguồn vốn ủy thác sang phòng giao dịch NHCSXH huyện để thực hiện cho vay đến đúng đối tượng thụ hưởng. Chúng tôi luôn tập trung nguồn lực vào các vùng nghèo, vùng trọng điểm, xây dựng nông thôn mới...nên luôn nhận được sự ủng hộ của bà con, nhân dân trên địa bàn”.
Bên cạnh đó, tín dụng chính sách xã hội đã nhận được sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Qua đó, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động tín dụng chính sách đã không ngừng được củng cố, nâng cao. Minh chứng rõ nét thể hiện, tỷ lệ nợ xấu (nợ quá hạn và nợ khoanh...) tại phòng giao dịch NHCSXH huyện luôn ở mức thấp so với bình quân chung; Hoạt động của 16/16 Điểm giao dịch xã ngày càng ổn định và đi vào nề nếp; Việc ứng dụng và triển khai Ngân hàng số (chuyển từ giao dịch thủ công sang giao dịch trực tiếp trên điện thoại thông minh) là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính và là một đặc thù riêng có của NHCSXH.
Tín dụng chính sách xã hội đã trao sinh kế để gặt hái quả ngọt. Qua tiếp cận nguồn vốn vay, bà Lê Thị Bé, thôn Trạch Hữu, xã Phong Thu là một trong nhiều hộ điển hình trong sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Bà Bé cho biết “Gia đình gặp rất khó khăn không biết vay mượn tiền ở đâu để phát triển kinh tế; trong lúc khó khăn tôi đã được Hội LHPN xã tín chấp để vay vốn với số tiền 80 triệu đồng, từ nguồn vốn vay gia đình đã đầu tư mua cây giống, cày đất và thuê thêm nhân công để trồng rừng và phát triển mô hình cây ăn quả, đến nay đã cho gia đình tôi thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm”.
Không riêng gì gia đình chị Bé; chị Nguyễn Thị Thúy Hằng ở thôn Đại Phú, xã Phong Chương là minh chứng khác cho việc gặt hái quả ngọt. Bằng ý chí, nghị lực cùng với nguồn vốn ưu đãi, gia đình chị Hằng đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng để mua thêm máy móc, mở rộng nhà xưởng và thuê thêm nhân công để may gia công, đến nay xưởng may của chị đã tạo việc làm cho gần 10 chị em trong xã. Chị Hằng cho biết, “lúc cao điểm xưởng may của chị có khi lên đến 15 lao động với thu nhập bình quân từ 6 triệu đến 8 triệu đồng/người/tháng, gia đình cũng có thu nhập ổn định hơn trước rất nhiều”.
Ông Hoàng Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao hoạt động của phòng giao dịch NHCSXH huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Đặc biệt, khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện nên cấp uỷ, chính quyền địa phương các xã, thị trấn đã vào cuộc ngay. Huyện ủy cũng như UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tuyên truyền..., Qua 10 năm thực hiện, được sự quan tâm của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện cũng đã chuyển gần 10 tỷ đồng từ ngân sách địa phương sang NHCSXH huyện để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác... đây là sự nỗ lực của huyện.
Thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, Huyện sẽ tiếp tục quán triệt sâu rộng, đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận 06 và đặt biệt là triển khai thực hiện ngay Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới và xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Triển khai, mở rộng cuộc vận động tiết kiệm chung tay vì người nghèo nhằm bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Chủ động tham mưu đề xuất chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, phù hợp với giai đoạn mới...”.
Để Chỉ thị 40/CT-TW tiếp tục phát huy hiệu quả thiết thực trong cuộc sống và tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW... thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức trong mỗi cán bộ, đảng viên. Đồng thời, xác định nhiệm vụ chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.