Nguồn vốn tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Nam Đông
  
Nhờ được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Không ít hộ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nơi mà trước đây chính họ đã có những ngày tháng cùng cực.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện thăm mô hình của gia đình anh Lê Xuân Hải
Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện thăm mô hình của gia đình anh Lê Xuân Hải

Thông qua Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Nam Đông các chương trình tín dụng chính sách đã và đang làm thay đổi cuộc sống cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành "điểm tựa" giúp các hộ vay có vốn sản xuất, cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống.

Đến thăm gia đình anh Lê Xuân Hải, trú tại thôn 10, xã Hương Xuân, huyện Nam Đông. Anh Hải cho biết, Năm 2020, do ảnh hưởng cơn bão số 13 (bão Vamco) toàn bộ diện tích trồng cao su hơn 2ha của gia đình anh Lê Xuân Hải, trú tại thôn 10, xã Hương Xuân, đã gãy đỗ hoàn toàn, cuộc sống gia đình khó khăn lại càng khó khăn. Từ chương trình vay vốn hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm ủy thác qua Hội Nông dân xã Hương Xuân, gia đình anh Hải đã được Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay số tiền 100 triệu đồng. Từ số vốn vay anh bắt tay làm lại từ đầu, anh đầu tư trồng 500 gốc cam, 300 gốc ổi, đến nay cây cam đã cho quả bói và sang năm 2025 sẽ thu hoạch với doanh thu dự tính hơn 120 triệu đồng sau khi trừ chi phí lãi 70 triệu đồng/01 năm; 300 cây ổi được trồng sau 06 tháng đã cho quả giúp gia đình anh lấy ngắn nuôi dài với thu nhập bình quân hằng tháng hơn 5 triệu đồng.


Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện thăm mô hình của gia đình Đợi

Bên cạnh đó nhờ biết phát huy tiềm năng, lợi thế người dân trên địa bàn huyện Nam Đông đã phát huy kinh tế vườn, kinh tế trang trại, gia trại để thay đổi cuộc sống gia đình và vươn lên thoát nghèo. Gia đình anh Trần Văn Đợi, dân tộc Cơ Tu, thôn A Dài, xã Thượng Long, huyện Nam Đông là một trường hợp điển hình. Anh Đợi cho biết, ngoài 40 triệu đồng được Hội Nông dân huyện hỗ trợ, gia đình anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Đông cho vay 100 triệu đồng từ chương trình vay vốn giải quyết việc làm. Với lợi thế đất vườn rộng rãi, anh Đợi đầu tư trồng 1ha bưởi da xanh với hơn 99 gốc. Sau 6 năm trồng và chăm sóc theo đúng kỹ thuật, cây bưởi da xanh phát triển nhanh, đồng đều, kháng bệnh tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương. Từ đó, anh Đợi mạnh dạn mua thêm 3 con bò giống và hơn 100 con gà để nuôi lấy thịt. Ngoài ra, anh còn trồng thêm 2ha keo và cao su đang trong giai đoạn thu hoạch. Hiện nay, lợi nhuận trung bình từ mô hình nuôi trồng kết hợp đạt gần 100 triệu đồng/năm.

Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH hết sức cần thiết đối với phát triển kinh tế của địa phương, là "đòn bẩy" quan trọng giúp bà con có cơ hội thoát nghèo. Ý thức rõ điều đó, trong những năm qua Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nam Đông đã tập trung triển khai nhiều giải pháp tích cực để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là hoạt động tín dụng; nhằm truyền tải có hiệu quả nguồn vốn chính sách của Đảng, Nhà nước đến tận tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2024, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nam Đông đã thực hiện giải ngân cho gần 2 nghìn lượt khách hàng vay vốn với số tiền hơn 95 tỷ đồng, trong đó có hơn 705 khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, với số tiền cho vay là gần 43 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 90 hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo vào cuối năm 2024, trong đó có 39 hộ thoát nghèo và 51 hộ thoát cận nghèo.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện sẽ tiếp tục triển khai tốt các biện pháp để quản lý nguồn vốn và tạo điều kiện thuận lợi để người dân trên địa bàn huyện được tiếp cận với các chính sách tín dụng ưu đãi. Cùng với đó, tiếp tục tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể để tiếp tục củng cố, kiện toàn hoạt động của các tổ vay vốn, tuyên truyền sâu rộng đến các hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, nâng cao ý thức trả nợ, trả lãi để không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn.

www.thuathienhue.gov.vn (CTV)
 Bản in]