1. Vị trí con đường
Đường Nguyễn Văn Siêu nằm trên địa bàn phường Gia Hội, về phía Đông Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Chi Lăng đến đường Nguyễn Gia Thiều, dài 320m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành vào cuối thế kỷ 19, cùng thời với việc những người Minh Hương đến đây lập chùa Triều Châu, Phúc Kiến, năm 1908 sát nhập vào thành phố. Nguyên ủy là đường xóm, lộ giới hẹp, lấy tên đường chính để gọi là kiệt Chi Lăng. Tháng 5/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Nguyễn Văn Siêu, chạy song song với đường Cao Bá Quát.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Nguyễn Văn Siêu (Kỷ Mùi 1799 - Nhâm Tuất 1872): danh sĩ đời Tự Đức, tự là Tốn Ban, hiệu Phương Đình, người đương thời gọi ông là "Thần Siêu", quê ở làng Kim Lũ, thuộc xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Thuở trẻ ông đã nổi tiếng văn chương. Thi Hương đỗ á nguyên (Cử nhân thứ hai), năm 39 tuổi đỗ Phó bảng dưới triều Minh Mạng, được bổ làm Kiểm thảo Viện Hàn lâm, thăng Chủ sự Bộ Lễ, Thị Giảng học sĩ. Năm 1849, vua Tự Đức cử ông làm Phó sứ sang Trung Quốc, khi về thăng Học sĩ Viện Tập hiền, ít lâu sau được bổ làm án sát Hà Tĩnh, án sát Hưng Yên. Năm 1854, ông dâng sớ lên triều đình điều trần những việc mà ông thấy thiết thực cho dân cho nước, nhưng không được cứu xét. Ông chán nản, cáo bệnh từ quan, lui về ở quê chuyên tâm nghiên cứu, soạn sách. Người đương thời khen ông: "Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán", (nghĩa là tài văn chương của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì ngay đến nhà Tiền Hán cũng không có ai bằng được). Ông vốn là học trò Phạm Quí Thích và bạn thân với Cao Bá Quát. Ông để lại các tác phẩm chính: Phương Đình dư địa chí, Chư sử khảo đính, Phương Đình tùy bút lục, <st1:place w:st="on">Chư sinh khảo ước, Tứ thư bị giảng, Phương Đình thi văn tập. Đồng thời ông được xếp là một trong những nhà văn hóa của Việt Nam thế kỷ XIX. Ông mất năm 1872, hưởng thọ 73 tuổi. Bến đò chợ Dinh hạ ở đoạn ngang qua Nhà máy bia HUDA nằm cuối đường này.