Phùng Hưng
  

1. Vị trí con đường

Đường Phùng Hưng nằm trên địa bàn phường Thuận Thành, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Đặng Thái Thân, qua ngã tư đường Thạch Hãn, ngã ba Triệu Quang Phục, qua trước mặt Trường Đại học Nông nghiệp đến đường Trần Quý Cáp, dài 820m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường được hình thành vào cuối thế kỷ 19, sang đầu thế kỷ 20 thì được mở rộng thêm để đi vào Trường Canh Nông. Trước 1955 là đường Canh Nông; trước năm 1970 là đường Phùng Hưng; trước năm 1976 là đường Nguyễn Văn Thành. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định lấy lại tên trước là đường Phùng Hưng.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Phùng Hưng (Tân Sửu 761 - Nhâm Ngọ 802): người anh hùng dân tộc chống quân xâm lược nhà Đường, tự là Công Phấn; quê ở thôn Cam Lâm, châu Đường Lâm, huyện Ba Vì, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Tây). Ông xuất thân trong một gia đình có địa vị cao thời bấy giờ, tính tình hào hiệp, có sức mạnh tay không đẩy lui cặp trâu đang húc nhau, đả cọp giết gấu cứu giúp dân lành, được mọi người kính phục. Năm ông 28 tuổi, nhân quan Thứ sử nhà Đường bạo ngược, ông nghe theo lời mưu sĩ dấy binh chống đối chính quyền đô hộ. Ông đổi tên là Khu Lão, hiệu là Đô Quân. Năm 791, cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo đánh thắng quân xâm lược Cao Chính Bình, nhân dân tôn ông là Bố Cái Đại Vương. Đất nước yên ổn, tự chủ được 11 năm thì ông lâm bệnh mất, lúc 41 tuổi. Con ông bất tài nên đất nước lại rơi vào sự cai trị của nhà Đường. Nhiều triều đại sau này, đều có lập đền thờ và truy phong tôn thụy ông: Bố Cái Phu Hựu Chương Tín Sùng Nghĩa Đại Vương. Đền thờ ông còn được lập ở làng Đường Lâm, hiện tại đây còn lưu giữ nhiều khí tự, bia đá cổ và có cả đền thờ Ngô Quyền. Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư Tỉnh, Hội làm vườn Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Nông nghiệp, Đại học Kinh tế nằm trên đường này.

 Bản in]

Du lịch

Dịch vụ

Thư viện ảnh