1. Vị trí con đường
Đường Lê Thánh Tôn nằm trên địa bàn phường Đông Ba và Thuận Lộc, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Ông ích Khiêm, chạy qua ngã tư các đường Tống Duy Tân, Đinh Công Tráng, Hàn Thuyên, Đặng Dung, Nguyễn Biểu, Mai Thúc Loan, Nhật Lệ, Tịnh Tâm đến đường Lê Văn Hưu, dài 1215m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành vào đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Kinh thành Huế. Nguyên xưa nền đường rải đất biên hòa, sau năm 1970 mới rải nhựa và chỉ mới rải được một phần. Từ năm 1955 trở về trước, đường mang tên Âm Hồn (có miếu Âm Hồn nằm cạnh đường này). Năm 1956, đặt tên là đường Nguyễn Hiệu. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đổi, đặt lại tên mới là đường Lê Thánh Tôn (người Huế kiêng húy danh tự vua Thiệu Trị đọc Tông thành Tôn). Dân gian vẫn thường gọi là đường Âm Hồn.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Lê Thánh Tôn (Nhâm Tuất 1442 - Đinh Tỵ 1497) Lê Thánh Tôn (Tông) là miếu hiệu của ông vua thứ 4 nhà Hậu Lê, tên thật là Lê Tư Thành, còn có tên nữa là Hạo, lên ngôi năm 1460, lúc 18 tuổi, đặt niên hiệu là Quang Thuận, năm 1470, đổi niên hiệu là Hồng Đức. Ông thông minh, hiểu biết nhiều môn học thuật. Triều đại ông thịnh vượng, hoàn thành những cải cách kinh tế, chính trị, văn hóa. Vua là người minh oan cho Nguyễn Trãi, sáng lập ra Hội Tao Đàn gồm 28 vị đại thần khoa bảng, gọi là Nhị thập bát tú, mà ông đích thân làm Tao Đàn Đô Nguyên Soái. Ông đã mở rộng bờ cõi Đại Việt vào tận núi Thạch Bi, Đại Lãnh. Ban hành Bộ Luật Hồng Đức trong cả nước, được xem là Bộ luật hoàn chỉnh và tiến bộ nhất thời bấy giờ, và cho vẽ bản đồ 13 đạo trong cả nước và Kinh đô, gọi là Hồng Đức bản đồ đồng thời đặt ra lệ dựng bia ghi tên các tiến sĩ ở Văn Miếu. Với Huế, vào cuối năm 1470 đầu 1471, trên đường chinh phạt phương Nam, Lê Thánh Tôn đã nghỉ quân tại vùng cửa biển Tư Dung ít tháng, cảm xúc trước cảnh mây trời sông nước ở đây ông đã viết bài thơ "Tư Dung hải môn lử thứ" (tạm dịch như sau): "Thuyền lầu nổi trống đến Ô Long, Hiểm trở bao chừng đến cửa sông Thăm thẳm sườn treo xanh vách núi Chập chờn sóng vỗ ngất từng không. Phong cương nước cũ bờ còn thấp, Sự nghiệp triều xưa vết rõ trông. Lượng bể cạn dơ dung nạp cả Sông nào sông chẳng chảy về Đông". Và trong lúc binh lính dưỡng sức, ông cùng tùy tùng bơi thuyền ngược phá vào sông Hương, thăm chùa Sùng Hóa ở làng Lại Ân. Cuộc du ngoạn này nhà vua đã bắt gặp một thôn nữ người làng Hoà Duân đi gánh nước, nhan sắc xinh đẹp, vua rất thích, bèn nạp làm hậu cung, sau sinh được hoàng tử phong làm Triệu Vương. Vua ở ngôi 37 năm. Ngoài việc trị nước ông còn là một nhà thơ tài hoa, ông làm khá nhiều thơ, các tác phẩm lưu lại: Thiên Nam dư hạ tập, Lê Thánh Tôn thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Xuân Vân thi tập, Cổ tân bách vịnh, Quỳnh uyển cửu ca, Minh lưng cẩm tú, Văn minh cổ súy, Châu cơ thăng thưởng, Sĩ hoạn châm qui, Hồng Đức thiện chính thư, đều là những tác phẩm sáng giá trong kho tàng văn hóa dân tộc. Dưới thời nhà Nguyễn, ông được triều đình lập miếu thờ riêng và còn phối thờ ở miếu Lịch Đợi Đế Vương. UBND phường Thuận Lộc, Công an Thuận Lộc, Khu nhà vườn cổ của ông Trương Như Cương, một số nhà vườn tiêu biểu, nhà rường cổ, Miếu Âm Hồn nằm trên đường này.