Qua gần 15 năm hình thành, với 7 kỳ tổ chức, Festival nghề truyền thống Huế đã trở thành một sự kiện văn hóa - xã hội - du lịch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố Huế. Qua các kỳ Festival nghề truyền thống, những hình ảnh đẹp về văn hóa Huế, con người Huế, tinh hoa các nghề truyền thống Huế... đã được giới thiệu đến với du khách trong nước và quốc tế. Festival nghề truyền thống Huế đã tác động tích cực đến sự hồi sinh và phát triển của các ngành nghề truyền thống Huế; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tăng thu ngân sách địa phương và tạo việc làm cho người lao động; là động lực thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ… Đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND thành phố Huế khi đánh giá về hiệu quả mang lại của Festival nghề truyền thống Huế bên thềm sự kiện Festival nghề truyền thống Huế lần thứ 8 sắp được tổ chức trong 2 tuần tới.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển du lịch
Theo ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND thành phố Huế, xét về mặt kinh tế, Festival nghề truyền thống Huế đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố; thu ngân sách địa phương và tạo việc làm cho người lao động. Các ngành nghề thủ công truyền thống được tôn vinh, quảng bá từ đó giúp phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm làng nghề, tạo điều kiện để các nghề, làng nghề tiếp tục được duy trì và phát triển; đồng thời mở hướng để ngành du lịch đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới (du lịch tham quan làng nghề). Mang lại lợi ích kinh tế cho nhiều ngành như: du lịch, thương mại, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp; sản xuất nông nghiệp... nhờ tăng lượng du khách đến tham gia Festival. Yếu tố giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến thương mại giữa các nghệ nhân, các làng nghề truyền thống với các doanh nghiệp và địa phương càng ngày càng được khẳng định qua từng kỳ Festival nghề truyền thống Huế.
Festival nghề truyền thống góp phần thúc đẩy nhanh quá trình xã hội hóa hoạt động du lịch - ngày càng có nhiều người dân đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch
Trong phạm vi ngành du lịch, Festival nghề truyền thống Huế góp phần tăng cường hình ảnh, vị thế của du lịch Thừa Thiên Huế nói chung, thành phố Huế nói riêng thông qua hàng loạt thông tin và phương tiện tuyên truyền quảng bá (Website, pa nô, áp phích, hàng ngàn bản tin, bài báo, chương trình truyền hình trong và ngoài nước...). Festival nghề truyền thống Huế đã để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách trong nước và quốc tế; là phương tiện quảng bá trực tiếp (truyền miệng) rất hiệu quả cho du lịch Thừa Thiên Huế, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến Huế để tham dự các Festival nghề truyền thống Huế trong các năm sau. Ngoài ra, trong các dịp Festival, nhiều đối tượng dân cư được hưởng lợi qua dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, lưu trú trong dân, dịch vụ vận chuyển; thu nhập các doanh nghiệp du lịch trong tháng diễn ra Festival cũng tăng cao. Festival còn là động lực thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và trình độ nghiệp vụ cho nhân viên du lịch; Festival cũng đã thúc đẩy nhanh quá trình xã hội hóa hoạt động du lịch; ngày càng có nhiều người dân đầu tư vốn và sức lực để phát triển các dịch vụ du lịch. Tăng được sản phẩm phục vụ du lịch, hình thành các tour du lịch gắn với việc tham quan nghề truyền thống và làng nghề.
Phục hồi, phát triển nghề truyền thống
Festival nghề truyền thống Huế còn tác động đến mặt văn hóa - xã hội và hợp tác quốc tế của thành phố Huế. Theo đó, qua các kỳ Festival, những tinh hoa và nét độc đáo của các sản phẩm nghề, làng nghề truyền thống được bảo tồn và phát huy, từ đó tạo sức hấp dẫn, thu hút sự chú ý của du khách; tạo điều kiện để gắn kết hoạt động sản xuất của làng nghề với các hoạt động du lịch - dịch vụ. Yếu tố quốc tế ngày càng rõ nét hơn, có hiệu quả hơn. Các chương trình, hoạt động đa sắc màu quốc gia qua các kỳ Festival nghề truyền thống Huế phần nào củng cố và tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác văn hóa giữa thành phố Huế với các nước Á - Âu, từng bước hướng đến tính quốc tế của Festival nghề truyền thống Huế. Mỗi kỳ Festival nghề truyền thống Huế được tổ chức thành công đã góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng thành phố Huế xứng đáng là thành phố Văn hóa ASEAN, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Đặc biệt, nói đến hiệu quả của Festival nghề truyền thống Huế, không thể không kể đến những tác động tích cực đến sự hồi sinh và phát triển của các ngành nghề truyền thống Huế. Các nghệ nhân Huế đã tạo được nhiều mẫu thiết kế sản phẩm đa dạng, mang tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao. Các nghệ nhân đã có ý thức và tập trung nhiều hơn cho việc sáng tác, sản xuất các sản phẩm quà tặng, lưu niệm phục vụ nhu cầu của du khách; đồng thời, thu hút được sự tham gia của các họa sĩ trong việc sáng tác, thiết kế các mẫu hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ Huế. Sau mỗi kỳ tổ chức Festival nghề truyền thống Huế, các nghề và làng nghề truyền thống ở địa phương có nhiều triển vọng hồi sinh, phát triển rõ rệt, cụ thể như: nghề Pháp lam; nghề chế tác nhà rường; nghề may (may áo dài truyền thống); làng nghề đúc đồng Phường Đúc với các sản phẩm lư, chuông, tượng, hàng mỹ nghệ lưu niệm; nghề thêu tranh ở phố Phan Đăng Lưu, Hùng Vương, Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, tranh thêu XQ; tranh làng Sình; nón lá Mỹ Lam; gỗ mỹ nghệ Mỹ Xuyên; gốm Phước Tích; hoa giấy Thanh Tiên; giấy Trúc chỉ...
Festival nghề truyền thống Huế góp phần tích cực trong việc hồi sinh và phát triển của các ngành nghề truyền thống Huế,
trong đó có nghề gốm Phước Tích
Bên cạnh đó, qua các kỳ Festival nghề truyền thống Huế, các điểm giới thiệu quảng bá nghề truyền thống mới được hình thành, đồng thời nhiều điểm đến du lịch được nhà nước và tư nhân đầu tư xây dựng như: Trung tâm Làng nghề đúc đồng Phường Đúc; đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu; Tịnh Tâm Kim Cổ của doanh nghiệp tư nhân Thuận Thành Duy Mong… Ngoài ra, qua từng kỳ tổ chức Festival nghề truyền thống Huế, các không gian biểu diễn và không gian trưng bày sản phẩm nghề đã từng bước được định hình, tạo nên một không gian tổ chức lễ hội mang tính ổn định, lâu dài. Tính chất quy mô lễ hội đã thay đổi qua từng kỳ Festival nghề truyền thống Huế, từ quy mô giới thiệu một vài nghề đến nhiều nghề, phát triển từ quy mô cấp thành phố đến quy mô toàn quốc và từng bước mang tính quốc tế.
Hình thành không gian tổ chức lễ hội cho thành phố
Festival nghề truyền thống Huế còn góp phần hình thành không gian tổ chức các hoạt động lễ hội, văn hóa nghệ thuật ổn định gắn liền các thiết chế văn hóa hiện có trên tuyến đường Lê Lợi (từ Công viên 3/2, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Công viên Tứ Tượng, Bảo tàng Văn hóa Huế, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, Nhà Trưng bày tác phẩm Điềm Phùng Thị, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Quảng trường trước trường Quốc Học) đã định hình nên một không gian tổ chức lễ hội mang tính ổn định, lâu dài, với quy mô cấp thành phố nhưng có tính chất toàn quốc và mang tính quốc tế. Sau Festival nghề truyền thống Huế 2017, Thành phố tiếp tục nghiên cứu giải pháp mở rộng khán đài từ 2500 chỗ lên 3000 chỗ đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân và du khách, phục vụ cho các chương trình nghệ thuật, lễ hội của thành phố; mở rộng mặt bằng khu vực Quảng trường trước trường Quốc Học; nâng cấp công suất nguồn điện chiếu sáng tại các công viên, khu vực diễn ra lễ hội được đảm bảo; đầu tư hệ thống âm thanh phục vụ cho các lễ hội ngoài trời. Đây là sự đầu tư nhằm từng bước chủ động và tiến đến việc chuyên nghiệp hóa tổ chức Festival nghề truyền thống Huế của Thành phố.
Không gian tổ chức lễ hội của Thành phố Huế ngày càng hoàn chỉnh, khang trang và đẹp hơn sau nhiều kỳ Festival nghề truyền thống
Đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác tổ chức
Việc xã hội hóa Festival mang tính toàn diện và tích cực qua mỗi kỳ tổ chức. Trước hết là sự đồng hành, tích cực hưởng ứng của các nghệ nhân, các cơ sở nghề và làng nghề trong Tỉnh và trong nước, các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu; có nhiều nghệ nhân và nhà nghiên cứu nhiều năm liền tích cực tham gia. Các nhà khoa học đóng góp nhiều kết quả nghiên cứu công phu, các văn nghệ sĩ đến với Festival nghề truyền thống bằng công sức, tài năng và tác phẩm mới. Sự vào cuộc hết sức tích cực của đội ngũ nhà báo của các cơ quan truyền thông trong cả nước bằng việc thông tin phản ảnh kịp thời những chương trình, hoạt động của Festival đến với công chúng. Bên cạnh đó, còn có sự tích cực hưởng ứng của nhân dân thành phố; doanh nghiệp; sự tham gia tích cực và đầy trách nhiệm của lực lượng cán bộ công chức thuộc các đơn vị trực tiếp tổ chức hoặc tham gia phục vụ Festival nghề truyền thống Huế; đội ngũ tình nguyện viên của Thành đoàn Huế và các em học sinh của các trường học trên địa bàn thành phố Huế.
Festival nghề truyền thống Huế đã từng bước khẳng định thương hiệu của chính mình và từng bước có sức thu hút các nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia vào Festival nghề truyền thống Huế. Từ việc Thành phố phải tài trợ toàn bộ chi phí cho các nghệ nhân, cơ sở nghề trong nước và quốc tế đến dự Festival, đến nay rất nhiều nghệ nhân, cơ sở nghề trong nước và ở nước ngoài đã tự nguyện đến với Festival nghề truyền thống Huế nhưng không đòi hỏi sự tài trợ của thành phố Huế.