Các loại mứt ở Huế
  
Mứt gừng (ảnh minh họa)
Mứt gừng (ảnh minh họa)

Huế có khá nhiều thứ mứt, phổ biến là mứt gừng, mứt dừa, mứt bí đao, mứt khoai, mứt hạt sen, mứt đậu, mứt đu đủ, mứt cà rốt, mứt củ cải, mứt kim quật, mứt me, mứt khế, mứt cam, mứt xoài..mứt được sử dụng trong những ngày Tết. Phần lớn các gia đình truyền thống Huế đều biết làm một số loại mứt.

Mứt gừng là loại mứt khô nổi tiếng, được làm từ gừng non, xắt lát mỏng, ngâm nước và phơi nắng để gừng trắng rồi luộc với nước cho bớt cay. Sau khi xả sạch để ráo nước, trộn đường trắng và rim trên bếp lửa riu riu, trộn đều cho đến khi đường khô bám vào lát gừng mới đổ mứt ra, gỡ từng lát, duỗi thẳng để đem phơi hoặc sấy trên sề lửa than.

Mứt dừa dùng dừa già, gọt sạch vỏ, xắt lát mỏng, nấu trong nước để bớt vị dầu, xả lại nước lạnh và để ráo nước, rồi bỏ dừa vào chảo rim với đường, khi đường khô lại lấy ra, duỗi cho thẳng, để thật nguội mới đem cất.

Mứt khoai lang phải gọt vỏ khoai, cắt thành từng thẻ hoặc lát vuông, rửa sạch mủ, ngâm vào nước vôi và xả lại bằng nước lạnh, bỏ khoai vào chảo rim nước đường với lửa nhẹ; đảo đều đến khi khô sẽ lấy ra, để nguội mới đem cất.

Mứt hạt sen phải luộc hạt sen trần đã bóc vỏ lấy tim, xả lại nước lạnh vài lần, để ráo nước mới rim nước đường với lửa nhẹ. Khi hạt sen chín mềm, cẩn thận gắp hạt sen ra rá tre đặt trên thau, tiếp tục rưới nước đường lên hạt sen đến khi đường gần khô mới gắp hạt sen ra, để lên giấy trắng sậy khô. Sen nguội mới cất vào thẩu.

Mứt kim/cam quật, mứt cam là dạng mứt dẻo, chọn trái đã chín đỏ, gọt lớp vỏ the, ngâm nước muối, xả lại nước lạnh, xẻ làm 4 hay 6 đường nhỏ để nặn hết hạt, ép khô, rồi rim với đường. Khi đường rền lại, thì lấy mứt ra, cất vào thẩu.

Nhìn chung, Huế có nhiều thứ mứt, nhưng phương thức làm mứt Huế đều tương tự nhau. Để có lát mứt khô đẹp, người Huế thường ngâm lát mứt tươi, phơi nắng trước khi rim, lửa rim mứt phải riu riu, đảo mứt phải cẩn thận, chờ mứt nguội mới đem cất để khỏi rịn nước. Với mứt trái cây làm dẻo phải ngâm nước muối, xả nước lạnh thật sạch, rim trên lửa nhẹ, trái có hạt phải lấy hạt, ép khô trước khi rim, phải chờ nước đường rền mới lấy mứt ra. Mỗi món mứt phải tạo được một sắc thái riêng, hương vị riêng.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]