Xây dựng Thành phố di sản & những kỳ vọng đột phá: Nắm bắt thời cơ “vàng”
  

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định: Nếu Thừa Thiên Huế được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên những tiêu chí về đô thị di sản thì sẽ thuận lợi trong việc tạo cho Huế một vị thế ngang tầm với 5 đô thị trực thuộc Trung ương hiện nay và ngang tầm với vị thế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hơn hết, cuộc sống của người dân, đối tượng được xem là trung tâm của Thành phố di sản sẽ thay đổi...


Cầu đi bộ bên sông Hương tạo điểm nhấn quyến rũ cho vẻ đẹp của thành phố Huế 

Huế “chuyển mình”

Chưa thể hoàn hảo nhưng đến Huế bây giờ, nhiều du khách tỏ ra thích thú và cảm nhận được những điều tốt đẹp về Huế. Nếu không nói đến cuộc di dân Thượng Thành lịch sử, hơn một năm qua, hầu như không có một dự án thật lớn được triển khai tại Huế. Song, người dân lẫn du khách vẫn cảm nhận được một Huế chuyển mình. Dù là nhỏ thôi nhưng lời nhận xét về Huế của anh Trần Đức (TP. Hồ Chí Minh) có hàm ý rộng lớn: “Các bạn không còn “bảo thủ”, người Huế bây giờ tự giác hơn nhiều. Tôi thấy đường phố sạch đẹp và biết rằng đằng sau đó có một phong trào nhặt rác được triển khai trong toàn dân có hiệu ứng tích cực”.

Huế không chỉ có “Ngày Chủ nhật xanh” như lời anh Đức đề cập, Huế biết chăm chút cho dòng Hương với màu xanh trong và đường đi bộ dọc đôi bờ, chăm chút cho công viên, chăm chút ngay trong từng công sở, mỗi ngôi nhà… Những thứ tưởng chừng rất nhỏ nhưng tác dụng là rất lớn.

Cuộc di dân Thượng Thành lịch sử dù không phải là yếu tố cốt lõi để Huế hướng tới mục tiêu Thành phố di sản, nhưng nó lại có giá trị rất lớn, trước hết là khôi phục giá trị Kinh thành. Nhắc đến yếu tố này, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa bảo, Việt Nam hay có mặc cảm về tầm vóc của những di tích, nghĩa là nước ta chưa có một di tích lịch sử nào vĩ đại, mang tầm quốc tế, song nếu cuộc di dân này thành công, thì Kinh thành Huế sẽ lộ ra là một công trình kiến trúc tầm cỡ thế giới. Công trình này có chu vi kéo dài hơn 11km, dày 22m, kiến trúc bằng gạch 3 tầng có hệ thống 404 pháo nhãn, thủy quan, đường vận binh, quan tượng đài, kỳ đài… vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn.

Kinh thành Huế là giá trị lịch sử còn cuộc di dân này còn mang lại nhiều giá trị thực tại hơn. Người dân có nơi ở mới với sinh kế ổn định. Nếu như trước đây, gieo neo, tạm bợ trên bờ thành họ chẳng biết kiếm sống bằng nghề gì ngoài cửu vạn, làm thuê. Nhưng bây giờ, ở khu tái định cư Hương Sơ (TP. Huế), nhiều hàng quán mọc lên, dịch vụ do người dân cung ứng. Nói vậy để thấy năng lực của họ đã thoát ra khỏi sự kìm hãm.

Không hề quá lời khi nói rằng Nghị quyết 54 khiến Huế chuyển động nhanh. Sự chuyển động ngay trong bộ máy của lãnh đạo các cấp chính quyền, người dân và cả những người làm kinh tế. Nhiều dự án khởi nghiệp của người Huế dựa trên nền tàng di sản; Huế S, Đô thị thông minh… không chỉ làm thay đổi diện mạo Huế, mà còn góp phần hình thành nên những ý thức tích cực của người dân Cố đô.

Có thể bây giờ, nhiều người dân vẫn chưa thật tường tận về sự khác biệt của một Thành phố di sản trực thuộc Trung ương trong tương lai sẽ hình thành, nhưng mục tiêu đó chính là động lực để phát triển. “Nếu vẫn là tỉnh Thừa Thiên Huế thì động lực phát triển sẽ rất yếu và thế mạnh về văn hóa và di sản sẽ bị giậm chân tại chỗ. Công nhận Thành phố di sản cho Huế không chỉ gò bó trong di sản mà tạo thế phát triển trong tình hình mới. Ngày xưa Huế mang những giá trị truyền thống, nhưng bây giờ phải là trung tâm văn hóa sáng tạo về học thuật, công nghệ, du lịch… Từ văn hóa di sản tạo ra thế phát triển, nắm lấy thời cơ vàng”, ông Hoa chia sẻ.


Phát huy các giá trị di sản vật thể và phi vật thể 

Tạo thế và lực

Với danh hiệu thành phố văn hóa ASEAN, thành phố du lịch sạch ASEAN, thành phố Festival... để khẳng định vị thế trung tâm văn hóa đặc sắc của Việt Nam, cần có cơ chế, chính sách về khai thác thế mạnh đô thị di sản. Bên cạnh việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng trung tâm khoa học công nghệ đủ mạnh, dịch vụ y tế chuyên sâu, thu hút nhân tài… thì phát triển du lịch bền vững vẫn là ngành kinh tế trọng điểm. Tất nhiên, sự phát triển của du lịch có mối quan hệ mật thiết với những chính sách phát triển đô thị.

Trong một bài tham luận tại hội thảo xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch – Tổng cục Du lịch đưa ra một con số giật mình: Lượng khách quốc tế đến Thừa Thiên Huế chỉ bẳng 1/3 Hà Nội, 1/4 TP. Hồ Chí Minh, bằng 60-70% so với Đà Nẵng hay Khánh Hòa, đặc biệt giá trị tổng thu từ khách du lịch cũng dừng ở mức rất thấp. “Chúng ta không nên so sánh với chính mình qua từng năm mà cần so sánh với các tỉnh, thành bạn vốn nghèo hơn về văn hóa và di sản. Từ đó tìm ra cái mới, đột phá hơn trong tương lai”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân bày tỏ quan điểm.

Theo Tổng cục Du lịch, Thừa Thiên Huế có đủ tiềm năng để trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước. Song, sự phát triển của du lịch có mối liên hệ mật thiết với chính sách phát triển đô thị. Việc làm rõ bản sắc của đô thị Huế để chính xác “điểm cạnh tranh” là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và tính hấp dẫn lâu dài của điểm đến. Ngoài ra, cần có những giải pháp để thu hút thị trường mới, phát triển sản phẩm mới nhưng phải thận trọng, phù hợp đồng thời tăng cường tính liên kết du lịch và ứng dụng hơn nữa các giải pháp về công nghệ.


Những con đường phố rợp bóng cây xanh

Với Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, một trong những mục tiêu trước mắt quan trọng của Thừa Thiên Huế là hoàn thành mở rộng TP. Huế theo quy hoạch trước năm 2022. Theo đề án quy hoạch, TP. Huế sẽ được mở rộng và hoàn thiện theo trục không gian sông Hương kết nối từ núi đến biển. Vùng lõi đô thị di sản sẽ được giảm áp lực bởi sự phát triển của các tiểu đô thị hai bên bờ sông Hương. Xung quang trung tâm TP. Huế là bốn vùng đô thị phụ trợ là Tứ Hạ, Hương Thủy, Thuận An, Bình Điền.

“Việc quy hoạch đô thị Huế là xác định các vùng phát triển đặc trưng. Nếu như ở thượng nguồn sông Hương có giá trị cảnh quan; khu vực trung tâm có Kinh thành,  khu phố lịch sử, khu phố mới; hạ nguồn có các làng cổ, làng nghề... Từ đó xác định được yếu tố đặc trưng, tiến hành đầu tư. Khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề nguồn vốn. Bây giờ khi đã triển khai thì cần có một cơ chế giám sát chặt chẽ, phía tỉnh cũng đang nỗ lực cho vấn đề này. Có những bản quy hoạch dù rất tối ưu nhưng yếu tố nguồn lực là quyết định”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Đặng Minh Nam nói.

Việc phát triển đô thị và công tác bảo tồn muôn thuở đều có những mâu thuẫn. Ở Huế, đó là mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa trầm lắng với sự năng động đổi mới sáng tạo. Thuyết phục Quốc hội không phải việc đơn giản. Vấn đề không dừng lại ở việc xây dựng nội dung tốt mà phải tìm thế và lực đủ tốt. Và nếu, một khi được Trung ương công nhận là Thành phố di sản thì cần có nhiều hơn nữa những đề án cụ thể để đạt được hiệu quả phù hợp tiêu chí, điều đó nhằm phát huy giá trị cho di sản mà không gây ra khủng hoảng mới cho đô thị mở rộng trong tương lai.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh đầu tháng 7/2020, UVTƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Thừa Thiên Huế đang triển khai cơ chế đặc thù với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa Cố đô Huế là hướng đi đúng nhằm cụ thể hóa các mục tiêu trong thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Tỉnh cần sớm hoàn thiện bộ tiêu chí về đô thị di sản văn hóa có tính chất đặc trưng của Huế, từ đó kiến nghị các cơ chế, chính sách đặc thù để báo cáo Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét trong thời gian sớm nhất.

Báo Thừa Thiên Huế

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]