Add Content...

Đảng bộ Thừa Thiên Huế - 90 năm xây dựng và trưởng thành
  

1. Đảng bộ Thừa Thiên Huế ra đời và lãnh đạo các phong trào cách mạng giai đoạn 1930 - 1945

- Là một bộ phận của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Đảng bộ Thừa Thiên Huế là một trong những đảng bộ ra đời sớm vào đầu tháng 4/1930 trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức cộng sản ở Thừa Thiên Huế là Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, đã trải qua 90 năm (1930 - 2020) lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn trùng thử thách của các chặng đường lịch sử, góp phần vào lịch sử đấu tranh oanh liệt, thắng lợi vẻ vang của Đảng và của dân tộc.

- Sự ra đời của tổ chức Đảng Cộng sản ở trung tâm chính trị phong kiến của cả nước, thủ phủ chế độ thực dân ở Trung Kỳ có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với Thừa Thiên Huế, mà còn có tầm quan trọng đối với cả nước. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân tham gia tích cực các phong trào cách mạng rộng lớn, tiêu biểu là phong trào 1930 - 1931, phong trào Mặt trận dân chủ 1936 - 1939 sôi nổi, mạnh mẽ đúng đường lối đấu tranh giai cấp của Đảng.

- Vượt qua làn sóng khủng bố của kẻ thù, Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo nhân dân dấy lên cao trào kháng Nhật cứu nước. Khi nhận được Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp (09/3/1945), Tỉnh ủy đã khẩn trương chuẩn bị đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị lịch sử tại đầm Cầu Hai (23/5/1945) đã vạch ra những nguyên tắc, sách lược, tổ chức và thời gian khởi nghĩa ở Huế và các huyện trong tỉnh. Chính sự chỉ đạo chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng và toàn diện về mọi mặt đã dẫn đến thắng lợi rực rỡ trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên Huế, đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của Đảng bộ trong cuộc cách mạng ngay giữa trung tâm của chế độ thực dân - phong kiến, góp phần to lớn quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Đây là một trong những sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế, là thắng lợi của lòng tin vào lý tưởng cộng sản; thắng lợi của lòng yêu nước đã biến thành hành động cách mạng với sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân, thắng lợi của khối đại đoàn kết dân tộc đã phân hóa hàng ngũ và thế lực của kẻ thù; thắng lợi của ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm, trí thông minh sáng tạo và quyết tâm của Đảng bộ, nhân dân Thừa Thiên Huế thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Điều đó càng chứng minh rằng, Đảng của giai cấp công nhân được trang bị chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, là nhân tố cơ bản quyết định mọi thắng lợi của cách mạng cả nước cũng như ở mỗi địa phương.

2. Không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, Đảng bộ Thừa Thiên Huế tiếp tục lãnh đạo nhân dân tham gia hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành thắng lợi vẻ vang

a. Giai đoạn 1945 - 1954

- Sau Cách mạng Tháng Tám, giữa bộn bề khó khăn chồng chất, ngày đêm phải đối phó với thù trong giặc ngoài, Đảng bộ vẫn gan vững, chí bền giữ vững nguyên tắc độc lập dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường, ứng xử khôn khéo “Dĩ bất biến ứng vạn biến” với các thế lực thù trong giặc ngoài, lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, diệt “Giặc đói”, “Giặc dốt”, giặc ngoại xâm, vượt qua những khó khăn khắc nghiệt của thế “Ngàn cân treo sợi tóc”.

- Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng đồng bào cả nước, Đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân Thừa Thiên Huế anh dũng đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, thử thách ở chiến trường địch hậu, tiến hành kháng chiến “Toàn dân, toàn diện” theo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng.

- Mặc dù phải đương đầu với cuộc chiến đấu không cân sức, trong vòng vây của kẻ thù, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân ta đã kiên trì bám đất, bám dân trường kỳ kháng chiến. Giữa những ngày ác liệt đó, nhận định sắc sảo và tầm nhìn chiến lược “Mất đất chưa phải mất nước, chết không rời cơ sở, chúng ta phải tranh thủ từng thôn, từng người dân. Còn Đảng, còn dân là còn tất cả. Chúng ta nhất định thắng” của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh, đã trở thành quyết tâm và hành động của toàn Đảng bộ, tạo nên sức mạnh để quân dân Thừa Thiên Huế vượt qua những thử thách khắc nghiệt của cuộc kháng chiến.

- Sau hội nghị Nam Dương lịch sử (tháng 3/1947), chúng ta đã chủ động tấn công địch bằng một số trận đánh thắng lợi, gây được tiếng vang, như: trận Hộ Thành, Đất Đỏ, Võ Xá, Sư Lỗ..., nối lại tiếng súng kháng chiến, thắp sáng niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, Tỉnh ủy đã chủ trương xây dựng các chiến khu Hòa Mỹ, Dương Hòa và phát triển căn cứ kháng chiến ở đồng bằng Phong - Quảng, Phú Vang, Phú Lộc. Đội ngũ đảng viên không ngừng lớn mạnh ở các địa phương và trong lực lượng vũ trang, đã phát huy vai trò tiên phong gương mẫu trên các mặt trận, xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Lực lượng vũ trang của tỉnh hình thành với 3 thế quân đã anh dũng lập công trong các trận chống càn, bảo vệ nhân dân, bảo vệ căn cứ kháng chiến. Nổi bật là các chiến thắng vang dội, như: Hòa Mỹ, Dương Hòa, Thanh Lam Bồ, Mỹ Lợi, Thanh Hương Mỹ Xuyên, Phổ Lại, Phò Trạch, An Lỗ, An Hòa, Văn Thánh, An Cựu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, thế trận lòng dân ngày càng được tăng cường, củng cố. Mặt trận Việt Minh - Liên Việt và các đoàn thể cứu quốc tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân hướng về cách mạng, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến.

- Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Thừa Thiên Huế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu ở vùng sau lưng địch, làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào và Camphuchia, phối hợp chia lửa với chiến trường Tây Bắc, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Với những thành tích to lớn ấy, quân và dân Thừa Thiên Huế đã vinh dự được nhận cờ luân lưu “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng. Đây là phần thưởng xứng đáng cổ vũ Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà viết tiếp trang sử vàng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

b. Giai đoạn 1954 - 1975

- Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước tạm thời chia làm hai miền. Đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam lập nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, gây ra cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài suốt 21 năm.

- Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã đoàn kết, nhất tề đứng lên vượt qua muôn trùng khó khăn, thử thách, không quản ngại gian khổ, mất mát, hy sinh, anh dũng chiến đấu ngoan cường. Với quyết tâm “Đảng bám dân, dân bám đất, một tấc không đi, một ly không rời”, phát động cuộc chiến tranh nhân dân giành thắng lợi từng bước theo phương châm “Hai chân, ba mũi trên ba vùng chiến lược”, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, phát triển cơ sở cách mạng ở nông thôn, đồng bằng và đô thị; xây dựng căn cứ địa cách mạng ở miền núi, xây dựng lực lượng vũ trang và hậu cần tại chỗ. Những năm tháng khó khăn, gian khổ ngày đêm đối mặt với lưỡi lê, máy chém của Luật 10/59 do tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm tiến hành mà đại diện là Ngô Đình Cẩn - tên hung thần bạo chúa ở miền Trung, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân kiên trì đấu tranh, vượt qua thời kỳ “Tố Cộng, diệt Cộng” đẫm máu của kẻ thù, từng bước khôi phục, gây dựng phong trào, chờ thời cơ chín muồi vùng lên tiêu diệt kẻ thù.

- Dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 (khóa II), Đảng bộ đã nhanh chóng phát động nhân dân tiến hành Đồng Khởi thắng lợi ở miền núi (1960), Đồng Khởi đồng bằng (1964), giành quyền làm chủ, kết hợp với phong trào đấu tranh chính trị ở thành thị và nông thôn, đưa cuộc chiến tranh nhân dân ngày càng phát triển, góp phần từng bước đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - ngụy. Điển hình là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân - 1968, quân và dân ta đã làm chủ thành phố Huế suốt 26 ngày đêm, làm cho địch kinh hoàng run sợ, báo hiệu sự sụp đổ không thể tránh khỏi của quân xâm lược và bè lũ tay sai. Chiến thắng đó đã góp phần đánh bại “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, buộc chúng phải xuống thang ngồi vào bàn đàm phán. Thừa Thiên Huế là một trong ba ngọn cờ đầu của chiến tranh nhân dân ở miền Nam chống Mỹ, vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và được trao tặng danh hiệu “Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.

- Tháng 10/1974, Bộ Chính trị đã họp đánh giá tình hình miền Nam và ra Nghị quyết lịch sử “Quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976”. Tỉnh ủy đã kịp thời đề ra nhiệm vụ cho quân và dân Thừa Thiên Huế trong năm 1975 là: “Tiến hành công kích và khởi nghĩa, kiên quyết và táo bạo chuyển phong trào lên một bước nhảy vọt giành thắng lợi to lớn”. Phối hợp với các lực lượng và các mũi tiến công địch trên toàn chiến trường, chỉ trong 22 ngày đêm (từ 05/3 đến 26/3), quân và dân Thừa Thiên Huế đã cùng lực lượng Quân khu Trị Thiên, Quân đoàn II, tiến công từ bên ngoài, nổi dậy từ bên trong, tạo thành hai mũi giáp công tiêu diệt địch giành quyền làm chủ. Ngày 26/3/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên bầu trời Cố đô Huế, đánh mốc son lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng.

Đây là thắng lợi lớn nhất, rực rỡ nhất của quân và dân tỉnh nhà trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với thắng lợi oanh liệt đó, quân và dân Thừa Thiên Huế đã góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, kết thúc quá trình 30 năm giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

3. 45 năm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và bảo vệ quê hương, thực hiện công cuộc đổi mới

- Sau ngày quê hương giải phóng, đứng trước muôn vàn khó khăn, phức tạp, Đảng bộ Thừa Thiên Huế đã cùng với quân, dân trong tỉnh tập trung xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng; chăm lo nơi ăn chốn ở, ổn định đời sống nhân dân; khắc phục hàn gắn vết thương chiến tranh và cải tạo từng bước làm lành mạnh xã hội. Những cố gắng phấn đấu không mệt mỏi của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đạt được sau ngày quê hương giải phóng có ý nghĩa quan trọng và đáng tự hào, góp phần khẳng định niềm tin của nhân dân đối với chế độ mới, được Trung ương đánh giá: “Thừa Thiên Huế là một tỉnh gặp khó khăn nhất, nhưng cùng là địa phương sớm ổn định tình hình, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh”.

- 13 năm hợp nhất trong tỉnh Bình Trị Thiên, với tinh thần “Vì cả nước, với cả nước”, Đảng bộ các huyện và thành phố Huế đã tập trung khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, xung kích trong việc xây dựng mô hình kinh tế trọng điểm của tỉnh Bình Trị Thiên, vừa cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, rà phá bom mìn, khai hoang phục hóa, thủy lợi hóa, tìm bước đi thích hợp, vượt qua khó khăn của thời gian dài thời kỳ bao cấp, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường củng cố hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh trong hoàn cảnh đất nước vừa có hòa bình vừa có chiến tranh, làm tròn nhiệm vụ đối với cả nước và quốc tế.

- Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, từ sau khi phân chia lại tỉnh Thừa Thiên Huế năm 1989, Đảng bộ tỉnh đã trải qua 6 kỳ đại hội (từ đại hội lần thứ X đến XV). Từ quá trình tìm tòi một cơ cấu kinh tế thích hợp: công nghiệp - du lịch, dịch vụ - nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xác định rõ các ngành trọng điểm, các vùng kinh tế, các khu công nghiệp, đề ra 4 mũi nhọn kinh tế, các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm, các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu để thực hiện từ Đại hội X (1991) đến Đại hội XI (1996). Đến nay, Thừa Thiên Huế đã có những bước tiến vượt bậc đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực:

Phát huy truyền thống vẻ vang của một Đảng bộ kiên cường, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thời kỳ phát triển mới. Đảng bộ thực sự đoàn kết, ngày càng trong sạch, vững mạnh. Thực hiện các nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ tỉnh đã quan tâm tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về vai trò, tầm quan trọng của sự lãnh đạo của Đảng; từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên; ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Kỷ cương, kỷ luật hành chính được tăng cường. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, đổi mới lề lối làm việc; nghiêm khắc tự sửa chữa khuyết điểm trong công tác, trong cuộc sống của mình; hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đề ra.

Công tác xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng được tăng cường; gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước và truyền thống cách mạng. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận được đẩy mạnh. Công tác tổ chức, cán bộ được triển khai đồng bộ. Nhiều chủ trương, quan điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ đã được cụ thể hóa thành quy định, kế hoạch để thực hiện. Thực hiện tốt phân công, phân cấp quản lý cán bộ; dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển và chính sách cán bộ; quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Tập trung chăm lo, củng cố, kiện toàn các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng. Việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên từng bước đi vào thực chất. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được tăng cường, đáp ứng kịp thời các yêu cầu xây dựng Đảng.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được tiến hành kịp thời, bảo đảm quy trình, quy định và giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, giúp cấp ủy đánh giá đúng tình hình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân cấp ủy viên, cán bộ chủ chốt, nhất là những nơi có vấn đề phức tạp. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng, lãng phí đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân có chuyển biến tích cực. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo thực hiện đúng quy trình, quy định, thủ tục của pháp luật; từng bước giải quyết những vấn đề bức xúc, vướng mắc, tồn đọng kéo dài.

Các cấp ủy đảng đã tăng cường kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức đảng, lắng nghe và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đề xuất chính đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đổi mới cách ra nghị quyết, chỉ thị theo hướng ngắn gọn, thiết thực, cụ thể, rõ việc, rõ trách nhiệm. Dân chủ cơ sở từng bước được đề cao. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã nêu cao trách nhiệm phục vụ nhân dân; phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” của cán bộ, công chức có nhiều chuyển biến.

Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đưa Thừa Thiên Huế ra khỏi tỉnh nghèo, kém phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trở thành một cực phát triển năng động của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tổng quan bức tranh kinh tế - xã hội ngày càng rõ nét, diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những thay đổi to lớn. GDP tăng bình quân hàng năm là 8,45%, vượt 2,45% so với mức đề ra cho thời kỳ 1991 - 1995, tăng 6,35% so với thời kỳ 1986 - 1990. Giai đoạn 2010 - 2015, trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đã duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, bình quân đạt trên 9%/năm. So với năm 2010, quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,6 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt 2.000 USD, tăng gần 2 lần. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 70.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 7,3%/năm, cao hơn mức bình quân chung của thời kỳ 2011 - 2015 là 6,12%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh trên cơ sở các lợi thế so sánh của tỉnh về phát triển du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục… Huy động các nguồn lực tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang, nâng cấp đô thị Thừa Thiên Huế đạt 78,84/100 điểm theo Nghị định 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Đến nay, đã thành lập 9 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 353 ha, trong đó 6 cụm đi vào hoạt động.

Văn hóa - xã hội phát triển toàn diện, được đẩy mạnh theo hướng phát triển đô thị “Đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Phát huy vị thế trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước để phát triển du lịch, gắn bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản Cố đô Huế với xây dựng thành phố văn hóa, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Trung tâm y tế chuyên sâu với trụ cột là Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành và mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư đồng bộ, hiện đại, phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân của khu vực miền Trung và cả nước. Trung tâm giáo dục - đào tạo được đầu tư theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực miền Trung và cả nước. Ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng Trung tâm khoa học - công nghệ của khu vực.

Đời sống nhân dân được cải thiện, thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; thường xuyên chú trọng công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với nước. Bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể từng bước được nâng cao. Thế và lực của tỉnh ngày càng được nâng cao; trở thành vùng kinh tế động lực của miền Trung.

Thực hiện có hiệu quả đường lối và chính sách đối ngoại, tỉnh đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, có những đổi mới quan trọng về tư duy nhận thức cũng như xác định nội dung, cách thức, giải pháp thực hiện hoạt động đối ngoại phù hợp với các quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong từng giai đoạn cách mạng và khả năng điều kiện mở rộng quan hệ đối ngoại của tỉnh để có lộ trình và bước đi cụ thể, phù hợp. Các hoạt động đối ngoại của tỉnh đã được triển khai đồng bộ và phát triển dưới những hình thức đa dạng, phong phú, đối ngoại thực sự là một trong ba trụ cột ngoại giao quan trọng, cùng với ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa nhằm góp phần vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng phát triển đất nước và địa phương. Hoạt động đối ngoại của tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc giới thiệu với bạn bè quốc tế về những thành tựu đạt được trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nét độc đáo của di sản văn hóa, nghệ thuật đặc trưng của Huế. Tỉnh đã chủ động thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với nhiều địa phương của các nước trên thế giới. Công tác đối ngoại nhân dân góp phần mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác; hoạt động đối ngoại nhân dân không ngừng được đổi mới, ngày càng trở nên toàn diện và đi vào chiều sâu. Những mối quan hệ đối ngoại rộng mở này rất quan trọng, là nhịp cầu để tỉnh phát triển mạng lưới giao lưu hợp tác, là những kênh thông tin giữa địa phương với các nước trên thế giới trong việc tuyên truyền, vận động và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với sự phát triển địa phương và cả nước.

Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, thế trận quốc phòng toàn dân được xây dựng, củng cố và gắn liền với thế trận an ninh nhân dân.

Những thành quả đạt được sau 90 năm qua cùng những thành tựu to lớn của quá trình đổi mới thời gian gần đây là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.


www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]