Tại Nghị định 126/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội có quy định về các trường hợp hội sẽ bị giải thể.
Cụ thể, theo khoản 2 Điều 30 Nghị định 126/2024/NĐ-CP hội bị giải thể theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi vi phạm một trong các trường hợp:
(1) Vi phạm khoản 2 Điều 24 Nghị định 126/2024/NĐ-CP, như:
Lợi dụng hoạt động của hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
Lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện các hoạt động mê tín, dị đoan;
Hoạt động tài chính, kinh doanh trái phép làm rối loạn thị trường trong nước.
(2) Tự tổ chức đại hội khi chưa có ý kiến cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
(3) Quá thời gian gia hạn mà hội không tổ chức đại hội, trừ trường hợp có lý do bất khả kháng;
(4) Không báo cáo về tổ chức, hoạt động và tài chính theo quy định hoặc không công khai báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và kết luận của kiểm toán (nếu có) trong 02 năm liên tục;
(5) Quá thời hạn hội bị đình chỉ hoạt động có thời hạn mà không khắc phục được vi phạm;
(6) Hết 180 ngày kể từ ngày có yêu cầu của trên 1/2 tổng số hội viên chính thức đề nghị giải thể hội những ban chấp hành hội không tiến hành thủ tục tự giải thể hội;
(7) Hội không đủ số lượng hội viên theo quy định đến thời điểm báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ.
Nghị định 126/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 26/11/2024.