Hàm Nghi
  
Cập nhật:25/12/2024 12:00:00 SA

1. Vị trí con đường

Đường Hàm Nghi nằm trên địa bàn phường Phước Vĩnh, về phía Đông Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Trần Phú (cách chợ Phước Vĩnh khoảng 20m), chạy qua trước mặt Trường THCS Phước Vĩnh đến đường Nguyễn Trường Tộ (giáp dốc trước mặt Nhà thờ chánh tòa Phủ Cam), dài 840m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường này hình thành vào đầu thế kỷ 19, nguyên là con đường đất chạy qua thôn Phước Quả, xã Thủy Phước, thuộc huyện Hương Thủy. Đến tháng 9/1981, xã Thủy Phước sát nhập vào thành phố, tháng 1/1983, mới nâng lên thành phường Phước Vĩnh. Thời Pháp thuộc thường gọi là đường Nhà Thờ. Từ 1995 trở về trước, đường này gồm hai nửa kiệt: phía trên là kiệt 02 Nguyễn trường Tộ, phía dưới là kiệt 01 Trần Phú. Tháng 6/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định gộp hai đoạn này lại làm một và đặt tên là đường Hàm Nghi.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Hàm Nghi (Tân Mùi 1871 - Giáp Thân 1944) Là niên hiệu của ông vua nhà Nguyễn thứ VIII, tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, con thứ 5 của Kiên Thái Vương Hồng Cai, em ruột vua Kiến Phúc. Sau khi vua Kiến Phúc băng hà, ông được các đại thần phụ chính phò tá lên ngôi tháng 8 năm 1884, lúc mới được 14 tuổi. Tuy lên ngôi ở tuổi còn nhỏ, song ông đã sớm hiểu chính sự, căm phẫn trước nỗi mất nước, muốn đánh đuổi quân Pháp. Ngày 23 tháng 5 (âm) năm 1885, Tôn Thất Thuyết chỉ huy đánh úp quân Pháp tại Kinh thành, nhưng do binh lực yếu nên sớm thất bại ông đành bỏ Kinh thành Huế xuất cung ra chiến khu Tân Sở, Quảng Trị, ít ngày sau theo đường sạn đạo ra chiến khu Tuyên Hóa, Quảng Bình xuống chiếu Cần Vương, tiếp tục đánh Pháp. Sau hơn 3 năm chiến đấu, lực lượng Cần Vương phát triển ở nhiều nơi trong cả nước đã làm cho quân Pháp vô cùng khốn đốn. Ngày 6/9/1888, tại chiến khu Tuyên Hóa, nhà vua bị tên phản bội Trương Quang Ngọc đang đêm dẫn lính ập vào bắt vua đem nộp cho quân Pháp. Sau đó quân Pháp đưa ông về giam ở cửa Thuận An, rồi đưa xuống tàu đày sang Algérie. Trong thời gian bị giam giữ ở Algérie, vào năm 1904 ông kết hôn với cô Marcelle Laloe người Pháp, con của viên chánh án Tòa án Algér, và sinh hạ được ba người con: hai gái, một trai. Các con của ông sau này đều trở thành những trí thức danh tiếng. Vua Hàm Nghi mất năm 1944 (có sách chép 1943), an táng tại nghĩa trang El Biar, Algér, hưởng thọ 75 tuổi. Sau ngày Algérie giành được độc lập, thi hài của ông được đưa về an nghỉ ở nghĩa trang của làng Thoniac, thuộc miền trung nguyên nước Pháp, cách Paris hơn 800 km, tại đây còn có mộ vợ và con của ông. Trường THCS Phước Vĩnh, Xí nghiệp giống thức ăn chăn nuôi, Đền Mân Côi, Chi cục Quản lý thị trường, Công ty Nuôi trồng thủy sản nằm trên đường này.

 


Đường Hàm Nghi

 Bản in]