(CTTĐT) - Thừa Thiên Huế xác định chuyển đổi số là một trong các giải pháp nền tảng có tính đột phá, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Thời gian qua, bám sát chủ trương của Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Thừa Thiên Huế đã triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trên các lĩnh vực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục phát triển các dịch vụ trên nền tảng Hue-S: Đã đưa vào vận hành hơn 20 dịch vụ (phản ánh hiện trường, giám sát đô thị thông qua cảm biến camera, giám sát thông tin báo chí, giám sát dịch vụ hành chính công, cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh, giám sát quảng cáo điện tử, giám sát môi trường, thẻ điện tử, giám sát tàu cá, giám sát đảm bảo an toàn thông tin…). Các dịch vụ đô thị thông minh vận hành trên nền tảng Hue-S bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cũng như hình thành thói quen sử dụng dịch vụ trên nền tảng số trong cộng đồng xã hội; Tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đảm bảo vận hành hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh; Ứng dụng giải pháp công nghệ GIS mới để sớm chuyển đổi bản đồ nền, cũng như xây dựng, cập nhật dữ liệu đảm bảo hình thành các dịch vụ GIS phục vụ các ứng dụng đô thị thông minh.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông đến nay, đã có hơn một triệu tài khoản đăng ký, trung bình mỗi năm ghi nhận hơn 25 triệu lượt truy cập với thời gian trung bình 3 giờ 52 phút phút/ ngày, trong đó có hơn 815.072 lượt tải là người dân Huế. Hue-S còn kết nối với 52 tỉnh, thành phố và hơn 15 quốc gia trên thế giới. Tiếp tục nâng cấp và phát triển các ứng dụng cho nhiều đối tượng khác nhau trên Hue-S như: Đảng viên, đoàn viên thanh niên, cán bộ công chức viên chức, cơ quan báo chí, hội phụ nữ, tổ công nghệ số cộng đồng… Đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên ứng dụng Hue-S phục vụ Công dân, doanh nghiệp đăng ký hồ sơ trực tuyến, ký số thành phần đính kèm và thanh toán trực tuyến, quản lý hồ sơ đã đăng ký.
Với việc tích hợp thành công ví điện tử, Hue-S đã góp phần thúc đẩy kinh tế số thông qua việc cung cấp giải pháp thanh toán liền mạch; Đến nay đã có hơn 77.877 tài khoản ví điện tử FPT được đăng ký trên ứng dụng Hue-S và 694 điểm chấp nhận thanh toán qua Hue-S trên địa bàn tỉnh. Và gần 173.000 tài khoản ví Viettel Money trên địa bàn tỉnh. Tích hợp thành công và triển khai chức năng thanh toán tiền điện, tiền nước, dịch vụ vệ sinh môi trường; phí, lệ phí dịch vụ hành chính công, học phí, viện phí thông qua ví điện tử Hue-S.
Hệ thống Camera hiện nay đã kết nối hơn 650 camera trên địa bàn toàn tỉnh, phục vụ cho công tác giám sát đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, môi trường. Hiện nay trung tâm HueIOC đã ứng dụng các giải pháp AI để ghi nhận các trường hợp vi phạm giao thông chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Đồng thời hệ thống giám sát Camera ứng dụng công nghệ AI đã và đang hỗ trợ có hiệu quả cho điều tra các vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo an ninh trật tự.
Cùng với đó, đã phối hợp với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về cư dân nghiên cứu triển khai thành công giải pháp xác thực định danh tài khoản Hue-S thông qua ứng dụng VNeID, phối hợp với Cục C06 và các đơn vị liên quan triển khai cấp Lý lịch tư pháp trên VNeID.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn cho biết, sau khi chuẩn hóa và hoàn thiện và phát triển Nền tảng số truyền thông có chức năng kết nối giữa cơ quan nhà nước với cơ quan báo chí trên cơ sở tích hợp, nâng cấp hệ thống Mạng lưới phát ngôn vào quy trình xử lý phản ánh hiện trường trên nền tảng số Hue-S (từ tháng 3/2024), nền tảng truyền thông số đã đạt nhiều kết quả tích cực.
“Công tác trao đổi và tiếp nhận thông tin diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Thông qua Nền tảng số truyền thông các cơ quan nhà nước chỉ cần số hóa và cung cấp thông tin thống nhất trên tảng Hue-S. Các cơ quan báo chí tham gia vào Hue-S sẽ nhận ngay được thông tin và triển khai nhanh chóng hoạt động truyền thông mà không cần phải thêm nhiều nghiệp vụ tìm hiểu, xác minh của cơ quan báo chí.” Ông Nguyễn Xuân Sơn nhận định.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền Chuyển đổi số trong thời gian qua đã được các cơ quan thông tấn báo chí tại địa phương quan tâm triển khai thông qua việc xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số như: Cổng thông tin điện tử tỉnh có chuyên trang Chuyển đổi số, báo Thừa Thiên Huế và Đài phát thanh – truyền hình tỉnh có chuyên mục về chuyển đổi số. Đồng thời, thường xuyên đăng tải các tin bài, phát sóng các tin, phóng sự về chuyển đổi số đăng tải trên chuyên trang, chuyên mục.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn, đã triển khai mạng diện rộng tỉnh theo mô hình mạng MetroNet kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ; thiết lập việc truy cập internet trong cơ quan nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng tập trung. Đến nay, đã có 483 cơ quan, đơn vị (đạt 100%) cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã triển khai kết nối mạng MetroNet kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ, Internet tập trung.
Doanh nghiệp giới thiệu các ứng dụng để thực hiện quá trình chuyển đổi số
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thiện nền tảng phát triển và tích hợp Chính quyền điện tử như: Nền tảng phát triển ứng dụng, nền tảng tích hợp, chia sẻ liên thông (LSGP); nền tảng này tiếp tục được duy trì kết nối thông với nền tảng tích hợp chia sẻ liên thông quốc gia (NGSP). Hạ tầng kết nối từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Chính phủ, các hệ thống quốc gia tiếp tục được vận hành hiệu quả.
Đã xây dựng hơn 800 bảng dữ liệu cho các lĩnh vực: Du lịch, Bưu chính - Viễn thông, Báo chí- Xuất bản, Giao thông, Y tế, Giáo dục, Văn hóa và Thể thao … cho phép thu thập, trích xuất, chuyển đổi, chuẩn hóa, lưu trữ, quản lý, chia sẻ dữ liệu; từ đó phục vụ triển khai Chính quyền số và dịch vụ đô thị thông minh. Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc được áp dụng thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc của tỉnh đã được liên thông với Trục liên thông văn bản Quốc gia theo mô hình 04 cấp; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã áp dụng chữ ký số trong trong văn bản điện tử. Việc sử dụng, trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng hoàn toàn thay văn bản giấy góp phần tiết kiệm lượng lớn kinh phí.
100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã được cấp chữ kỹ số cho đơn vị và các cá nhân dưới dạng USB Token, các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh được cấp SIM PKI ký số dành cho thiết bị di động với 101 SIM PKI. Đến nay, toàn tỉnh đã có 15.890 chứng thư số chuyên dùng, được các cơ quan, đơn vị sử dụng ký số trong công việc.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp cụ thể hóa các Nghị quyết của Tỉnh uỷ, tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ưu tiên chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi sổ toàn diện.
“Việc phát triển mạnh mẽ nền tảng số, xây dựng dữ liệu phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; xây dựng và cung cấp dữ liệu mở cho các cơ quan, tổ chức, phát triển hạ tầng dữ liệu, phát triển dữ liệu; bảo đảm duy trì kết nối, chia sẻ dữ liệu... cũng là những khâu đột phá các cơ quan, đơn vị hiện đang đẩy mạnh triển khai thực hiện.” Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định.
Bên cạnh đó, cần phát huy, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành chuyển đổi số; Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp; Phát triển, thu hút nguồn nhân lực chuyển đổi số; Nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ; Đảo bảo nguồn lực tài chính; Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế.